Chúng tôi tới gặp chị Nguyễn Thị Hường - Phó Trưởng phòng Kiểm kê-bảo quản, Bảo tàng Hồ Chí Minh (phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) khi bảo tàng đang đóng cửa vì dịch COVID-19. Dù vậy, chị Hường vẫn nhiệt tình đón tiếp, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện nhỏ, cảm động về những kỷ vật của Bác. Có đôi lúc, chị rơi nước mắt...
Các cán bộ lưu trữ bảo quản hiện vật tại kho lưu trữ hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: SƠN TÙNG |
Bảo quản hơn 17 vạn hiện vật
Bảo tàng Hồ Chí Minh đang có khoảng hơn 17 vạn hiện vật được lưu trữ (tính cả hiện vật trưng bày), bao gồm nhóm hiện vật thể khối, tài liệu giấy, ảnh. Tất cả hiện vật này đều liên quan đến Bác, như những bản thảo do Người viết tay hoặc đánh máy; sách, báo, tài liệu mà Người đã đọc; những vật dụng thường ngày Người dùng khi còn sống.
Ngoài ra, còn có những hiện vật sau này được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm về. Trong đó, có cả những hiện vật là món quà Bác dành tặng cho đồng bào. “Có những gia đình ở nước ngoài, có đồ Bác tặng, họ cũng quay lại đây để tặng hiện vật cho Bảo tàng” - chị Hường kể.
Những kỷ vật của Bác đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện tại chỉ là một phần nhỏ trong những sưu tập hiện vật về Người. Chị Hường cho biết: “Hiện vật ở bảo tàng chúng tôi có hai khối lớn, một là hiện vật trong kho, hai là hiện vật trưng bày thường xuyên. Hiện vật trưng bày thường xuyên rất khó để thay đổi, vì ít hiện vật tương tự để thay thế, hoặc chỉ có thể thay thế chúng bằng hiện vật khác khi chúng tôi tiến hành chỉnh lý trưng bày (thường là sau khá nhiều năm).
Chẳng hạn, chúng tôi đang trưng bày bộ áo nâu của Bác. Bác có một vài bộ như thế này, nên có thể định kỳ quay vòng hiện vật, còn với đa phần những hiện vật khác thì không. Hầu hết hiện vật của Bác ở đây đều là duy nhất nên đôi khi, chúng tôi cần phải sử dụng những thủ pháp trưng bày đặc biệt. Bởi, để lưu trữ và bảo quản lâu dài hiện vật, chúng ta cần phải đảm bảo nhiều điều kiện an toàn, an ninh và bảo quản khác nhau”.
Về công tác bảo quản hiện vật, chị Hường nói, còn phải dựa vào chất liệu của chúng. Mỗi loại chất liệu sẽ có những yêu cầu riêng. Cơ bản sẽ bao gồm yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm tương đối, ánh sáng, môi trường và nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiện vật khác nữa. Trong đó, đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm tương đối.
Ví dụ: Ảnh, giấy cần bảo quản trong điều kiện lạnh, khô, nhưng đồ nhựa nếu bảo quản trong cùng điều kiện như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng nứt, cong vênh và dễ gãy vỡ. Bởi vậy, hệ thống kho lưu trữ hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh được phân làm nhiều kho chất liệu khác nhau như kho phim ảnh, kho thuỷ tinh, kho giấy, kho kim loại, kho gỗ và kho vải…
Có những hiện vật đã phải trải qua một hành trình rất dài trước khi được đưa đến bảo tàng. Có những hiện vật, theo thời gian đã bị ôxy hoá, đặc biệt là những quyển sách, tài liệu giấy - những chất liệu dễ hư hỏng theo thời gian. Đó cũng chính là thách thức đối với những người làm công tác bảo quản khi phải lên kế hoạch, nghiên cứu và phân tích đánh giá tình trạng của từng hiện vật rồi mới có thể tiến hành bảo quản, tu sửa sao cho vẫn giữ gìn hiện vật một cách nguyên vẹn nhất có thể.
