Tỏa sáng giữa đời thường: Người lính 'đội quân nhà Phật' trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau những năm tháng chiến đấu ác liệt khi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại chiến trường Campuchia, ông Nguyễn Hồng Châu mang theo những mảnh đạn găm trong mình trở về quê hương. Bằng ý chí kiên cường, người thương binh này nỗ lực vươn lên và luôn nhớ về đồng đội.
Nhìn căn nhà 2 tầng khang trang ở mặt tiền đường Văn Thánh (P.Hương Hồ, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), ít ai biết rằng cơ ngơi này được xây dựng lên bởi một thương binh trở về từ chiến trường Campuchia. Khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Châu (thương binh hạng 4/4), chủ nhân ngôi nhà, khoác vội chiếc áo che đi những vết thương trên người, rồi bắt đầu câu chuyện…
Hồi ức khó quên cùng đồng đội
Tháng 5.1978, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Châu lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 339 thuộc Quân khu 9, đóng tại TP.Sa Đéc (Đồng Tháp). Sau 8 tháng huấn luyện, ngày 15.12.1978 quân Khmer Đỏ (Pol Pot) tràn qua biên giới nước ta (tại địa bàn xã Tân Công Chí, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp), ông Châu cùng đồng đội đã tham gia chiến đấu 7 ngày liền, quân địch buộc tháo chạy.
Đầu năm 1979, đáp lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Sư đoàn 339 trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Từ đây, ông Châu và đồng đội bắt đầu hành trình chiến đấu trên đất nước Chùa tháp.
“Lúc đó, quân ta mới qua nên thường tổ chức lực lượng trinh sát, mỗi lần sẽ đi từ 3 - 5 người chứ không thể đi theo hình thức tập trung. Chúng tôi dò thám tình hình xem khu vực đó có bao nhiêu địch, để tiểu đoàn lên kế hoạch tác chiến. Đây là thời gian chiến đấu ác liệt nhất, vì quân địch còn rất đông”, ông Châu nhớ lại.
 
Ông Châu luôn trân quý ký ức cùng các đồng đội năm xưa. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Ông Châu luôn trân quý ký ức cùng các đồng đội năm xưa. Ảnh: Lê Hoài Nhân
“Khi đó, tinh thần cách mạng rất cao. Chúng tôi không bao giờ bỏ lại đồng đội. Nếu một đồng đội trúng đạn của địch thì bằng mọi giá phải đưa thương binh về, nên mỗi lần như thế, nếu là hy sinh thì thường sẽ hy sinh hết”, ông Châu nhớ lại và kể thêm: “Thời đó, ý chí người lính trong chúng tôi rất cao, mỗi người luôn tự thủ cho mình một quả lựu đạn, nếu bị địch bắt sẽ sẵn sàng tự sát”.
Ký ức những ngày tháng tham gia chiến đấu tiêu diệt quân Khmer Đỏ, đến giờ vẫn chưa nguôi trong người lính “đội quân nhà Phật” (ở Campuchia, Phật giáo là quốc giáo; và đó là cách gọi thân mật của người dân nước này về bộ đội Việt Nam khi giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng - PV): “Trong trung đội lúc đó đông nhất chỉ có 18 - 20 người. Sau mỗi trận đánh, nhiều khi hy sinh chỉ còn 4 người nhưng anh em bọn tôi luôn động viên nhau, bám vị trí để chờ bổ sung lực lượng, vì quân địch nó đánh thường xuyên”.
Thương binh Nguyễn Hồng Châu còn bồi hồi kể về câu chuyện mà ông không thể quên: “Có một hôm tôi cõng một đồng đội đã hy sinh về đơn vị thì một đồng đội tên là Gia (quê Đông Hà, Quảng Trị) cùng huấn luyện với tôi trước đó vào tìm tôi khóc: “Châu ơi, thằng Bé chết rồi”. Lúc đó chả hiểu vì sao tôi lại cười. Thấy vậy nó chửi tôi “Sao đồng đội chết mày lại cười”. Tôi đáp “Tao không cười vì vui. Nhưng nếu bây giờ tao khóc nó, ngày mai mày khóc tao, rồi ngày kia ai sẽ khóc mày?”. Lúc đó chả ai nghĩ mình còn sống để trở về”.
Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50
Ròng rã gần 4 năm trên chiến trường nước bạn, sau khi quân Khmer Đỏ bị tiêu diệt hoàn toàn, và nhất là nước bạn dần ổn định, vững vàng; năm 1982, ông Châu cùng những người lính “đội quân nhà Phật” trở về quê hương với những mảnh đạn còn găm trong mình. Ông xắn quần, rồi vén áo chỉ từng vết sẹo ở chân, tay, bụng và nặng nhất là 2 vết ở vùng đầu. Đó là tất cả những gì mà ông mang trở về với đời thường.
Niềm an ủi lớn nhất của người thương binh Nguyễn Hồng Châu là vợ ông, bà Lê Thị Lành (nay đã 64 tuổi). Nhớ về những năm tháng đó, bà Lành xúc động: “Tôi và ông Châu cưới nhau khi ông vẫn còn trên chiến trường Campuchia, đám cưới diễn ra nhưng vắng chú rể, vì lúc đó ông chưa thể về”.
