Tổng cộng số làn còn phải lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trong thời gian tới là 214/817 làn tại 48 trạm. Bộ Giao thông Vận tải lắp đặt tại 38 làn (17,8%). Các địa phương cần lắp đặt 36 làn (16,8%); VEC lắp đặt tại 140 làn chiếm 65,4%.
Thi công lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Ảnh ĐT |
Tại cuộc họp về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng ngày 24.6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa khẳng định kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31.7.2022 (ngoại trừ 16 trạm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không triển khai). Sau thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa hoàn thành sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Với tuyên bố dứt khoát của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, có thể tin chắc rằng, đây là "tối hậu thư". Sẽ không có chuyện dùng dằng, lấy lý do để biện minh cho việc chậm trễ như những lần trước. Đã có nhiều "tối hậu thư" đến mức nhờn mặt.
Lần này, "tối hậu thư" có "chế tài", đó là ở đâu triển khai thu phí không dừng chưa xong thì xả trạm. Đây là cách đánh thẳng vào "hầu bao" của doanh nghiệp, xả trạm thì không có được đồng nào.
Sự dứt khoát này mới buộc các đơn vị, địa phương xốc vào để làm, khi đó mới đẩy được một phần hệ thống giao thông của Việt Nam chạm đến ngưỡng văn minh giao thông và hiện đại giao thông. Một cách thu phí mà thế giới đã làm từ lâu, nhưng Việt Nam loay hoay từ năm 2016 đến nay chưa xong, đó là điều không thể chấp nhận được.
Các diễn đàn lâu nay hô hào về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, nhưng ngoài phòng họp vẫn lực lượng lao động thủ công làm chủ lực, và thu phí qua trạm bằng "động cơ chạy bằng cơm" là một ví dụ.
Giá xăng tăng dựng đứng, mới thấy sốt ruột cho những đoàn xe nối đuôi nhau chờ qua trạm, đặc biệt là những tuyến đường có lưu lượng xe lớn. Điển hình như tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành, rồi từ Long Thành đi Vũng Tàu, những ngày cao điểm, xe kẹt ở các trạm. Lãng phí xăng dầu và lãng phí thời gian vô cùng lớn nếu tính hết các trạm trên cả nước.
Cho nên, nếu thay đổi bằng hệ thống không dừng, thì mang lại nguồn lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, thực phẩm sản xuất trong nước.
Biết vậy nên phải quyết tâm thay đổi để đất nước văn minh hơn, ích lợi hơn.
Lãnh đạo các đơn vị, các địa phương hãy xem đây là cuộc cạnh tranh về năng lực. Ai làm được, ai làm nhanh, ai chậm trễ, sẽ có câu trả lời vào cuối tháng bảy tới.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)