Thực hiện Di chúc của Bác trước hết là chăm lo lợi ích của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cả đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc, vấn đề con người được Bác đặt lên đầu tiên. Tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Hồ Chí Minh đã dành cả đời mình dày công xác lập.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía những giá trị tư tưởng, nhân văn mà Người để lại cho Đảng, cho dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Bác viết: “Công việc đầu tiên là đối với con người”. Bác muốn căn dặn thế hệ sau phải chăm lo đến lợi ích của con người.
Tư tưởng vì con người được thể hiện xuyên suốt, là lẽ sống, là mục tiêu phấn đấu, hy sinh cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đau đáu vì kiếp nô lệ lầm than của dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Tiếng nói đấu tranh đầu tiên của Người với tư cách là một đảng viên Cộng sản là “Bản án chế độ thực dân Pháp”, đòi quyền sống, quyền làm người cho các dân tộc thuộc địa.
Với Hồ Chí Minh, đã là con người thì ai cũng có “quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Chân lý ấy được thể hiện đanh thép trong “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố với thế giới về mục tiêu của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta ngày 2-9-1945. Những giá trị mang tầm nhân loại mà Hồ Chí Minh tiếp thu được và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam trở thành quyền được giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ của chủ nghĩa thực dân.
“Nếu nước được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”-Bác viết. Cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài sau Cách mạng Tháng Tám, 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo là để thực hiện quyết tâm cao cả đó, mang lại một nền độc lập, tự do thực sự cho người Việt Nam. 
Vì cuộc sống tự do và hạnh phúc của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọng tâm của lòng nhân ái vào việc chăm lo cải thiện cuộc sống của giai cấp công nhân và nông dân. Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất sau nhiều năm liên tục góp sức người, sức của vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó cũng là cách mà các đấng minh quân từ xưa đến nay thường làm sau mỗi cuộc binh đao để yên ổn lòng dân.
Phải ra đi giữa lúc đất nước vẫn còn chia cắt, tâm nguyện của Người là “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Với mong ước về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại lời di huấn thiêng liêng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ta suốt nửa thế kỷ qua, nhất là từ sau khi đất nước hòa bình, đặc biệt là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Chúng ta đã cố gắng làm hết khả năng của mình để thực hiện lời căn dặn của Bác đối với con người. Không chỉ có cơm ăn áo mặc mà dân ta đã được ăn ngon, mặc đẹp. Mọi người không chỉ được học hành mà còn được học tốt, được thỏa sức phấn đấu, sáng tạo và cống hiến cho đất nước.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản thấm đượm tình thương yêu vô hạn đối với con người, với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã thực hiện đúng tư tưởng cốt lõi về “phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển đất nước”. Tư tưởng “vì con người” của Bác đã, đang và sẽ tiếp tục soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta trên bước đường đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.