Trẩy hội văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một mùa xuân lại đến với hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ đã, đang và sẽ diễn ra trên khắp cả nước.

Có thể nói mùa xuân ở nước ta là mùa lễ hội, mùa mà người người, nhà nhà nô nức đi trẩy hội sau Tết Nguyên đán với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Theo thống kê, cả nước có tới 9.000 lễ hội truyền thống, thuộc nhóm quốc gia có số lễ hội nhiều nhất khu vực cũng như châu lục. Chỉ riêng thủ đô Hà Nội đã có tới cả nghìn lễ hội. Trong đó, đa số diễn ra sau Tết Nguyên đán.

Đoàn tế lễ từ Quảng Ninh dâng hương tại Lễ hội gò Đống Đa sáng 14/2 (tức mùng 5 Tết). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Đoàn tế lễ từ Quảng Ninh dâng hương tại Lễ hội gò Đống Đa sáng 14/2 (tức mùng 5 Tết). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Trong những năm trở lại đây, khi nhu cầu vật chất của nhiều người dân đã được đáp ứng đủ đầy và nhu cầu tinh thần ngày càng cao, ngày càng nhiều người có điều kiện để du xuân, hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt. Xu hướng này dẫn tới tình trạng xô bồ, quá tải ở một số lễ hội, nhất là những lễ hội nổi tiếng.

Đi kèm với sự xô bồ là vô số những vấn đề mà lễ hội nào ít nhiều đều có. Một phần nguyên nhân là không ít lễ hội đang bị lợi dụng để phục vụ mục đích kinh tế, mục đích thương mại một cách lộ liễu.

Ở đó, để thấy được những nét đẹp trong các hoạt động văn hóa truyền thống, người ta phải len qua những dãy hàng quán san sát nhau, bán đủ mọi thứ từ đồ ăn, đồ chơi đến đồ lễ. Có những nơi không khác gì một khu chợ ẩm thực náo nhiệt, người ăn kẻ uống ồn ào rất đỗi phàm tục, ngay gần nơi cửa Phật.

Ở đó, muốn được trải nghiệm những trò chơi dân gian lành mạnh, người ta phải tránh xa những đối tượng tích cực trục lợi tại các lễ hội bằng các trò chơi thực ra là cờ bạc đỏ đen, hoặc các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, bói toán.

Ở đó, để có thể thành tâm cầu nguyện, người ta phải chen vai thích cánh với những người mà họ đến với tâm thế không trong sáng, thi nhau rót tiền dâng sao giải hạn, cúng vong hay mua sắm lễ vật thật to, đốt thật nhiều hương và vàng mã để cầu xin tài lộc.

Ở đó, đôi khi giá trị văn hóa của lễ hội bị lấn át bởi cảnh rừng người chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc một cách bạo lực, phản cảm.

Và hình ảnh quen thuộc tại nhiều lễ hội ở Việt Nam chính là “đặc sản” rác. Sau mỗi cuộc vui, người thì rời đi, chỉ còn rác ở lại.

Đông đảo du khách đến chùa Phật Tích lễ Phật, cầu bình an. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Đông đảo du khách đến chùa Phật Tích lễ Phật, cầu bình an. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Những hình ảnh chưa đẹp đó đã gây bức xúc dư luận từ năm này qua năm khác, khiến chính phủ và các cơ quan liên ngành phải vào cuộc mạnh mẽ, nhằm trả lại vẻ đẹp thuần khiết vốn có của lễ hội đầu xuân.

Ngày 30/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong đó, văn bản nêu rõ rằng các bên liên quan cần xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, nhấn mạnh các địa phương phải bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các địa phương có lễ hội lớn cũng đã có những biện pháp chủ động để tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh.

Ví dụ như tại Hà Nội, Sở Du lịch đã phối hợp UBND huyện Mỹ Đức tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư năm 2024 tại xã Hương Sơn, chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương 2024. Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn năm nay sẽ có hình thức tán lộc cho du khách thay vì để du khách tranh cướp lộc, gây ra những hình ảnh chướng mắt trong các lần trước đó.

Nỗ lực của cơ quan chức năng chỉ là một phần, một phần quan trọng khác chính là người đi trẩy hội. Có một thực tế rằng không ít người đi hội nhưng chưa hiểu hội vì chỉ chạy theo phong trào, theo xu hướng đám đông. Do chưa hiểu được giá trị và ý nghĩa của lễ hội nên người ta dễ có những hành vi không phù hợp.

Tham gia lễ hội không chỉ là xúng xính quần áo đẹp rồi chụp ảnh đăng mạng xã hội. Đó chỉ là bề nổi. Bề sâu phải là bản sắc, giá trị văn hóa, tinh thần mà ta đã trải nghiệm về lễ hội, về vùng đất gắn liền với lễ hội đó.

Đám rước pháo di chuyển từ nhà truyền thống đến sân Đình. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Đám rước pháo di chuyển từ nhà truyền thống đến sân Đình. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về lễ hội là vô cùng quan trọng và cần phải làm thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cơ quan, không chỉ tuyên truyền rầm rộ vào mỗi dịp đầu xuân. Đối tượng cần đặc biệt hướng tới chính là giới trẻ, những người dễ tiếp thu cái hiện đại trong thế giới số mà thường bỏ qua nét đẹp văn hóa truyền thống. Một trong những hình thức truyền tải tốt nhất thông điệp văn hóa, giá trị của lễ hội chính là qua giáo dục, gắn liền với các hoạt động trải nghiệm thực tế, các môn học như văn học, lịch sử… từ trên ghế nhà trường.

Trong thực tế, một số lễ hội ở các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Hội An đã vươn tầm quốc tế và ngày càng hấp dẫn, thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn du khách khu vực và thế giới. Sức hấp dẫn đó chính là nhờ công tác tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, sáng tạo, chú trọng quảng bá văn hóa dân tộc, coi đây là một tài nguyên vô hình vô giá để phát triển du lịch.

Việt Nam đã xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Việt Nam cũng xác định du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa, mà các lễ hội là sản phẩm bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn.

Để cho mỗi lễ hội vươn lên một tầm xa hơn và cao hơn, trở thành một đại sứ vô hình để quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch vùng miền, trước hết, bản thân lễ hội phải an toàn, lành mạnh. Để làm được điều đó, mỗi chúng ta có thể góp phần công sức nhỏ nhưng quan trọng: Đó là trở thành những người trẩy hội văn minh.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.