Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là nội dung quan trọng được Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030. Ðể quán triệt định hướng chỉ đạo này và triển khai có hiệu quả trên thực tế rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác của mọi tầng lớp nhân dân.

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)


Thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta quan tâm từ rất sớm. Ngay từ khi nước nhà mới giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.6, tr.232).

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng, là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, của tiến bộ xã hội, do đó, thực hành và đảm bảo dân chủ là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của nhà nước, "là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.325) trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ðể bảo đảm và thực hiện tốt dân chủ phải coi trọng việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật vì pháp luật chính là công cụ để bảo đảm, bảo vệ các quyền dân chủ cho nhân dân trong thực tế. Tuy nhiên, dân chủ phải có kỷ cương, kỷ luật, bởi vậy cần phải sử dụng pháp chế, thực thi tốt pháp luật.

Tiếp nối quan điểm của Người, Ðảng ta qua các kỳ Ðại hội đã quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Ðặc biệt, đến Ðại hội XIII, mối quan hệ "giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội" (Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, H.2021, tr.119) đã được xác định là một trong những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và xử lý tốt trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, thực hành dân chủ được hiểu là việc tổ chức, triển khai thực hiện, thực thi dân chủ trên thực tế, bảo đảm cho mọi người dân được hưởng và thực hiện các quyền của mình.

Cụ thể hơn, thực hành dân chủ chính là triển khai thực hiện trên thực tế những điều đã được cam kết, ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật về các quyền của công dân; tạo cơ hội, điều kiện cho người dân được hưởng các quyền của mình; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; chú trọng thực hiện và không ngừng mở rộng các quyền dân chủ trong thực tế cho người dân.

Tăng cường pháp chế chính là tăng cường các thiết chế pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường sự quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường sử dụng pháp luật để điều hành, quản lý mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bảo đảm kỷ cương xã hội là việc duy trì thực hiện những nguyên tắc, quy định của nhà nước, bảo đảm sự tuân thủ của các thành viên đối với những nguyên tắc, quy định đó để bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân,...

Quá trình đẩy mạnh xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay rất cần thiết phải nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Bởi lẽ, thực hành tốt dân chủ mới giúp bảo đảm và khẳng định bản chất dân chủ ưu việt tốt đẹp khác biệt của nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng – một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Không chú trọng thực hành tốt dân chủ, hay chỉ thực hành dân chủ hình thức, không bảo đảm cho người dân có các quyền dân chủ thật sự, được hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân thật sự thì nhà nước không phải là một chế độ dân chủ, hoặc chỉ là chế độ dân chủ giả hiệu, dân chủ hình thức.

Coi trọng thực hành dân chủ, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm dân chủ, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là nhiệm vụ quan trọng đồng thời cũng là mục tiêu, là nguyên tắc hoạt động, là bản chất của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việc tăng cường pháp chế, bảo đảm mọi hoạt động của đời sống xã hội đều được quản lý, điều hành theo pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật là cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt các quyền dân chủ của người dân.

Pháp luật giúp thể chế hóa các quyền dân chủ cho nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời bảo đảm cho nhân dân được thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của mình, ngăn chặn các hành vi vi phạm dân chủ từ bất kỳ lực lượng nào, tổ chức nào, cá nhân nào.

Pháp chế càng được tăng cường thì các quyền dân chủ của nhân dân càng được bảo đảm, lợi ích của nhân dân càng được bảo vệ tốt. Thượng tôn pháp luật, tăng cường pháp chế là điều kiện tiên quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất.

Dân chủ còn phải luôn đi đôi với kỷ cương. Một đất nước không có kỷ cương, phép tắc thì rối loạn, mất trật tự, mất ổn định, không thể phát triển. Dân chủ mà không có kỷ cương, kỷ luật sẽ trở thành dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật, thậm chí tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, phản động cực đoan tự do làm điều xấu, vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của cộng đồng, nhân dân, đe dọa đến sự ổn định chính trị của quốc gia.

Thời gian qua, lợi dụng chiêu bài đòi dân chủ, tự do, nhân quyền, dân quyền, các thế lực thù địch thường xuyên tung tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đưa tin thất thiệt, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ các lãnh đạo cấp cao nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, làm mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, các thành phần bất mãn… tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự, kích động, xúi giục, tổ chức các vụ biểu tình, nổi loạn, bạo động chống phá chính quyền, từ đó mưu đồ hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Ðảng Cộng sản, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tế này đặt ra yêu cầu dân chủ, pháp chế và kỷ cương phải luôn đi liền với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, thực hành dân chủ ở đây là thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa tức là thực hành dân chủ cho đa số nhân dân lao động chứ không phải chỉ thực hành dân chủ cho một nhóm thiểu số giai cấp thống trị bóc lột, dân chủ chỉ cho 1% những nhà tư sản, những ông chủ tư bản giàu có như trong chế độ tư bản chủ nghĩa.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa phải là thứ dân chủ cao, dân chủ rộng rãi, dân chủ triệt để, dân chủ theo nghĩa đầy đủ nhất, thực chất nhất. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là đặc trưng, bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và pháp chế mà chúng ta cần tăng cường cũng phải là pháp chế xã hội chủ nghĩa - pháp chế được xây dựng và thực thi xuất phát từ ý chí và lợi ích của nhân dân, nhằm bảo đảm và bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân chứ không phải pháp chế xuất phát từ ý chí và bảo vệ lợi ích của thiểu số giai cấp thống trị bóc lột như trong các chế độ xã hội trước đây.

Có thể khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam ngay từ đầu đã được xây dựng trên tinh thần dân chủ, nhằm bảo đảm và bảo vệ quyền dân chủ thật sự của mọi tầng lớp nhân dân lao động, bảo đảm duy trì trật tự, kỷ cương, ổn định trật tự xã hội, nghiêm trị mọi hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, chà đạp lên lợi ích của nhân dân.

Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh rất nhiều thành quả đã đạt được vấn đề thực hành dân chủ vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Có lúc, có nơi vẫn để xảy ra tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn, vi phạm dân chủ gây bức xúc dư luận. Việc thực thi đôi khi còn chưa nghiêm, thậm chí bị xem thường, xuyên tạc; pháp luật vẫn chưa thật sự là công cụ hữu hiệu trong tổ chức, quản lý xã hội, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân. Kỷ cương xã hội đôi khi vẫn bị buông lỏng, xem nhẹ ở một số lĩnh vực, địa bàn khiến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. An ninh trật tự xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, bất ổn,...

Do đó, nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa "thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội" càng có ý nghĩa cấp thiết đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Ðây chính là định hướng chỉ đạo mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đó là: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới".

 

Theo TS HOÀNG THỊ KIM OANH (NDO)
 

Có thể bạn quan tâm

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài Chỉ thị 45/CT-TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới...