Tích và xả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng thủy điện Plei Kần (ở Kon Tum) vẫn tích nước khiến 70 hộ dân ở làng Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga (H.Đăk Tô, Kon Tum) kêu trời vì bỗng dưng tuyến đường dẫn vào khu sản xuất của họ bị nhấn chìm dưới nước.
Con đường dân sinh đã chìm sâu dưới mực nước thủy điện.
Con đường dân sinh đã chìm sâu dưới mực nước thủy điện. Ảnh: Đức Nhật
Cũng tại Kon Tum, hồi đầu năm nay, một thủy điện bậc thang trên sông Đắk Snghé chặn dòng tích nước để phát điện nhưng chỉ trả một lượng nhỏ nước về hạ du, đã làm cho hơn 108 ha cây trồng của người dân xã Tân Lập (H.Kon Rẫy) chết héo vì thiếu nước tưới.
Những thủy điện nhỏ hoạt động theo kiểu “du kích” như trên, nếu tính trên phạm vi cả nước, thì đếm không xuể. Bởi chỉ riêng tỉnh Kon Tum đã có đến 81 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Trong đó, có những con sông như sông Đắk Psi (dài 73 km) phải cõng đến 12 dự án thủy điện, có những xã tập trung 6 nhà máy thủy điện.
Theo phân cấp, việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Có lẽ mấu chốt vấn đề là ở chỗ này, nên các thủy điện nhỏ trên địa bàn cả nước đã phát triển ồ ạt, mà theo đánh giá của Bộ Công thương, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, chưa đảm bảo khả thi.
Cho dù đang đóng góp vào lưới điện quốc gia nhưng những thủy điện nhỏ cũng đang góp phần gây ra tình trạng hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa, tác động tiêu cực đến đời sống người dân quanh lưu vực các con sông. Có nghĩa là dù tích nước hoặc xả nước, thì các thủy điện đều khiến người dân vùng hạ du khốn đốn, để rồi đẻ ra cái “quy trình” luẩn quẩn: tích, xả nước - dân kêu cứu - ngành chức năng vào cuộc - đền bù, hỗ trợ (như trường hợp thủy điện Plei Kần nêu trên); rồi lại tích, xả nước... Năm nào cũng vậy.
Vòng luẩn quẩn đó không chỉ gây thiệt hại cho môi trường, cho người dân mà còn gây thiệt hại cho chính chủ đầu tư. Nhận ra những bất cập từ các thủy điện vừa và nhỏ, nên nhiều địa phương đã xóa khỏi quy hoạch hoặc thu hồi dự án. Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), thời gian qua Cục đã loại khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện nhỏ, là các dự án chiếm nhiều diện tích đất, rừng hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ về hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ. Lợi ích mà thủy điện nhỏ mang lại là bao nhiêu, thiệt hại do các thủy điện nhỏ gây ra là thế nào, kể cả thiệt hại trước mắt và lâu dài? Mặt khác, xử phạt thật nặng, thậm chí thu hồi giấy phép những dự án thủy điện không tuân thủ việc tích, xả nước theo quy định; đồng thời truy trách nhiệm địa phương, cơ quan, cá nhân được giao giám sát nhưng buông lỏng để thủy điện nhỏ gây mất an toàn môi trường, tính mạng và tài sản người dân.
Đừng để tái diễn tình trạng thủy điện mang lợi ích cho chủ đầu tư, còn xã hội và người dân lại phải gánh hậu quả môi trường, hạn, lụt mỗi lần thủy điện tùy tiện tích hay xả nước.
Theo BẢO HUY (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.