Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 4: 'Nam tiến' của cô gái và chiếc xe đẩy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc đời tôi lại có thêm một "định mệnh" nữa khi 2-8-2002 là ngày tôi bước vào con đường viết văn, thì ngày 2-8-2007 tôi hiện thực hóa giấc mơ "Nam tiến" với chiếc xe lăn của mình.
Trà My tin rằng thể xác khiếm khuyết nhưng sức mạnh ở trong tinh thần - Ảnh: NVCC
Trà My tin rằng thể xác khiếm khuyết nhưng sức mạnh ở trong tinh thần - Ảnh: NVCC
Trở lại thời thơ ấu, tôi đã có nhận thức và biết quan sát thế giới xung quanh từ những người họ hàng xa mỗi khi về thăm quê...
“Tôi vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân để vươn lên dù nghịch cảnh thế nào, chứ không phải vào thành phố hoa lệ này để sống cuộc đời cam chịu, nhờ vả.
TRẦN TRÀ MY
Cô gái tật nguyền và những đêm ngắm sao trời
Gia đình tôi có họ hàng rải khắp Việt Nam. Và mỗi lần có người từ miền Nam cởi mở, thân tình ra, tôi rất thích được ngồi nói chuyện với họ. Cộng với việc ngồi nhà xem các bộ phim truyền hình của miền Nam như Đồng tiền xương máu, Hương phù sa, Người đàn bà yếu đuối đã cho tôi thấy một Sài Gòn hoa lệ, vui vẻ. Từ đó, tôi đã nuôi giấc mơ nhất định lớn lên sẽ vào Sài Gòn lập nghiệp. Nghe rất nực cười khi một đứa trẻ khuyết tật như tôi đi lại không thể rời chiếc xe đẩy, nói năng không rõ tiếng và chẳng được đi học nhưng đã ôm mộng "Nam tiến".
Ai cũng nghĩ tôi sẽ chấp nhận an phận để làm bà cô già suốt đời ngồi càu nhàu ở góc nhà. Thậm chí người ta còn bảo ba mẹ tôi thử tìm trung tâm bảo trợ hay ngôi chùa nào đó để gửi tôi lúc tôi 20 tuổi. Bởi đó là "tầm nhìn chung hợp lý" cho những gia đình không may sinh ra đứa con khuyết tật nặng như tôi.
Mãi sau này có cơ hội đi học CEO ở Sài Gòn, tôi mới nhận ra một điều rằng khi ai đó có tầm nhìn, có mục tiêu, biết rõ đam mê của mình và dám mơ những giấc mơ lớn thì chắc chắn họ sẽ thành công. Khi khát khao bên trong đủ lớn thì tự khắc vũ trụ sẽ tạo ra những năng lượng giúp ta hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Còn nhớ thuở ở quê những đêm hè, tôi hay nhìn lên bầu trời, nhìn các vì sao, ngắm mặt trăng rồi nhắm mắt hình dung nguồn năng lượng vũ trụ đang hướng về phía mình. Rồi tôi tập trung mường tượng tương lai sau này của mình. Đến năm 2009 tôi mới được đọc cuốn sách Bí mật người nam châm và thích thú phát hiện ra bấy lâu nay mình đã áp dụng luật hấp dẫn của vũ trụ vào chính đời mình.
Bởi tạo hóa sinh ra chúng ta dù dưới bất kỳ hình hài gì thì bản thân bên trong linh hồn chúng ta đều có sức mạnh. Duy chỉ khác nhau một điểm là do chúng ta cứ mải mê kiếm tìm thế giới bên ngoài, mải mê chỉ lo bồi đắp phần xác thịt, mải mê tìm lời khuyên ở người khác mà quên đi phần nội lực của mình để kết nối với vũ trụ. 
Đó là lý do vì sao từ nhỏ tôi đã tin rằng: "Chỉ có chính mình mới là bà tiên cho cuộc đời mình!". Vì tạo hóa sinh ra chúng ta cũng như những tiểu hành tinh nhỏ kết nối với vũ trụ bao la. Và đặc biệt đừng mong chờ phép mầu xảy ra khi cái tiểu vũ trụ bên trong chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để chấp nhận trải qua những thử thách số phận.
Tôi thấy nhiều bạn bây giờ ít chú tâm tới tinh thần của mình, mà cứ thích đổ lỗi tại/bởi/vì... rồi lại đi mong chờ những điều vô lý từ cuộc đời, chờ ai đó "thọt" ở phía sau để mình có động lực sống.
Sài Gòn đã giúp Trà My thực hiện nhiều ước mơ - Ảnh: NVCC
Sài Gòn đã giúp Trà My thực hiện nhiều ước mơ - Ảnh: NVCC
Vào thành phố mơ ước
... Trở lại thời điểm tháng 6-2007, êkip của VTV6 vào làm phóng sự về tôi. Trong phóng sự đó có một bối cảnh ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và đúng lúc đó tôi vô tình được gặp các anh chị phóng viên báo Tuổi Trẻ. Vậy là tôi được làm quen với các anh chị từ báo Tuổi Trẻ từ đấy. 
Ngày hôm sau, tôi rất bất ngờ khi các anh chị tìm đến nhà mình để viết bài và làm bộ phim ngắn về cuộc đời tôi. Bài báo "Trà My trên cát bỏng" của chị Yến Trinh ra ngày 15-7-2007 kèm với một phim tài liệu ngắn do anh Bình và chị Thi Ngôn quay đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến độc giả.
