Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp BCĐ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 8-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có 86 dự án thành phần thuộc các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải.

Phiên họp lần thứ 11 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ảnh: Dương Giang (TTXVN)

Phiên họp lần thứ 11 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ảnh: Dương Giang (TTXVN)

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, thành viên Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu xây lắp.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá từ phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo đến nay, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; khai thác mỏ vật liệu xây dựng, thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; tình hình thi công tại các công trường…

Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản phẩm cụ thể. Trong đó, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài gần 80 km đã được khánh thành, cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt đã thông xe đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.000 km, đồng thời cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 60 km đã được khởi công.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, sân bay Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường vành đai 3 TPHCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô được đẩy nhanh tiến độ, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.

Đặc biệt, đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công phần bê tông cốt thép bảo đảm tiến độ yêu cầu và phấn đấu đến tháng 9/2024 chuyển sang lắp dựng kết cấu thép mái; các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành và địa phương sau cuộc họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; các chủ đầu tư, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân, người lao động tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Nhắc lại mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, thời gian còn lại chỉ còn 07 tháng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, giám sát, kiểm tra, bám sát công trường, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai các nhiệm vụ để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ-mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh thi công các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc EVN để đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế.

Thủ tướng nhấn mạnh, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt, làm nhanh khâu giải phóng mặt bằng vì đây là khâu quyết định đến tiến độ của dự án, tỉnh nào chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời công trình kỹ thuật cho các dự án cao tốc, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội thì phải quyết liệt làm xong trong quý II này, vướng mắc nào vượt thẩm quyền thì nhanh chóng đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch UBND một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay trong tuần này để xử lý dứt điểm các vướng mắc, thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu trong tháng 5.

Về thủ tục các dự án, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 45 tỉnh, thành phố có dự án đi qua rà soát lại thủ tục, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan phối hợp với địa phương giải quyết các vướng mắc, nhất là cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương, cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng…

Bản đồ tổng thể dự kiến hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: H.G/TNO

Bản đồ tổng thể dự kiến hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: H.G/TNO

Về các vấn đề, công việc liên quan đến người dân, Thủ tướng yêu cầu phải quan tâm thực sự, vì mục tiêu của Đảng, Nhà nước là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người dân; do đó các chủ thể liên quan phải làm với tinh thần "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải lập ngay tổ công tác xuống làm việc với các địa phương khi có các vướng mắc để giải quyết ngay. Các bộ, ngành liên quan cũng cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thủ tục liên quan vốn vay nước ngoài.

Thủ tướng đề nghị các nhà thầu "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện", thi công các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ-mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường. Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải bảo đảm an toàn trong thi công, an toàn tính mạng cho người lao động trên công trường cũng như nhân dân chung quanh các dự án.

Với tinh thần "bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần tích cực, chủ động, vào cuộc kịp thời; các nhà thầu, tư vấn, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công phát huy tinh thần vì nước, vì dân; Nhân dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc để ít nhất là đảm bảo tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ các dự án từ 3 đến 6 tháng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu tổ chức các phong trào thi đua, có các công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024); 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1974-30/4/2025); 90 năm Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2025)…

Nhân dịp này, nhằm thúc đẩy tiến độ thi công đường dây 500 kV mạch 3 đúng kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang tuyến để chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn; khẩn trương phải di dời tái định cư và thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo an toàn hành lang tuyến để đóng điện công trình trong tháng 6-2024.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.