Tohoku một Nhật Bản khác lạ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu các bạn còn nhớ đến thảm họa sóng thần ở Fukushima vào năm 2011, ắt hẳn các bạn đã biết về Tohoku rồi đó. Fukushima là một phần của vùng Tohoku.

Cánh đồng tulip trên đường đi Akita
Cánh đồng tulip trên đường đi Akita



Người Nhật ắt hẳn có lý khi chọn biểu tượng cho vùng Tohoku là hình ảnh chú phượng hoàng, một loài chim đẹp đẽ chỉ có trong huyền thoại, kết thúc cuộc đời mình bằng cách bùng cháy hóa thành một nhúm tro tàn, rồi từ nhúm tro đó, lại biến mình thành một tạo vật lộng lẫy của thế giới thần tiên. Tohoku cũng trong trường hợp tương tự, và sự trở lại không kém phần hoành tráng.

Vùng đất có 4 mùa cùng lúc

Ishii-san, cậu bạn người Nhật mà tôi quen trong một chuyến đi ngắn lên mạn Tây Bắc VN từ 3 năm trước, vẫn thường xuyên thư từ cho nhau, đề nghị tôi nên đến thăm Tohoku vào mùa hè.
Đầu mùa hạ, tiết trời mát mẻ dễ chịu, cơn mưa đầu mùa tan biến, để lại bầu trời quang đãng với những vầng mây vàng óng, quấn quanh những ngọn núi tuyết vĩnh cửu. Đường sá thoáng đãng, chiếc ô tô bon bon lướt nhanh qua những cánh rừng xanh mướt, những làng mạc nhỏ xinh, những cánh đồng hoa tulip nhiều màu, rực rỡ trong ánh nắng chiều óng ả.

Tohoku nằm ở vĩ độ khá xa về phía bắc, mặc dù không lạnh như Hokkaido nhưng vẫn đủ để níu kéo mùa xuân đến tận trung tuần tháng 5 bằng những ruộng hoa muôn màu, những hàng cây anh đào vẫn đang nở rộ, và những vườn táo đang tung tóe những hoa là hoa thơm ngát. Đến tầm này tháng 6 bắt đầu có lavender (oải hương) tím ngắt các triền đồi... Ở giữa mùa hè và chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên tươi mới của mùa xuân, thật kỳ lạ!


Sự độc đáo về khí hậu và địa lý ở Tohoku không dừng lại đó, tôi được anh bạn nhiệt tình đưa đến một vùng núi tên gọi là Hachimantai. Ở đây vẫn còn hoàn toàn mùa đông, hai bên đường tuyết phủ trắng xóa những cánh rừng thông thâm u, có những đoạn tuyết phủ dày lên quá đầu người.

Chúng tôi như lạc vào miền đất của bà Chúa tuyết trong cổ tích, một vùng quanh năm băng giá. Tôi thực sự không nghĩ rằng, giữa tháng 5 hôm tôi vừa đến lại có thể đùa giỡn với những cụm băng tuyết như đang vào mùa đông thế này. Tohoku dường như sở hữu thời tiết của 4 mùa trong cùng một khoảng thời gian, thật không thể tin nổi!


 

Hồ nước đẹp như tranh vẽ mùa thu
Hồ nước đẹp như tranh vẽ mùa thu


Đời sống văn hóa với nhiều tầng lớp

Ishii-san là một thanh niên trẻ rất nhiệt tình, cậu tình nguyện dẫn tôi đi khắp Tohoku với điều kiện, cứ mỗi tối khi kết thúc một ngày du ngoạn, cậu lại buộc tôi trả lời một số câu hỏi về chất lượng dịch vụ, thường là dạng câu hỏi: 3 điểm bạn thích nhất và không thích nhất trong ngày hôm nay...

Một dạng khảo sát thông tin. Duy chỉ có câu hỏi: 3 món ăn nào mà bạn cảm thấy không thích nhất?, câu này tôi hoàn toàn không thể trả lời. Vì sự thật là tôi hoàn toàn yêu thích các món ăn Nhật Bản, bất kể vùng miền, bất kể trong nhà hàng sang trọng hay quán ăn lề đường nhộn nhịp. Tôi hoàn toàn thỏa mãn vị giác của mình ở mức độ cao nhất.


Nhìn chung, người Nhật coi trọng bề ngoài, tính cách đó được họ đưa vào ẩm thực một cách hoàn hảo. Chúng tôi được thử rất nhiều món, từ sushi cá sống cho đến tempura rau củ, từ món lẩu truyền thống của thành phố Akita cho đến các loại bánh tráng miệng được trang trí cầu kỳ đến mức, có loại bánh mocha được cho cả một cánh hoa đào vẫn còn tươi lên phía trên mặt bánh. Không chỉ thỏa mãn vị giác, thực khách hoàn toàn hài lòng với cả thị giác của mình.

 

Maiko biểu diễn ca múa
Maiko biểu diễn ca múa


Tôi đến thăm Nhật Bản 4 lần, duy chỉ có lần này là được một người Nhật đi cùng. Nên, luôn có những sự mới mẻ, nhất là về phương diện văn hóa. Văn hóa hàng nghìn năm của người Nhật tầng tầng lớp lớp, và nhờ có bạn, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ thấp lên đến bậc cao, và đỉnh điểm của mọi sự thú vị chính là bữa ăn tối cuối cùng trong chuyến đi, ở thành phố Akita, có thể được xem là một trong những thành phố quan trọng nhất vùng Tohoku xinh đẹp này.

