Tình người chợ quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Bữa nay rau đắng chưa ra, ít bữa mưa xuống vài cơn mới có lại”. “Có hai nải hà, đợt này tui để chuối chín cây mới đốn luôn cả buồng”. “Còn hườm hườm mua về bỏ khạp gạo, ít bữa ăn ngọt lắm nghen”… Mớ rau, mớ cá, mấy trái trong vườn, có gì bán nấy, nhiêu đó thôi vừa đủ để họp thành chợ. Chợ quê chủ yếu hoa đồng cỏ nội, cây nhà lá vườn. Vậy mà đi đâu xa một chút, người ta lại nhớ. Nhớ da diết mớ rau đắng, trái mãng cầu, nải chuối chín vườn và cả giọng điệu, tình người nhà quê: “Tui bán chịu cho, bữa nào có thì đưa lại. Có sao đâu mà ngại!”.
 

Đồ hàng bông, rau cải bán tại chợ Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Đồ hàng bông, rau cải bán tại chợ Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chi Minh.


Chợ của người quê

“Ra chợ mua mớ đồ hàng bông, rau cải về ăn nghen bây”, tức đi chợ phải nhớ mua rau, cải hay bầu, bí... Chợ quê, người ta cứ quen gọi nhau là đồ hàng bông, rau cải. Nghe má kể tiếng gọi đồ hàng bông, rau cải có lâu lắm rồi. Má lớn lên đã nghe gọi vậy, rồi về làm dâu bên nhà nội cũng nghe vậy, con cháu nghe quen rồi gọi theo luôn tới giờ. Hỏi thêm thì nội kể, đồ hàng bông là mấy trái có bông như bí, bầu, mướp, cà… còn rau cải là đồ có lá như rau muống, cải, rau đắng… “Chứ cải mà để trổ bông luôn thì đem làm giống chứ bán ai mua”. Mà đồ hàng bông muốn ngon, muốn tươi phải đi chợ sớm, mua đồ của mấy bà trong đồng đem ra bán mới ngon, người bán mớ rau này, người mớ rau kia, đi chợ trễ là không còn để mua.

- “Bây đi đâu mà lâu quá mới thấy ghé chợ nghen. Nay Năm có mớ rau càng cua, còn non lắm”.

- “Dạ. Năm để con mua hết mớ càng cua này nha, về bóp xổi, má con mê lắm”.

- “Mua thêm miếng da heo luộc nữa là ngon khỏi chê luôn nha bây. Thôi mua gì đi mua đi, chút quay lại lấy cũng được. Năm để sẵn cho”.

Vừa tới chỗ hàng bông đã nghe giọng Năm đon đả mời. Ra chợ, hỏi cô Năm bán hàng bông không ai không biết. Nhà trồng được gì, Năm đem ra chợ bán nấy. Khi vài trái bí, trái bầu, khi rổ rau càng cua, bữa có mớ rau đắng, rau má. Vậy mà ghé trễ một chút là không còn cọng rau nào để mua. “Rau đây Năm trồng, ai cũng khoái hết. Chứ rau chất đầy sạp là đồ chợ trên đưa về, người ta không thích bằng đồ Năm bán vì ở nhà trồng không phun thuốc thiếc gì hết”, giọng của người phụ nữ ngoài 50 tuổi nhưng vẫn lảnh lót. Miệng nói mà tay vẫn cứ thoăn thoắt lặt bó rau lang cho khách. Chợ bữa nào vắng tiếng Năm người ta lại thấy buồn, lại hỏi: “Bà Năm hàng bông nay hổng thấy ra chợ hen?”.

Cái chợ xã nhỏ xíu vậy đó, đi một vòng ngó qua, ngó lại là giáp hết chợ. Cũng gần chục người bán hàng bông, vậy mà đi chợ trễ chút là không còn. “Trong đồng ra sớm lắm con, bán lẹ còn về làm chuyện nhà nữa, rồi thăm chừng mớ cải mới bỏ hạt giống nữa, chứ không bầy gà ăn hết”, cô Tám hàng bông (ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ.

Có riêng gì bà Năm hay cô Tám đâu, chợ quê nhà ai có trồng được gì bán nấy, nuôi gà thì bán gà, nuôi vịt bán vịt. Nhà có khách từ nội đô Sài Gòn ra chơi, mua được con gà ta bên nhà cô Tám đem nấu cháo thì ai cũng tấm tắc khen ngon vì thịt thơm và chắc. Hay món gỏi da heo, rau càng cua mua của cô Năm… không phải đặc sản hay cao lương mỹ vị gì đâu, nhưng ăn một lần cứ nhớ hoài. Chợ hay siêu thị, rồi mấy cửa hàng tiện ích trên phố có thiếu món gì, trái cây ngoại nhập hay hàng trong nước đều có đủ… Vậy mà tìm không ra mấy loại “rau trong nhà, lá trong vườn” như quê mình được.

