Thư viện thân thiện ở trường mầm non tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kết thúc năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai xây dựng được 4 thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non tại những vùng đặc biệt khó khăn. Đây là mô hình mới nằm trong dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, góp phần sớm hình thành văn hóa đọc cho trẻ mầm non.      
Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế và quyết định chọn 4 trường vùng khó khăn làm thí điểm gồm: Trường Mẫu giáo Ayun, Trường Mẫu giáo Kon Chiêng (huyện Mang Yang), Trường Mẫu giáo Hoa Sen (huyện Kbang) và Trường Mẫu giáo Ia Mlah (huyện Krông Pa). Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) nói: “Thư viện thân thiện ở bậc mầm non là mô hình còn khá mới mẻ nên sẽ không dễ dàng khi triển khai ở những vùng khó. Nguyên nhân là các cơ sở thường gặp lúng túng khi xây dựng kế hoạch, phụ huynh chưa xác định được mục tiêu, ý nghĩa của thư viện nên khó đồng thuận. Tuy vậy, chúng tôi xác định, nếu mô hình thành công ở vùng khó thì khi nhân rộng ra toàn tỉnh sẽ thuận lợi. Do đó, với sự hỗ trợ của dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, chúng tôi đã rất nỗ lực và đến nay thì thành công ở cả 4 đơn vị thí điểm”.
 Thư viện thân thiện thu hút trẻ mẫu giáo đến xem sách truyện. Ảnh: N.G
Thư viện thân thiện thu hút trẻ mẫu giáo đến xem sách truyện. Ảnh: N.G

Chị Võ Thị Thu Hà-phụ huynh học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Sơn Lang, huyện Kbang): “Tôi rất mừng khi con gái 5 tuổi đã “cai” được smartphone và thường xuyên tham gia các hoạt động tại thư viện nhà trường. Mỗi chiều đón con, tôi thường được cháu rủ vào thư viện xem tranh, đọc sách cho con nghe. Về nhà cháu cũng đề nghị tôi mua truyện tranh về đọc. Sau một thời gian, con tôi đã ghi nhớ nội dung nhiều câu chuyện và có thể kể lại qua tranh vẽ”.

Tại Trường Mẫu giáo Kon Chiêng, thư viện thân thiện đã được xây dựng ở cả 9 điểm trường lẻ, thu hút ngày càng đông phụ huynh cùng con em đến nghe giáo viên đọc sách, hướng dẫn trẻ kể chuyện theo tranh... Cô Trần Thị Thìn-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Kon Chiêng-cho biết: “Đời sống người dân trên địa bàn còn khó khăn, không thể vận động nguồn xã hội hóa từ phía phụ huynh, ý thức của đa số các gia đình về việc học của con em còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp cùng chính quyền địa phương kêu gọi phụ huynh tham gia ngày công cải tạo khuôn viên trường học, tạo dựng các góc thư viện thân thiện ngoài trời, tích cực cho trẻ tham gia hoạt động thư viện để hình thành thói quen đọc sách”.
Là người góp phần tích cực vào thành công của mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng của Trường Mẫu giáo Ia Mlah, ông Vũ Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah luôn ủng hộ việc nhân rộng mô hình này. Ông Huy nói: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, tôi thấy mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non đã phát huy hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ góp phần hình thành thói quen vào thư viện, xem sách truyện của trẻ mầm non mà còn giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về việc học của con, về môi trường giáo dục toàn diện khi cùng con tham gia các hoạt động thư viện theo mong muốn của trẻ”. Cũng theo ông Huy, xã Ia Mlah sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong cách xây dựng thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non với các địa phương khác.
Còn bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pah thì cho hay: Ngành GD-ĐT địa phương này đã sẵn sàng xây dựng thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non sau khi tổ chức cho các trường đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị làm điểm. Bà Thảo chia sẻ: “Tại huyện Chư Pah cũng đã có một số trường mầm non, mẫu giáo vùng khó xây dựng được thư viện thân thiện ngoài trời. Cùng với việc tham quan, học hỏi mô hình điểm, chúng tôi khẳng định rằng đây là tiền đề để mô hình này nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn trong năm học tới”.
Trao đổi về kế hoạch nhân rộng mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng ở bậc mầm non, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Tại hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng thư viện thân thiện ở bậc mầm non, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với sự quyết tâm của ngành GD-ĐT các địa phương, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện được xây dựng dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng tại địa phương; 85% trẻ mầm non được tiếp cận, thường xuyên nghe đọc sách để hình thành thói quen ngay từ nhỏ theo đúng tinh thần đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GD-ĐT”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.