Akita không phải là một đại đô thị hoành tráng như Tokyo hay Osaka, cũng không tầng tầng lớp lớp những tinh hoa hàng nghìn năm như cố đô Kyoto, Akita đơn giản là mang trong mình những đặc trưng rất thú vị của vùng Tohoku. Bữa ăn được tổ chức một cách trang trọng trong một nhà hàng nổi tiếng bậc nhất địa phương, hoạt động qua 5 thế hệ và có tuổi đời 130 năm. Trong một căn phòng truyền thống Nhật Bản, lót chiếu tatami, trang trí nhã nhặn và có cả một buổi biểu diễn ca múa của các maiko-san.


Thật không thể tin được, toàn thành phố Akita hiện nay chỉ có 3 nàng maiko, mà hôm đó quán mời đến được 2 trong số đó nhờ sự có mặt của một số quan chức cao cấp tiếp đoàn.

Trước phần biểu diễn, các bạn Nhật giải thích rõ: ở Akita không có bất kỳ một geisha (người Nhật còn gọi là geiko, theo cách hiểu nghĩa đen là "con người của nghệ thuật" - là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện) nào cả. Dựa trên những tiêu chuẩn nghề nghiệp khắt khe của một geisha, cũng dễ hiểu rằng ở xã hội Nhật Bản hiện đại, rất khó tìm được một người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, nhất là ở một đô thị nhỏ như Akita.

Vậy, maiko là gì? Và một maiko với một geisha khác nhau như thế nào? Tôi may mắn được đặt câu hỏi với chính một nàng maiko trong buổi biểu diễn hôm ấy. Maiko, hiểu đơn giản là một geisha tập sự. Một maiko có thể múa, nhưng để được chứng nhận trở thành một geisha, điều kiện tiên quyết là phải biết hát và biết đàn shamisen (một loại đàn truyền thống lâu đời của Nhật Bản). Tất nhiên, còn rất nhiều những tiêu chuẩn khắt khe phức tạp khác nữa mà các cô phải được truyền thụ từ chính một geisha trưởng thành.

Vấn đề là ở Akita hiện nay lại không có bất cứ một geisha nào như đã nói, nên các maiko-san nếu muốn học nghệ để tiếp tục con đường phục vụ nghệ thuật của mình, phải di chuyển đến một thành phố khác (như Kyoto chẳng hạn), để tiếp tục được huấn luyện. Hoặc nếu đến lúc quá tuổi quy định, các maiko-san phải giải nghệ hoặc chuyển về một trong những trung tâm bảo tồn nghệ thuật geisha để làm việc. Điều đó thật không phải dễ dàng.

Nhìn chung, thế giới của các nàng geisha và maiko vẫn là một trong những điều bí ẩn nhất trong nền văn hóa đa tầng của nước Nhật. Ngay một người Nhật Bản thực thụ, cũng khó mà biết được một thế giới huyễn hoặc, được giấu kỹ giống như bộ mặt thật của các nàng geisha vẫn được giấu sau lớp phấn trang điểm rất dày, dày đến không còn thấy được biểu hiện thực tế của cảm xúc trên các khuôn mặt đó...

Tuy nhiên, có một điều cần phải hiểu rằng, đây là một nghề chân chính, cao quý và có một đẳng cấp nhất định trong xã hội Nhật vốn dĩ rất khắt khe. Hoạt động nghệ thuật của các geisha bao gồm ca, múa, đàn, hầu chuyện và tiếp rượu với khách, tất nhiên toàn bộ các hoạt động đó phải dựa trên những nguyên tắc khắt khe và mẫu mực, được truyền lại hàng nghìn năm, song hành cùng nền văn hóa vô cùng sâu rộng của một nước Nhật kỳ vĩ và huyền bí, cho đến tận ngày nay.

Thế nên có lẽ không quá lời khi nói: đối với nước Nhật, bây giờ dễ dàng để thực hiện một chuyến đi, nhưng sẽ rất khó để thấu hiểu những vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu đằng sau các lớp bình phong diễm lệ.

Theo Thanhnien

Rượu sake

Một buổi chiều nọ khi được nếm món rượu sake thơm nồng nàn, tôi kể cho bạn mình nghe một câu chuyện vui nhộn, rằng rất nhiều người VN hay lầm tưởng rằng rượu sake được cất từ quả của cây sake, một loại quả bề ngoài khá giống quả mít, tất nhiên là nó không có múi như múi mít. Thoạt đầu thì bạn tôi không hiểu quả sake là quả gì, tôi phải lấy điện thoại tìm ra một cái ảnh... Bạn tôi cười phá lên. Ngay hôm sau, cậu dẫn tôi đến một xưởng chưng cất rượu sake địa phương rất nổi tiếng của vùng Tohoku, để khẳng định rằng không có quả sake nào có thể làm thành những loại rượu sake, là món quốc hồn quốc túy của nước Nhật. Rượu sake (người Nhật còn gọi là Nihonshu) dĩ nhiên là được ủ từ một loại nguyên liệu duy nhất, đó là gạo! Còn vì sao gọi là sake thì chỉ đơn giản: nghĩa của từ sake trong tiếng Nhật là “nước có cồn”.

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.