“Những ai làm kiểm kê, bảo quản hiện vật đều phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi sai một chút thôi là không thể cứu vãn được nữa”, chị Hường vừa nói vừa nâng niu tờ hoá đơn mua đồ cho bếp ăn của Bác - một trong những kỷ vật theo chị là biểu hiện chân thực nhất cho sự giản dị của vị cha già dân tộc.
Mỗi kỷ vật về Bác đều đáng trân trọng
Khi chúng tôi nhờ giới thiệu một vài kỉ vật, chị Hường có ấn tượng sâu sắc. Chị cho chúng tôi xem bộ bát đũa, tờ hoá đơn ghi những thực phẩm dùng trong bữa ăn của Người khi còn sống. Với chị, đó là những đồ vật cho thấy rõ nhất sự khiêm nhường, giản dị và gần gũi của Người. Bởi, những chiếc bát, chiếc thìa Người dùng cũng được mua ở chợ Đồng Xuân, hay một ngôi chợ nào đó ở Hà Nội. Bữa cơm của Người cũng thường chỉ là rau muống, dưa cải như bao người dân bình thường khác.
Chị kể, trong quá trình tổng kiểm kê những khối hiện vật nhà bếp của Người, nhìn thấy những thứ đồ gần gũi, thân quen “ngoài sức tưởng tượng”, chị cũng từng rơi nước mắt vì không ngờ một vị lãnh tụ lại giản dị, thân thương đến vậy.
Làm công việc bảo quản hiện vật, đòi hỏi chị phải đọc thêm nhiều và ghi nhớ nhiều hơn những câu chuyện về Bác. Kể lại cho chúng tôi nghe, chị xúc động. Bởi trước khi công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đối với chị, Bác Hồ là một người rất gần nhưng cũng rất xa. Chỉ tới khi được nhìn tận mắt, được tận tay chạm vào những kỷ vật mà Bác để lại, chị mới cảm nhận hết được vị lãnh tụ vĩ đại ấy trong cuộc sống đời thường cũng thật giản dị và gần gũi.
“Trong kho đồ vải, không có thứ gì là đồ xa xỉ, quần áo của Bác đều rất bình thường đơn giản. Đó là những bộ áo nâu, may bằng vài phin hoặc vải lụa. Quần áo lụa thì đến khoảng những năm 60, Bác mới may vài bộ. Bảo tàng vẫn còn lưu giữ những hoá đơn vải mua và may đồ. Cả những chiếc áo khoác đã sờn, những chiếc áo len đơn giản, Bác vẫn mặc.
Rồi cả những đôi tất trắng, nhiều đôi đã cũ. Bác rất ít khi đi giày. Người thường đi đôi dép cao su, kể cả những lần đi công tác trong nước hay đi nước ngoài. Bác cũng được tặng rất nhiều quà, không chỉ đồng bào miền Bắc đâu, cả miền Nam nữa, rồi cả những người bạn nước ngoài, nhưng Người thường giành những phần quà đó cho những người khác. Rất nhiều hiện vật Người tặng đã quay lại bảo tàng.
Tất cả chúng đều là những kỷ vật giản dị thôi. Phải nhìn thấy những đồ vật đó ta mới thấy, mặc dù là người đứng đầu của một quốc gia nhưng Bác vẫn giản dị, đời thường đến nhường nào” - chị Hường nói.
Nhìn tờ hoá đơn nhà bếp của Người đã mấy chục năm nhưng vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, chị Hường không khỏi tự hào. Bởi, “trong Bảo tàng, mọi hiện vật đều được trân trọng như nhau, dù là một chiếc áo hay một tấm giấy thì chúng tôi cũng đều cố gắng để giữ gìn chúng một cách tốt nhất” - theo chị Hường.
Các cán bộ lưu trữ bảo quản hiện vật tại kho lưu trữ hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: SƠN TÙNG |
https://laodong.vn/thoi-su/tran-trong-tung-ky-vat-ve-bac-801025.ldo
Theo Linh Chi – Sơn Tùng (LĐO)