Tiền đạo Việt và World Cup

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có 4 cầu thủ Việt kiều đủ khả năng và điều kiện khoác áo các đội tuyển Việt Nam cho hai mục tiêu tiến xa nhất có thể ở vòng loại Wolrd Cup 2022 và chinh phục HCV SEA Games 2019, nhưng vì sao HLV Park Hang-seo lại ưu tiên và vội vã qua Na Uy (rời Việt Nam ngày 4 và trở về ngày 7-5) để xem tiền đạo Alenander Đặng thi đấu ở Giải Hạng nhất Na Uy trong màu áo Nest Sotra?
Trước khi kết luận, chúng ta cùng điểm sơ qua 3 cầu thủ còn lại. Jason Quang-Vinh Pendant (22 tuổi), có mẹ là người Việt và cha là người Pháp. Jason từng được gọi lên tuyển U16 Pháp và U18 Pháp, đã ghi 2 bàn thắng trong 18 trận thi đấu cho các đội tuyển trẻ Pháp và hiện thi đấu ở Ligue 2 của Pháp trong màu áo Sochaux (giải cao nhất ở Pháp là Ligue 1). Filip Nguyễn (27 tuổi, cao 1,91 m, nặng 85 kg): Thủ môn của Slovan Liberec đang xếp hạng 6 Giải Vô địch CH Czech. Kelvin Bùi (17 tuổi), cha Việt và mẹ Hà Lan, chơi ở vị trí hậu vệ phải, đã được triệu tập vào đội U17 Hà Lan chuẩn bị vòng loại U17 châu Âu, hiện đá cho Vitesse Arnnhem, CLB thuộc giải VĐQG Hà Lan.
Dựa theo số liệu thống kê, Filip Nguyễn là cầu thủ Việt kiều có trình độ cao nhất và giá trị của Filip Nguyễn theo thị trường chuyển nhượng xác định là 855.000 USD, hơn 2 lần so với Alexander Đặng được định giá 340.000 USD. Từ những thông tin này, Đặng là cầu thủ Việt kiều lớn tuổi nhất, giá trị chuyển nhượng thường dựa vào năng lực chuyên môn và cũng chưa phải là cao nhất, do đó "hiện tượng" HLV Park Hang-seo ưu tiên đi - xem rồi đưa ra quyết định đơn giản vì chưa bao giờ bóng đá Việt Nam (BĐVN) khủng hoảng vị trí tiền đạo cắm như hiện nay.
 Đức Chinh chưa đạt đến sự mong đợi dù hiện là lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang-seo
Đức Chinh chưa đạt đến sự mong đợi dù hiện là lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang-seo
Thực trạng này đã được cảnh báo từ lâu nhưng càng rõ hơn ở mùa này. Với quy định mỗi đội ở V-League 2019 được sử dụng 3 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ nhập tịch trên sân (mùa 2018 chỉ được 2 ngoại binh), qua 7 vòng đấu, ngoài Samson (cầu thủ nhập tịch của Hà Nội) dẫn đầu với 6 bàn thì nhóm cầu thủ ghi được 4 bàn thắng có đến 5 ngoại binh và duy nhất có Văn Toàn là cầu thủ nội. Mà Toàn đâu phải là tiền đạo cắm, vị trí sở trường của anh là tiền đạo cánh.
Ngay cả đội Hà Nội vô đối ở V-League cũng hoàn toàn dựa vào các chân sút ngoại, nói gì phần còn lại của V-League. Không ít người sẽ tiếc nuối cái thời BĐVN có những tiền đạo cắm đáng xem như Nguyễn Cao Cường (Thể Công); Võ Thành Sơn (Sở Công nghiệp); Nguyễn Văn Thành (Hải Quan); thế hệ sau là Nguyễn Văn Dũng (Công nghiệp Hà Nam Ninh); Phan Thanh Hùng (Đà Nẵng); Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến (Công an TP HCM); Huỳnh Quốc Cường (Đồng Tháp).
Đến khi BĐVN mở cửa cho các cầu thủ ngoại thì vẫn còn Nguyễn Việt Thắng (HAGL); Lê Công Vinh (SLNA) rồi Nguyễn Anh Đức (B.Bình Dương), nhưng khi các CLB thi đấu ở V-League đồng loạt chính thức dành vị trí tiền đạo cắm cho ngoại binh thì BĐVN không còn chân sút giỏi cũng là điều hiển nhiên. Đó cũng là câu trả lời vì sao khi chưa có ngoại binh, BĐVN có những chân sút để người hâm mộ nhớ.
Đã có lúc chúng ta chờ đợi Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh nhưng với những gì cả hai thể hiện trên sân cỏ ở mọi đấu trường từ trong nước đến quốc tế, từ cấp CLB cho đến các đội tuyển, chúng ta không thể phủ nhận thực tế đau lòng: Đẳng cấp của cả Chinh và Linh chưa đạt đến sự mong đợi!
Tháng 6 tới, nhiều khả năng FIFA sẽ chính thức đưa ra quyết định số lượng đội ở VCK World Cup 2022 sẽ tăng lên từ 32 lên 48 đội. Đó là cơ hội mở ra cho châu Á nói chung, BĐVN nói riêng. Với khát vọng đó, HLV Park Hang-seo đã chuẩn bị và tìm kiếm để bổ sung vị trí trung phong cho đội tuyển BĐVN với giấc mơ chinh phục vòng loại World Cup 2022 là hợp ý và cần thiết nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, cái đích chính của BĐVN là biến giấc mơ có mặt ở VCK cúp thế giới 2026 thành hiện thực. Điều đó không thể dựa vào chuyện săn lùng, tìm kiếm 1 hay vài vị trí, mà bộ phận chuyên môn của VFF cần phải đưa ra cho bằng được chiến lược, kế hoạch cụ thể cùng với lộ trình thực hiện khả thi ngay từ lúc này để đến khi vòng loại World Cup 2026 tiến hành vào quý IV/2024 sẽ không phải giật gấu vá vai như hiện nay.
Hoàng Tú (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.