Vùng ngoại thành chủ yếu làm ruộng, quanh nhà đất rộng trồng thêm cà, ớt… hoặc lên đất giồng trồng rau lang, cải hay đóng giàn cho mấy dây mướp, dây bầu leo lên. Muốn ăn thì ra vườn hái, còn lại đem ra chợ bán; bữa ít bữa nhiều, bữa rau này bữa rau nọ. “Vậy mà vui bây ơi!”, bà Năm (Nguyễn Thị Dậy, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, gắn bó với chợ quê, với chút rau chút trái trong vườn cũng hơn mấy chục năm), trải lòng. “Năm bán từ hồi còn con gái, chưa gặp ổng, bán tới giờ luôn đó. Lấy công làm lời vậy mà, chứ mớ rau, mớ cải thì tính chuyện làm giàu gì con. Nhưng mà nói nào ngay, buôn bán chút vậy mà vui, chứ ở nhà không thì buồn lắm. Có đồng vô, đồng ra cũng đỡ tiền nước mắm, dầu hôi”, bà Năm lại cười sang sảng khi chia sẻ. Còn với tôi, thương quê mình cũng bởi cái tính thật thà của người nhà quê là vậy.

Tình quê một chút cũng cho

Bữa nghe má kể, má đi chợ quên đem theo tiền, ra tới chợ mới nhớ. Vậy mà bữa đó cũng đem đủ thứ về nhà, mua chịu (mua thiếu) bữa sau má trả, vậy mà ai cũng cười tươi, không phiền hà gì. Má mua cả ký thịt của cô Tư Sang, mua chịu mà cô còn cân dư thêm một chút lựa ngay miếng thịt ba rọi ngon nhất cho má. Qua chỗ bà Năm mua mớ rau. “Tui bán chịu cho, bữa nào ghé lại trả cũng được. Chị em mình đây, xa lạ mất mát gì đâu mà sợ”, bà Năm để cho má rổ rau đắng còn cho thêm mấy trái ớt, vài cọng hành để má về kho thịt. Tình quê chân chất, mộc mạc mà dễ thương vậy đó. Mua thiếu cũng vui vẻ bán, một hai trái cà, trái ớt cũng cho thêm chứ không tính tiền. Nhiều lúc đi xa, nhớ nhà lại nhớ thêm chợ quê.

Nhiều bữa thèm bánh ít, bánh nậm gói trong lá chuối, tôi dặn má đi chợ nhớ mua cho con. Má ra chợ dặn luôn người bán để mối mỗi ngày 2 cái bánh ít và 2 cái bánh nậm, bữa nào má không đi chợ thì tôi chạy ra lấy. “Hôm nay được nghỉ, đi chợ hả con? Có ra chợ trễ chút cũng hổng sao, cô để dành phần con mỗi ngày, má con dặn rồi”, cô Oanh bán bánh hồ hởi nói. Hễ mối quen đã dặn thì đi chợ trễ một chút cô cũng để dành cho. Bữa nào ngán, không ăn nữa thì nói cô biết. Cái tình quê, nhiều khi chỉ một chút nhỏ xíu vậy đó mà gắn bó người ta lại với nhau.

Cũng không riêng gì chợ xã Quy Đức quê tôi. Còn nhiều chợ ấp, chợ xã như vậy giữa lòng thành phố này như chợ ngã ba Chú Lường (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), chợ Cây Chôm (ấp 5 xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh)… nơi mà tốc độ đô thị hóa còn chưa đến, vẫn còn những cánh đồng, giàn bầu, giàn bí… mà nhiều người vẫn hay nói “đắt đồng ế chợ”. Nghĩa là đồ trong đồng trồng đem ra bán thì đắt, còn đồ mấy chợ đầu mối nhập về thì sức mua không bằng. Cũng bởi nhà trồng, mấy cọng rau còn bị sâu ăn, trái dưa leo nhiều khi èo uột một chút vậy mà ngon, đồ nhà trồng có sao để vậy; rau, trái không phun thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trưởng nên người ta yên tâm mua về dùng.

Giữa lúc có nhiều báo động về tình trạng an toàn thực phẩm như hiện nay thì chút rau nhà quê, hoa đồng cỏ nội được nhiều người chuộng. “Mua đồ bây giờ phải kỹ lắm, nhiều khi nhờ người quen dưới quê gửi lên để dành ăn từ từ mới yên tâm”, chị Nguyễn Ly (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ. Nắm bắt nhu cầu rau sạch của khách hàng, đặc biệt là các loại rau “đặc sản” chỉ ở quê mới có, nhiều người đưa các loại rau quê nhà lên bán online như các loại rau rừng, lá sầu đâu, rau ngổ, lá giang, rau đọt choại… với đủ giá, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/ký.

Thời buổi hiện đại như hiện nay, thì mọi nhu cầu của khách đều có thể được đáp ứng. Việc mua sắm online cũng tiện lợi và tiết kiệm thời gian nhiều hơn cho người mua. Nhưng cảm giác đi giữa chợ quê, ghé mua bó rau, con cá, rồi ngồi lại hỏi thăm bà Năm, cô Tám một chút, ăn cái bánh của cô Oanh… bữa nào lỡ quên đem tiền thì mua chịu, bữa sau đi chợ trả lại, thật thú vị lạ kỳ. Mua củ khoai mỡ rồi xin thêm cọng rau ngò gai, rau ôm để về nấu canh… mà không gặp ánh mắt xét nét của người bán. Cái tình chân chất, mộc mạc đó chỉ có ở chợ quê và cũng không cách nào có thể thay thế được.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.