Thư viện lưu động vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 1 năm triển khai, mô hình “Thư viện lưu động” của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ đã đưa hơn 4.000 đầu sách phục vụ gần 2.000 bạn đọc tại các điểm trường vùng biên. Mô hình đã tạo ra sân chơi bổ ích, góp phần phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
Được triển khai từ giữa năm 2019 đến nay, Thư viện huyện Đức Cơ đã tổ chức được 10 đợt luân chuyển sách đến Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện và điểm trường của các trường tiểu học như: Ngô Mây, Trần Quốc Tuấn, Phan Chu Trinh, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh. Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền-cán bộ Thư viện huyện-cho hay: Thư viện các trường luôn tập trung ở trường chính, còn những chuyến xe lưu động từ Thư viện tỉnh xuống thì chỉ phục vụ được số ít trường do phải luân phiên di chuyển đến nhiều huyện. Do vậy, học sinh tại các điểm trường xa thường rất thiệt thòi trong việc tiếp cận nguồn sách, báo. Đầu năm 2019, chị Tuyền đề xuất với Ban lãnh đạo Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao tổ chức chuyến xe lưu động nhằm đưa sách đến gần hơn với các em, góp phần phát triển văn hóa đọc ngay tại cơ sở.
Mỗi chuyến xe luôn để lại nhiều kỷ niệm với những người làm chương trình. Những học sinh trước đây vốn chỉ quen tụm năm, tụm bảy chơi đùa trong giờ giải lao giờ đây không giấu nổi niềm háo hức khi chuyến xe lưu động xuất hiện. Tất cả ùa tới, tíu tít lựa chọn sách rồi say sưa đọc. Nhiều em chọn luôn một lúc 3-4 quyển như sợ ai lấy mất. Em Rơ Mah H’Xa (điểm trường làng Sung Le Kắt, Trường Tiểu học Ngô Mây, xã Ia Kla) chia sẻ: “Em chưa bao giờ thấy nhiều sách như thế này. Em rất thích đọc truyện tranh. Quyển nào cũng đẹp, cũng hay. Em mong có thật nhiều chuyến xe như thế này để chúng em có cơ hội đọc nhiều sách hơn nữa”.
Các em học sinh tại điểm trường làng Ngo Le (Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cùng nhau đọc sách. Ảnh: V.C
Các em học sinh tại điểm trường làng Ngo Le (Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cùng nhau đọc sách. Ảnh: V.C
Ông Nguyễn Vũ Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ: “Qua 1 năm triển khai, mô hình “Thư viện lưu động” đã mang lại những kết quả khả quan, tạo nên một sân chơi ý nghĩa, được các em học sinh nhiệt tình đón nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể nghiên cứu nhân rộng mô hình, góp phần đem ánh sáng văn hóa đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện”.

Nhằm kích thích trí tò mò, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các em thiếu nhi, thể loại sách chiếm số đông trên các chuyến xe lưu động là truyện tranh, ngoài ra còn có sách khoa học, tạp chí thiếu nhi, sách văn học… Ngoài số lượng sách có sẵn, “Thư viện lưu động” còn được bổ sung ấn phẩm từ khu lưu động do Thư viện tỉnh cấp về. Nhờ vậy, các đầu sách đến với học sinh luôn được đổi mới, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức.

Cô Phan Thị Hoa-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Ngô Mây-nhận xét: Ưu điểm lớn nhất của những chuyến xe lưu động của huyện là thể loại sách, truyện rất phong phú, nhiều hình ảnh, phù hợp với sở thích, tâm lý của các em học sinh. Trong khi Thư viện trường học chủ yếu phục vụ học sinh ở khu trung tâm thì những chuyến xe lưu động của Thư viện huyện có thể đến với tất cả các em học sinh vùng sâu, vùng xa tại các điểm trường. “Chính vì vậy mô hình này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”-cô Hoa nói.
Để giúp các em có khoảng thời gian, không gian đọc sách thoải mái, những chuyến xe lưu động thường được bố trí vào các buổi ngoại khóa của trường. Không chỉ đọc sách, các em còn được nhân viên Thư viện cùng thầy-cô giáo tổ chức nhiều trò chơi như đố vui, kể chuyện theo sách, tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, phòng-chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… Tất cả các hoạt động đều được học sinh hào hứng tham gia, góp phần tạo nên một buổi ngoại khóa bổ ích, lý thú.
Mặc dù những chuyến xe lưu động cũng gặp không ít khó khăn do hạn chế về nguồn nhân lực, có chuyến xe bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên kết quả không được như mong đợi, song hiệu quả thiết thực mà thư viện lưu động mang lại chính là đưa tri thức, kiến thức, kỹ năng đến với học sinh vùng khó. Theo chị Tuyền, Thư viện huyện Đức Cơ hiện có 21.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Ngoài xe lưu động, đơn vị cũng tổ chức luân chuyển đầu sách cho 10 trường trên địa bàn mượn để học sinh tham khảo. Chị Tuyền bộc bạch: “Hình ảnh học sinh háo hức chọn từng quyển sách là động lực rất lớn đối với những người làm công tác thư viện thư tôi, giúp tôi có thêm nhiệt huyết để tiếp tục đưa ánh sáng tri thức đến với các em”. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.