Tiêu chết trắng, giá rẻ như rau (bài 2): Nông dân cầu cứu ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Gia Lai, tính đến năm 2019, tổng dư nợ mà nông dân vay vốn ngân hàng để trồng tiêu là hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó 2.200 tỷ đồng là nợ xấu. Hiện hàng nghìn hộ dân đang phải “cầu cứu” ngành chức năng và ngân hàng có thể gia hạn nợ, cứu họ thoát dần khỏi “thảm cảnh hồ tiêu”…
Nông dân “cầu cứu”
Đỉnh điểm khiến nông dân trồng tiêu lâm cảnh nợ nần là lúc giá hồ tiêu rớt xuống đáy, từ 220.000 đồng/kg chỉ còn 41.000 - 43.000 đồng/kg. Thêm vào đó, dịch bệnh và nắng nóng kéo dài khiến hồ tiêu chết như ngả rạ. Vay ngân hàng, đầu tư hàng tỷ đồng trồng tiêu nay nhiều hộ nông dân rơi vào thảm cảnh, nợ nần chồng chất, có bao nhiêu tài sản cũng đã thế chấp hết cho ngân hàng.
 
Chỉ vì hồ tiêu, hơn 26.000 hộ dân vướng vào vòng xoáy nợ nần. Ảnh: T.H
Khuôn mặt rầu rĩ, ủ rũ bên vườn tiêu chết khô, bà Bùi Thị Thành (trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai) tâm sự: “Gần 2 năm nay, chẳng ngày nào tôi được ngủ ngon vì khoản nợ lớn dần mà hồ tiêu để lại. Tiền gốc là 450 triệu đồng, tiền lãi mỗi năm gần 50 triệu đồng. Cứ 6 tháng trả một lần, nhưng hiện tại tiền ăn còn bữa đói bữa no, biết kiếm đâu ra 24 triệu đồng trả lãi. Rồi còn tiền gốc nữa, hơn 3.000 trụ tiêu đã chết hết rồi, chúng tôi chưa biết trông vào đâu?”.
Ông Hồ Hồng Lam (49 tuổi, chồng bà Thành) nói thêm: “Cũng muốn bán đất trả nợ lắm nhưng khổ nỗi chúng tôi đã rao bán cả năm trời chẳng ai mua nên đành để vậy. Sắp tới vợ chồng tôi định khăn gói về TP.HCM làm thuê để còn có đồng ra đồng vào trả lãi, chứ như bây giờ thì không biết khi nào mới hết nợ. Gần đây, chúng tôi bị ngân hàng gọi giục trả nợ suốt, không trả kịp lại thành nợ xấu thôi”.
Giữa năm ngoái, chúng tôi cũng có một chuyến làm việc tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Gặp ông Mai Liệu (ở thôn Thuỷ Phú), ông buồn rầu cho biết ông có 9 người con thì cả 9 đang trong tình trạng nợ xấu ngân hàng vì đã vay tiền để đầu tư vào 15ha tiêu.
Trong đó, 2 người đã phải bán nhà, bán đất trả nợ ngân hàng nhưng vẫn còn nợ nhiều khoản vay khác bên ngoài. 7 người còn lại, tuy chưa phải bán nhà nhưng con cái thì phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ đi làm kiếm tiền trả nợ.
“Người dân trồng tiêu xã này đã phải nhổ cả trụ gỗ lên bán với giá 40.000 đồng/trụ để lấy tiền sinh hoạt, trong khi trước kia mỗi trụ giá 250.000 đồng” - ông Liệu cho hay.
 
Vì thua lỗ, nợ nần không có khả năng trả nợ, một số hộ dân đã phải rao bán nhà, bán đất bỏ xứ trốn nợ. Ảnh: T.H
Để có tiền trả lãi cho ngân hàng, nhiều hộ đã bán bò, bán đất. Giờ đây, ngoài việc mong muốn ngân hàng sẽ gia hạn thời gian trả gốc, trả lãi, nhiều hộ trồng tiêu chẳng biết làm gì ngoài cầu mong vào… vận may. 
Cũng vì không có tiền trả nợ, ông Phùng Văn Cảnh (trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã đóng cửa đi khỏi địa phương. Được biết, hiện ông Cảnh vẫn nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Dù muốn phát triển các cây trồng mới gia tăng kinh tế, nhưng phần vì diện tích đất trồng tiêu bị nhiễm bệnh khó phục hồi, phần vì không có vốn đầu tư nên ông Cảnh cũng như nhiều hộ khác đành chấp nhận để đất hoang…
Hy vọng từ phía “chủ nợ”
Theo ước tính, đến nay tổng diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai hơn 16.500ha, nhưng có đến gần 1/3 là số lượng tiêu chết (trong đó tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ trên 4.500ha; do già cỗi trên 56ha; do sâu bệnh gần 1.000ha). Hơn 32.000 hộ có tiêu chết với khoản nợ hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm đến 2.200 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
 
"Tiêu chết, nợ sống", hàng nghìn hộ dân chỉ mong được giản nợ từ phía ngân hàng để không có nợ xấu. Ảnh: T.H
Trưởng thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ) Nguyễn Duy Trung than thở: Chưa bao giờ người dân ở đây rơi vào cảnh thê thảm như thế này, hàng ngày phải lo từng bữa ăn.
Ở đây hầu hết ai cũng đi vay và nhiều gia đình không có khả năng trả nợ. Nếu Nhà nước, ngành ngân hàng không can thiệp sớm giúp dân khoanh nợ thì có hơn 90% hộ dân sẽ lâm cảnh mất nhà cửa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tại Gia Lai cho biết, để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ có giải pháp giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay. Đồng thời, ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng.
“Về việc người dân muốn khoanh nợ, hiện rất khó khăn. Bởi khi đó, các ngành có liên quan sẽ phải vào cuộc xác minh, sau đó mới có cơ sở trình lên chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét việc khoanh nợ. Khi Thủ tướng đồng ý thì việc khoanh nợ sẽ diễn ra. Theo đó, trong thời hạn khoanh nợ (2 năm) người dân sẽ không phải trả lãi” – ông Cư nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cư, quy định hiện nay cấp nào đề nghị khoanh nợ, cấp đó phải xuất ngân sách để chi trả. “Với lãi suất bình quân 10%/năm, thì 2.200 tỷ đồng nợ xấu sẽ có lãi suất khoảng 220 tỷ đồng. Trong 2 năm, số lãi này tăng lên khoảng 440 tỷ đồng, đây là số tiền không hề nhỏ đối với ngân sách địa phương…” - ông Cư cho biết thêm.
Trần Hiền (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.