Trang nghiêm nghi lễ hạ nêu và khai ấn tại Đại nội Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khai ấn đầu năm tại Đại nội Huế đến hội vật Thủ lễ có lịch sử gần 400 tuổi và lễ hội cầu ngư, đua thuyền ở vịnh Lăng Cô đã đồng loạt diễn ra trong ngày mồng 6 tết Đinh Dậu tại Thừa Thiên-Huế.
 

Tưng bừng hội vật truyền thống làng Thủ Lễ.
Tưng bừng hội vật truyền thống làng Thủ Lễ.

Sáng 2-2, tại Thế Miếu (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tái hiện nghi lễ hạ nêu và khai ấn đầu năm, kết thúc chương trình đón Tết Đinh Dậu 2017 tại khu di sản Huế. Trước đó, ngày 23 tháng Chạp, lễ dựng nêu trên cơ sở chất liệu cung đình đã được tổ chức tại Đại Nội. Tại lễ hạ nêu, các nghi lễ bái, quan xướng, gióng trống, gõ chuông, tấu nhã nhạc và khai ấn, cho chữ đầu năm… tương tự lễ dựng nêu. Du khách có mặt tại buổi lễ đã rất thích thú với các hoạt động này.

Đầu triều Nguyễn (1802-1945), lễ dựng nêu diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp trong hoàng cung với ước nguyện cầu mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi và treo ấn nghỉ Tết Nguyên đán đến mùng 7 tháng Giêng. Đến thời Minh Mạng, nhà vua cho rằng sớ chương không lúc nào không có, nếu treo hết ấn triện lỡ có việc quân cơ thì rất khó xử lý nên chỉ chọn một số ấn triện không quan trọng để bỏ vào sọt treo lên cây nêu. Ngày mùng bảy tháng Giêng mở ấn (khai ấn) và hạ nêu, tiễn thần để mở đầu năm mới.

Tại lễ tái hiện hạ nêu năm 2017, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lại nghi thức khai ấn tượng trưng bằng việc viết thư pháp có đóng ấn triện mừng năm mới tốt lành tặng du khách tham quan di tích cố đô Huế trong ngày đặc biệt này. TS Phan Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, dùng ngọc ấn đóng vào các tờ giấy có ghi các chữ như: Phúc, Lộc, Đạt, Tâm, Tiến… tặng cho du khách với mong muốn nhiều điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với mọi người trong năm mới Đinh Dậu này.

Sáng cùng ngày, người dân và du khách gần xa đổ về sân trước đình làng Thủ Lễ thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự hội vật truyền thống Thủ Lễ 2017. Đây là hội vật có lịch sự hình thành gần 400 năm, gắn với việc tuyển chọn thanh niên mạnh khỏe để bảo vệ đất nước từ thời các chúa Nguyễn. Hơn thế, hội vật còn là ngày hội đầu xuân mang ý nghĩa tinh thần cho nhân dân. Mở đầu hội vật, đôi vật cao niên được dân làng cử ra bước lên sới so tài bằng các thế đấu đẹp mắt, trước khi hàng 100 đô vật nam, nữ khác lên sới tranh tài ở 3 nội dung: vật biểu diễn của 2 đô cao niên, 3 đôi đô nữ có đẳng cấp; vật thiếu niên và vật thanh niên. Để chiến thắng, các tay vật phải đẩy được đối phương “lấm lưng trắng bụng”, tức là phải làm lưng đối phương chạm đất. Mỗi tay vật phải thắng hai trận liên tiếp mới lọt được vào vòng sau.

 

Các đội đua thuyền tranh tài trên vịnh Lăng Cô.
Các đội đua thuyền tranh tài trên vịnh Lăng Cô.

Cũng trong sáng cùng ngày, người dân làng An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ hội cầu ngư và đua thuyền truyền thống. 5 đội thuyền vào hội đua diễn ra 3 vòng từ đầm Lập An hướng ra vịnh Lăng Cô-Vịnh biển đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, đây là nét đẹp văn hoá của người dân ở làng chài ven biển nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với đó là thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế tham gia, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch trong dịp đầu năm mới.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

Huyền thoại thác Drai Măk

Huyền thoại thác Drai Măk

Bắt nguồn từ dòng suối Êa Măk hiền hòa thuộc địa phận buôn Thái, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), thác Drai Măk theo tiếng của người Êđê có nghĩa là “thác nước mang tên chàng Măk”.

Du lịch “hành xác”

Du lịch “hành xác”

(GLO)- Đời sống phát triển, ngày càng có nhiều người yêu thích tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá vùng đất mới. Dù vậy, kiểu du lịch “hành xác” với mục tiêu chụp được những bức ảnh đẹp nhất, chạy đua với thời gian để đến được nhiều nơi nhất lại đang khiến nhiều người cạn kiệt năng lượng.

Dịch vụ câu tôm, cua ở thị xã Ayun Pa hút khách

Dịch vụ câu tôm, cua ở thị xã Ayun Pa hút khách

(GLO)- Tuy mới đi vào hoạt động song mô hình dịch vụ câu tôm, cua tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) thu hút rất đông người dân và các “cần thủ”. Không chỉ mang tính chất giải trí, người câu còn được thu “chiến lợi phẩm” để thưởng thức. 

Ruộng bậc thang ở buôn Ma Giai. Ảnh: N.Đ.M

Độc đáo ruộng bậc thang ở buôn Ma Giai

(GLO)- Nằm dưới chân núi Ơi Phí, buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được biết đến là ngôi làng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi có nguồn gốc từ Phú Yên. Nơi đây hiện hữu những chân ruộng bậc thang độc đáo.