Ông Châu ngồi trầm ngâm, nhớ lại thời gian vừa xuất ngũ khốn khó, không nghề nghiệp, sức khỏe yếu; rồi bệnh sốt rét theo ông triền miên, mọi việc trong nhà đều một tay vợ ông quán xuyến. Nhưng rồi, khi dần bình phục, quên đi những cơn đau, ông băng lên những cánh rừng sâu thẳm tìm mây, tìm trầm, chiến đấu với đời sống mưu sinh kiên cường, như cách ông đã từng đánh giặc.
Ròng rã qua nhiều năm, vợ chồng ông Châu cũng tích góp được một khoản tiền, nhưng dần sức khỏe của ông Châu cũng không còn tốt để băng suối, xuyên rừng. Thời điểm năm 2009, nghề mộc mỹ nghệ rộ lên, thị trường tiêu thụ tốt, vợ chồng người thương binh ngoài 50 tuổi mới quyết định “khởi nghiệp” bằng một xưởng mộc nhỏ.
 
Xưởng mộc mỹ nghệ rộng hơn 600 m2 của gia đình thương binh Nguyễn Hồng Châu. Ảnh: B.N.L
Xưởng mộc mỹ nghệ rộng hơn 600 m2 của gia đình thương binh Nguyễn Hồng Châu. Ảnh: B.N.L
Mới vào nghề, sản phẩm làm ra chưa thể hoàn hảo, vốn ít nên không cạnh tranh được với những cửa hàng lâu năm. Trong suốt một năm đầu, ông Châu quyết định chỉ lấy công làm lãi, chấp nhận bán hàng ra thị trường với giá lỗ để thu hút người mua. Với bản tính của người lính luôn kiên trì, thế mạnh của ông là sản phẩm luôn được làm cẩn thận, tỉ mỉ và chắc chắn.
Sau một năm ròng, mặt hàng gỗ mỹ nghệ của ông Châu được nhiều người để ý, rồi khách hàng tìm đến ngày một đông, ông thuê thêm nhân công rồi mở rộng nhà xưởng. “Sau khi có lượng khách ổn định, chỉ cần hàng ra là có xe đậu chờ sẵn để lấy rồi”, ông Châu kể.
Xưởng mộc hơn 600 m2 dần ổn định, ông Châu đi tìm thêm nguồn nguyên liệu gỗ, rồi tiếp tục mở thêm một xưởng xẻ gỗ để phát triển theo hệ thống dây chuyền. Hiệu quả rõ ràng, khi ông chủ động nguồn nguyên liệu và đầu ra, lợi nhuận tăng, mỗi năm ông thu hơn 300 triệu đồng.
“Có đồng đội mới có tôi”
Kinh tế đã vững vàng, cuộc sống cũng dần viên mãn khi 4 người con của ông Châu được đầu tư học hành, rồi tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có vị trí nhất định trong xã hội. Nhưng trong tâm thức của người thương binh già vẫn luôn ray rứt về đồng đội. Chỉ cho chúng tôi từng bức ảnh bia mộ liệt sĩ, bỗng giọng ông nghẹn lại, trầm ngâm: “Vẫn còn một số đồng đội tôi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy gia đình để đưa về”.
“Còn một người đồng đội tôi đang nằm ở nghĩa trang H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp chưa được đưa về quê. Trước đây, gia đình đi tìm nhưng đưa nhầm hài cốt người khác về. Hiện tại thì khó lắm vì nhà chỉ còn một người em bị tâm thần, không còn ai để lo hết”, ông Châu nói. Với ông, đồng đội dù hy sinh hay may mắn còn sống đều là những người anh em “ruột thịt” bởi ông luôn tâm niệm rằng “có đồng đội mới có tôi”.
Đến nay, khi là Trưởng ban Liên lạc của Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 339 tại Thừa Thiên-Huế, ông luôn kết nối đồng đội như những người anh em, hỗ trợ từ đời sống tinh thần đến vật chất.
Chia sẻ về tình đồng đội vô cùng thiêng liêng, ông Lê Xuân Hợp (63 tuổi, quê H.Lệ Thủy, Quảng Bình) trải lòng rằng họ đã sống, chiến đấu cùng nhau để trở về, nên sẽ luôn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt. “Thời chiến, chúng tôi chia nhau từng viên muối, khi trở về dù ở xa nhưng luôn xem nhau như một, giúp nhau trong đời sống thường ngày. Anh Châu kinh tế vững vàng nên đồng đội nào khó, anh đều quan tâm, hỗ trợ, tuy không nhiều nhưng đó là tình cảm”, ông Hợp nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Bi (62 tuổi, ở H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) bày tỏ sự ngưỡng mộ người đồng đội vì làm kinh tế giỏi, song điều cảm phục nhất về ông Châu là một tấm lòng tận tụy, luôn sát cánh, giúp đỡ đồng đội trong thời chiến lẫn thời bình. (còn tiếp)
Theo Bùi Ngọc Long - Lê Hoài Nhân (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.