Thủ tướng: Lâm Đồng thực hiện 3 đột phá để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng chỉ đạo Lâm Đồng thực hiện thêm 3 đột phá phù hợp với điều kiện địa phương, trong đó có phát triển khoa học công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 25/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Lâm Đồng.

Đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung, Lâm Đồng còn khó khăn hơn do hạn hán, sạt lở, dịch bệnh trên gia súc, thay đổi nhân sự…, toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nên đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đạt và vượt 14/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 5,63%. Quy mô GRDP năm 2023 đạt gần 116 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 86 triệu đồng/người - cao nhất vùng Tây Nguyên. Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt hơn 13.000 tỷ đồng; 7 tháng đầu của năm 2024 đạt gần 7.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, du lịch tiếp tục đóng vai trò động lực, tổng lượt khách du lịch năm 2023 đạt 8,65 triệu lượt; 7 tháng của năm 2024 đạt 940.000 lượt, tăng 8%. Lâm Đồng đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 245 triệu đồng/ha; có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy; đời sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,16%. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để phát sinh các “điểm nóng”; chú trọng thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, xử lý kịp thời vi phạm. Công tác xây dựng Đảng tập trung vào củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ tỉnh triển khai một số dự án hạ tầng: Tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, cao tốc Nha Trang-Đà Lạt. Đồng thời đề nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong Quy hoạch khoáng sản ở tỉnh.

Lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng trao đổi, đánh giá tình hình, đồng thời gợi mở, góp ý các định hướng lớn phát triển kinh tế-xã hội và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Lãnh đạo các bộ ngành đề nghị Lâm Đồng tiếp tục phát huy thế mạnh là phát triển nông nghiệp, du lịch do có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tốt; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, Lâm Đồng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh Lâm Đồng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, là trung tâm giao thương, đầu mối kết nối 3 vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, tiếp giáp với 7 tỉnh; kết nối với các thành phố lớn trong nước và quốc tế qua đường hàng không.

Tỉnh có diện tích lớn, địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; tiềm năng phát triển du lịch lớn với thiên nhiên đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc của 47 dân tộc, nhiều di sản văn hóa quý.

Tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản; hệ thống giao thông thuận lợi, khá đồng bộ; nguồn nhân nhân lực khá dồi dào; hệ thống giáo dục đào tạo phát triển…

Chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế, thách thức của Lâm Đồng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tỷ lệ che phủ rừng, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư chậm, chất lượng nguồn nhân lực, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, đời sống nhân dân…, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá, Lâm Đồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do cơ chế còn hạn hẹp; còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá.

Thực hiện 3 đột phá để tăng tốc phát triển

Quán triệt quan điểm, tư duy phương pháp luận, cách tiếp cận và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị tốt tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; thắt chặt đoàn kết, thống nhất tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao và tăng tốc, bứt phá phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Yêu cầu Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định là thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh thực hiện thêm 3 đột phá phù hợp với điều kiện địa phương.

Đó là tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và lập nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội vào thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, nhất là đầu tư vào hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, chống biến đổi khí hậu..

Thủ tướng lưu ý Lâm Đồng cần phát huy nguồn lực về con người, giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc. Tỉnh phát triển kinh tế-xã hội lấy con người là trung tâm, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các dân tộc, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đồng thời cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo đột phá vào những động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển con người; đẩy mạnh kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế; hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, kết nối thị trường; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Trên cơ sở định hướng nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh để hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2024.

Lâm Đồng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả Quy hoạch Tỉnh, nhất là phát triển 3 tiểu vùng động lực, 5 hành lang kinh tế..., tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển.

Tỉnh phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, nhất là FDI, hình thức đối tác công-tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường…

Thủ tướng chỉ đạo Lâm Đồng cơ cấu lại, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon.

Đồng thời cần phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu như chè, cà phê, hoa, trái cây, alumin và sản phẩm nhôm…; phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch như sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử, khám phá…

Lâm Đồng phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, đón nhận cơ hội và không bị bỏ lại phía sau; thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ rõ tỉnh Lâm Đồng phải đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tỉnh thành địa bàn chiến lược, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng lưu ý tỉnh chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng coi trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng tin tưởng với sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, Lâm Đồng sẽ thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ Lâm Đồng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã đi phải đến, đã bàn phải thông; đã ra quân phải chiến thắng.”

Đối với đề xuất, kiến nghị của Lâm Đồng, Thủ tướng cơ bản nhất trí xem xét, giải quyết; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan phối hợp với Lâm Đồng và các địa phương liên quan rà soát, nghiên cứu, giải quyết kịp thời trên tinh thần giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển, báo cáo Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Quan tâm gia đình chính sách, người nghèo

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chứng kiến các tổ chức, doanh nghiệp trao 41 tỷ đồng ủng hộ Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát" tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, doanh nghiệp, thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc và chính sách an sinh xã hội của đất nước, “lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường, phát triển hài hòa lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”

Thủ tướng cho biết ngày 13/4/2024, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát,” phấn đấu đến cuối năm 2025 - năm Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh, cả nước không còn nhà tạm, dột nát. Ngay sau khi phát động, phong trào đã được hưởng ứng mạnh mẽ.

Nhắc lại phương châm “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp,” Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ nhà tạm, dột nát để có phương án hỗ trợ. Các địa phương phải bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và nhân dân chung tay xóa nhà tạm, dột nát cho những hộ khó khăn về nhà ở.

Kể từ khi phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát,” tỉnh Lâm Đồng nhận được ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp 22 tỷ đồng (chưa kể số tiền trao ngày 25/8). Qua rà soát, ở tỉnh có 1.970 hộ nghèo, kinh phí cần thiết để thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát khoảng 107 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng cùng ngày, nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8 thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024), Thủ tướng cùng Đoàn công tác đã thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thung (phường 9, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), 88 tuổi, có chồng và 1 người con là liệt sỹ.

Thăm hỏi sức khỏe, đời sống của Mẹ và gia đình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những đóng góp, hy sinh và công lao to lớn mà các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, trong đó có gia đình Mẹ Trần Thị Thung.

Thủ tướng mong mẹ Trần Thị Thung giữ gìn sức khỏe, tiếp tục giáo dục con cháu, động viên người dân địa phương phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng và đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc để họ có cuộc sống tốt hơn, ít nhất là bằng so với người dân nơi cư trú./.

Có thể bạn quan tâm