Từ "hữu duyên" này, tôi bắt đầu tâm sự ước mơ muốn vào Sài Gòn và cũng không ngờ điều đó thành hiện thực với một cô gái khuyết tật phải đi nhiều chân (với chiếc xe đẩy) như mình. Chính xác là sau hai tuần bài báo được độc giả đón nhận, tôi đã thỏa nguyện ước mơ bấy lâu nay được đặt chân lên thành phố hoa lệ miền Nam này. Ngày đó, tôi được các anh chị báo Tuổi Trẻ và quý độc giả ủng hộ số tiền để tôi mua vé máy bay vào Sài Gòn.
Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay, hai chị em tôi đã được một người chị họ ra sân bay đón. Và điều làm tôi bất ngờ xúc động là có cả vài người bạn tôi quen trên blog 360 độ (thời đó trang blog của tôi đã có nhiều bạn bè). Những người bạn chỉ quen trên Yahoo chat, trên blog giờ được gặp ở ngoài bằng xương bằng thịt làm tôi vô cùng hạnh phúc.
Niềm tin tốt đẹp ở con người
Lần đầu tiên tôi được đi máy bay nên không hề biết dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật. Tôi cũng không biết lên máy bay thì họ có cho mang theo chiếc khung xe đẩy của tôi hay không. Mà hồi đó chiếc xe "bất ly thân" của tôi là do ba tôi tự thiết kế, không thể xếp gọn được. Nhà tôi cũng chưa có ai được đi máy bay và cũng chẳng quen ai ở sân bay để hỏi.
Tôi lo lắng lên mạng hỏi bạn bè thì cũng chẳng ai biết, vì họ có bị khuyết tật như tôi đâu mà biết. Hóa ra mọi chuyện khác hẳn sự lo lắng của tôi và gia đình. Hai chị em tôi lên máy bay được giúp đỡ, phục vụ rất chu đáo và chiếc khung xe của tôi được gửi cẩn thận ở khoang hành lý. Một chi tiết nhỏ bé ngay ngày đầu "Nam tiến" này đã gieo thêm cho tôi niềm tin tốt đẹp ở con người.

Có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi luôn mang ơn báo Tuổi Trẻ và các anh chị phóng viên ngày ấy đã giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ "Nam tiến" của mình. Tôi được chị Yến Trinh, chị Thi Ngôn dẫn lên trung tâm thành phố chơi, được đi mua sắm, đi cà phê, ăn uống, và đó là những thứ mà một cô gái 21 tuổi khuyết tật ở quê nghèo Quảng Trị như tôi lần đầu được trải qua trong đời.

Sau những ngày khám phá Sài Gòn và vui vẻ gặp gỡ bạn bè, tôi được dẫn đến làng Hòa Bình thuộc Bệnh viện Từ Dũ ở để tìm kiếm cơ hội gặp một bác sĩ nào đó chữa giọng nói của mình. Đó là mục đích đầu tiên khi tôi có cơ hội đặt chân vào Sài Gòn. 
Nhưng tôi chỉ ở đó nửa năm mà thôi. Dù cuộc sống trong làng Hòa Bình có điều kiện vật chất vô cùng sung sướng so với hoàn cảnh của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều...
Tôi nghĩ bạn bè không may bị khuyết tật thường có hai dạng: một dạng là khuyết tật cả về trí não và cơ thể, dạng thứ hai là khuyết tật về cơ thể còn trí não vẫn bình thường.
Và tôi thuộc dạng thứ hai này, nên ngay từ bé đã muốn đi học chỉ với những người bình thường. Tức là trong nhận thức của mình, tôi đã tự xem mình là một người bình thường ngay từ nhỏ. Một con người nhiều ước mơ và tự trọng như tôi thì trong suốt sáu tháng trời ở làng Hòa Bình, tôi luôn tự đấu tranh với câu hỏi đi hay ở?
Tôi vẫn ý thức được sống trong làng Hòa Bình điều kiện vật chất vô cùng sướng, nhưng đó không phải con đường tôi nhắm đến. Tôi vào Sài Gòn là để tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân, để vươn lên dù nghịch cảnh thế nào, chứ không phải vào thành phố hoa lệ này để thụ động sống cuộc đời cam chịu, nhờ vả.
Hôm tôi về quê ăn tết cũng là ngày tôi quyết tâm sẽ quay lại Sài Gòn tư cách khác, chứ tôi không thể chôn vùi thanh xuân của mình trong sự sung sướng được cưu mang ở làng Hòa Bình mãi được. Máy bay cất cánh, tôi nhìn xuống Sài Gòn qua khung cửa sổ máy bay mà bật khóc nức nở. Tôi lo sợ mình khó có cơ hội quay lại. Nhưng rồi tôi tự nhủ nhất định mình phải ở thành phố đáng yêu này...
Ở nhà mở mắt ra, tôi đã gọi mẹ ơi, ba ơi, em ơi để nhờ vả mọi thứ. Nhưng vào Sài Gòn, tôi phải xoay xở một mình. Nhiều người đã hỏi làm sao cô gái khuyết tật không thể tự đi trên đôi chân mình (theo đúng nghĩa đen) và nói cái gì người khác cũng không hiểu thì có thể tự sống, vươn lên ở thành phố này được?
Kỳ tới: Một mình ở Sài Gòn
Theo TRẦN TRÀ MY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.