(GLO)- Gia Lai là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có đường biên giới giáp với Campuchia, dân số trên 1,3 triệu người, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,7%. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, với 222 xã, phường, thị trấn, 2.161 thôn, làng, tổ dân phố-trong đó có 1.261 thôn, làng DTTS. Những năm qua, MTTQ tỉnh luôn chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn tiêu biểu và người uy tín trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các già làng, trưởng thôn và người uy tín tiêu biểu trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Ảnh: Thanh Nhật |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ các cấp, cùng với chính quyền xây dựng đội ngũ già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư. Định kỳ, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương già làng, trưởng thôn tiêu biểu và người uy tín, qua đó đã động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo, đồng thời hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai rà soát, bình chọn người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Đội ngũ những người tiêu biểu có uy tín trên địa bàn tỉnh từ 1.177 người (năm 2009) lên 2.064 người hiện nay.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, các già làng, trưởng thôn và cá nhân tiêu biểu đã phát huy kinh nghiệm về lao động sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất cây lúa nước, xây dựng nhiều mô hình trang trại, thâm canh tăng vụ, định canh định cư, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu trong công tác xã hội ở TP. Pleiku có già làng Kril (xã Biển Hồ), già làng Mên (xã Chư Á), già làng Sin và già làng Rơ Lan Juk (phường Thắng Lợi), già làng So Kol (phường Đống Đa),… Họ đã vận động nhân dân đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tà đạo, đạo lạ; vận động nhân dân không mê tín dị đoan, không tin kẻ xấu, góp phần xây dựng thôn, làng vững mạnh. Ở huyện Mang Yang có ông Chứt, ông Pah, bà Her (xã Ayun) là những điển hình trong đấu tranh chống mê tín dị đoan, ma lai, thuốc thư. Tại Phú Thiện có ông Ksor Thih (xã Ia Peng), già làng Hà Jôn (xã Ia Yeng), ông Nay Yak (xã Ia Piar) là những điển hình cầu nối cho tình đoàn kết giữa các gia đình trong thôn làng thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Tại thị xã Ayun Pa có già làng Ksor Ngé (xã Chư Băh), già làng Ksor Hoanh (xã Ia Sao), già làng Nay Blang (xã Ia Rbol), già làng Nay Long (xã Ia Rtô) đã vận động bà con đồng bào hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng và xây dựng trường học...
Khen thưởng các già làng, trưởng thôn và người uy tín tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nhật |
Các già làng, trưởng thôn và cá nhân tiêu biểu, bằng uy tín và sự sáng tạo của mình đã vận động dân làng và con cháu trong gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trực tiếp đứng ra tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân với 78.850 buổi tại các thôn làng với hơn 3 triệu lượt người tham dự; vận động nhiều đối tượng lầm lỡ, tuyên truyền vận động 1.321 lượt đối tượng cầm đầu, cốt cán tham gia hoạt động FULRO ra tự thú và tự khai báo về hành vi hoạt động phạm tội trước dân làng... Bên cạnh đó, già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu còn vận động các hộ gia đình có nương, rẫy, giáp biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc, cung cấp các nguồn tin có giá trị cho ngành chức năng phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm.
Điển hình trong công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tại xã Ayun (huyện Mang Yang) có già làng Kơm và già làng Ký đã trực tiếp tham gia phát động phản bác lại luận điệu tuyên truyền của FULRO và đã vận động được 23 đối tượng từ bỏ “Tin lành Đê-ga” để quay về với phong tục tập quán của làng…
Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn tiêu biểu và người uy tín, trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xây dựng lực lượng già làng, trưởng thôn và các cá nhân tiêu biểu làm nòng cốt trong việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, tạo mọi điều kiện để đồng bào vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Chăm lo củng cố, phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng thôn và các cá nhân tiêu biểu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ người DTTS nói chung, già làng, trưởng thôn và các cá nhân tiêu biểu nói riêng.
Tập trung thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX). Cùng với đó là định hướng các vị già làng, trưởng thôn và các cá nhân tiêu biểu gần dân, hiểu dân, từ đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân, tham mưu cho cấp ủy đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ từ thực tế, gắn với giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân. Có như vậy, già làng, trưởng thôn và các cá nhân tiêu biểu luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong công tác vận động quần chúng, đặc biệt là vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, từ bỏ và không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân-nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Hồ Văn Điềm
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai