(GLO)- Mặc dù đã bước vào mùa mưa, nhưng hiện nay nông dân xã An Phú- TP. Pleiku đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Đặc biệt, trong thời gian qua, công trình đập đất An Phú do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý và khai thác liên tiếp xảy ra tình trạng tranh chấp nước tưới giữa nông dân xã An Phú với người dân 2 làng Dom và Lok (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) khiến công tác quản lý và khai thác công trình đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hệ thống đập dâng An Phú gồm 5 công trình khác nhau, trong đó công trình đập đất An Phú đã có từ năm 1975. Đập dâng này nằm ở điểm cuối cùng của vùng tưới An Phú và giáp với khu tưới cánh 2 làng Dom và Lok. Công trình này phục vụ nước tưới cho 237 ha của cánh đồng xã An Phú, trong đó diện tích của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Phú 1 khoảng 100 ha.
Khu vực tranh chấp nước tưới. Ảnh: N.D |
Do là đập dâng nên nguồn nước tưới phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, thời gian qua lượng mưa tại khu vực này đạt rất thấp so với mọi năm khiến mực nước tại các đập dâng An Phú đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Trước mỗi vụ sản xuất hàng năm, đập đất này được Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi và xã An Phú đều dành kinh phí để sửa chữa.
Từ đầu vụ mùa 2013 đến nay, tại khu vực công trình này liên tiếp xảy ra tình trạng người dân 2 làng Dom và Lok, tháo dỡ đập dẫn nước về tưới cho cánh đồng của làng mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của HTX Nông nghiệp An Phú 1. Theo nhiều nông dân xã An Phú, dù đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa khu vực này đạt thấp hơn so với những năm trước đây.
Vì vậy mới dẫn đến tình trạng tranh chấp nước tưới giữa nông dân 2 vùng liền kề. Ông Nguyễn Xuân Hùng-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Phú 1 cho hay: HTX hiện có trên 100 ha lúa nước, nhưng hiện nay đã có 30 ha lúa nước gieo sạ hơn một tháng, một số vùng đang bị thiếu nước. Nguyên nhân là do không có nước để dẫn về khu vực này để tưới. Đây là vụ mùa đầu tiên xảy ra tình trạng này.
Ông Hồ Văn Hương- Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: “Trước thực trạng bà con 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thị trấn Đak Đoa ban đêm thường lén lút lên khu vực đập đất xả nước chảy xuống suối để dẫn về cánh đồng của làng mình, xã đã phân công cán bộ thủy lợi xã phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Pleiku-Mang Yang (Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi) túc trực cả ban ngày lẫn đêm để ngăn chặn. Tuy nhiên, khi lực lượng này rút về thì bà con lại dỡ đập tháo nước xả xuống suối ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tưới của nông dân trong xã. Từ đó dẫn đến hiện tượng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực cuối vùng tưới.
Trước việc này, xã đã báo cáo UBND TP. Pleiku tìm hướng giải quyết phù hợp. Hiện tại, người dân có diện tích trong khu tưới đang rất bức xúc trước việc tranh chấp xả nước về vùng tưới của bà con 2 làng đồng bào ở thị trấn Đak Đoa”.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đây là đập đất và điểm cuối cùng của vùng tưới giáp ranh với khu tưới huyện Đak Đoa. Những năm gần đây do không đủ nguồn nước tưới nên Công ty chỉ ký hợp đồng với người dân xã An Phú khoảng 237 ha, còn khu vực tưới của huyện Đak Đoa không ký hợp đồng tưới.
Mọi năm đến giờ nước đã tràn qua đập nhưng năm nay mực nước tại công trình rất thấp do lượng mưa ít. Vì vậy những khu vực ngoài hợp đồng tưới rất dễ xảy ra hạn. Đặc biệt, khu vực đập đất giáp ranh giữa vùng tưới An Phú và Đak Đoa hiện xảy ra tranh chấp nước tưới. Công ty dự tính xây dựng kiên cố công trình này nhưng sợ người dân phá hỏng nên chưa thực hiện. Hiện tại, Xí nghiệp Thủy nông Pleiku-Mang Yang và các đơn vị liên quan thường xuyên cử cán bộ thủy nông điều tiết tưới một cách hợp lý.
Nguyễn Diệp