Mở rộng không gian đô thị
Chính phủ vừa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040. Theo đồ án trên, TP.Nha Trang sẽ có diện tích 25.422 ha, tăng thêm 162 ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 630.000 - 640.000 người và đến năm 2040 khoảng 750.000 - 780.000 người.
TP.Nha Trang được mở rộng |
Đáng chú ý, theo đồ án Nha Trang sẽ phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía bắc, tây bắc, phía tây, phía nam và phía đông hướng ra biển ở khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo.
Trong đó, khu vực đồi núi thuộc TP.Nha Trang (khoảng 13.156 ha) được định hướng phát triển không gian dịch vụ du lịch trên núi, đảm bảo các điều kiện về tính ổn định địa hình và địa chất núi; phục hồi hệ sinh thái cảnh quan núi; đảm bảo an toàn công trình xây dựng, không gây sạt lở và phù hợp với không gian cảnh quan thiên nhiên; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ xây dựng tiên tiến cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụt lún khi có thiên tai.
Tại các núi Hòn Rớ, núi Chín Khúc, núi Cô Tiên, khu vực các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Phương và trên vùng núi phía tây quốc lộ 1 thuộc xã Vĩnh Lương được quy hoạch các khu công viên chuyên đề, sân golf (khoảng 776 ha) gắn với các giá trị sinh thái và phục hồi sinh thái.
Phát triển các khu đô thị, khu du lịch trên núi
Trong 14 khu vực phân vùng đô thị được định hướng phát triển, ngoài việc phát triển đô thị, du lịch trên biển, đảo, Nha Trang cũng sẽ phát triển đô thị, khu du lịch trên núi.
Cụ thể, tại khu 3 là khu vực Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, diện tích khoảng 640 ha, dân số dự kiến khoảng 60.500 người là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung bộ.
Tại đây sẽ xây dựng cảng Nha Trang kết hợp cảng du lịch quốc tế; cải tạo và nâng cấp khu dân cư ven biển Vĩnh Trường, bổ sung tiện ích hạ tầng và phát triển khu phố đi bộ, kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng; phát triển và hoàn thiện các khu du lịch, khu đô thị trên Núi Chụt.
Nha Trang sẽ phát triển thêm các khu đô thị, khu du lịch trên núi |
Tại khu 6 là khu vực từ phía nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn), diện tích khoảng 1.631 ha, dân số dự kiến khoảng 16.100 người.
Tại đây sẽ xây dựng khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển sẽ phát triển các công viên chuyên đề, công viên công cộng trải nghiệm, leo núi, ngắm cảnh..., tại các vị trí có tầm nhìn đẹp, bố trí các điểm ngắm cảnh công cộng, với các tiện ích, dịch vụ quy mô nhỏ; phát triển các khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi.
Tại khu 9 là khu vực phía nam đường Phong Châu và khu vực núi phía tây sông Tắc, diện tích khoảng 1.966 ha, dân số dự kiến khoảng 82.300 người sẽ là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải nam Trung bộ và Tây nguyên.
Khu vực này sẽ tổ chức trung tâm đô thị hiện đại, sầm uất, có bản sắc và công viên quảng trường công cộng ven mặt nước, công viên chuyên đề gắn với hệ thống mặt nước được mở rộng; bố trí đất xây dựng cơ quan và đất công trình công cộng - dịch vụ, tại khu vực phía nam đường Phong Châu; phát triển một số khu dịch vụ, du lịch, công viên chuyên đề tại khu vực đồi núi; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng.
Khu vực núi Hòn Rớ được định hướng phát triển các khu du lịch sinh thái, công viên chuyên đề |
Tại khu 10 là khu vực Phước Đồng - Hòn Rớ - phía bắc núi Cù Hin, diện tích khoảng 4.626 ha, dân số dự kiến khoảng 64.100 người là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái.
Tại đây sẽ tổ chức các trung tâm đô thị hỗn hợp gắn với công viên đô thị, dọc đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư khu liên hiệp thể dục thể thao tỉnh Khánh Hòa kết hợp với các chức năng đô thị, phụ trợ phát triển các khu vực du lịch sinh thái, công viên chuyên đề tại khu vực núi Cù Hin và núi Hòn Rớ, xây dựng mới bến tàu du lịch tại khu vực cửa sông Quán Trường, giáp núi Hòn Rớ.
Tại khu 13 là khu vực xã Vĩnh Lương - phía bắc núi Hòn Ngang, diện tích khoảng 3.828 ha, dân số dự kiến khoảng 28.200 người là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi sẽ phát triển các khu dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề, sân golf, các điểm du lịch dã ngoại, du lịch trải nghiệm sinh thái núi; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng; khuyến khích phát triển một số hạng mục hỗ trợ dịch vụ du lịch trên biển, tạo điểm nhấn không gian cho cửa ngõ phía bắc và trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, điểm kết nối các khu vực vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu với vịnh Nha Trang.
Trong quyết định phê duyệt, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành khảo sát toàn diện nguy cơ sạt lở núi ở những khu vực đã có công trình xây dựng hiện hữu, khu vực có tiềm năng phát triển theo định hướng của đồ án quy hoạch chung. Ban hành quy định an toàn và phòng chống thiên tai đối với các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở. Lập chương trình, kế hoạch di dời công trình hiện hữu nằm trong khu vực có nguy cơ thiên tai cao; cải tạo và gia cố các khu vực cho phép xây dựng công trình tại địa hình đồi núi; có giải pháp thực hiện xây dựng công trình, phi công trình đảm bảo cảnh quan môi trường và an toàn cho người dân.