(GLO)- Những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ cháy tại khu dân cư và các cơ sở sản xuất, gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy được xác định do lỗi chủ quan và vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong sinh hoạt và quá trình sản xuất của người dân và doanh nghiệp…
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm này của năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy (tăng 6 vụ), làm bị thương 5 người (tăng 5 người), với tổng thiệt hại về tài sản hơn 1,1 tỷ đồng (tăng hơn 700 triệu đồng). Trong đó, cháy ở khu dân cư xảy ra 5 vụ, cháy các cơ sở sản xuất 3 vụ.
Ảnh: Hạ Vy |
Với những số liệu trên, có thể thấy, công tác phòng chống cháy, nổ tại khu dân cư và các cơ sở sản xuất đang đến mức báo động. Qua kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy trên chủ yếu do sự cố kỹ thuật thiết bị điện, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa và do thiếu tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các biện pháp PCCC. Điển hình là hai vụ cháy tại DNTN Tấn Lâm (ngày 27-2) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại-Dịch vụ Việt Gia (ngày 1-3), gây thiệt hại 650 triệu đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chủ quan của lãnh đạo đơn vị và vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Sau khi điều tra làm rõ, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hai đơn vị hơn 18 triệu đồng, yêu cầu các đơn vị nhanh chóng khắc phục những vi phạm trên.
Ông Đậu Quang Huy-Đội trưởng Đội Kiểm tra Hướng dẫn an toàn PCCC (Phòng PC66) Công an tỉnh cho biết: “Hầu hết các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua đều bắt nguồn từ ý thức chấp hành Luật PCCC của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đầu tư mua sắm các trang-thiết bị PCCC không đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định. Lực lượng PCCC tại chỗ còn yếu và kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, nên không kịp thời có mặt để thực hiện các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…”.
Ngoài ra, theo phân tích của cơ quan chuyên môn, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay nên trên địa bàn tỉnh nhiều khu dân cư được xây dựng tự phát, xuất hiện nhiều khu “ổ chuột”… Hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống điện được đấu nối chằng chịt, đường giao thông nhỏ hẹp, chưa bố trí được các trụ nước để phục vụ cho công tác PCCC, nên khi xảy ra cháy, xe chuyên dụng không thể áp sát để kịp thời khống chế. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: san chiết ga, xưởng chế biến gỗ, sản xuất bao bì, khu phế liệu… nằm xen kẽ với nhà dân, nên khi xảy ra cháy, dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Việc tuyên truyền, giám sát công tác PCCC tại nhiều địa phương vẫn còn chưa được chú trọng…
Vì vậy, để hạn chế nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư và các cơ sở sản xuất, trước hết cần có những quy hoạch phát triển hạ tầng mang tính đồng bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, các địa phương phải thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ “lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ” để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Hạ Vy