Thôn đội trưởng “hai giỏi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là Thôn đội trưởng dân quân nhiệt tình, bằng sự am hiểu cùng kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, anh Ksor Chương (SN 1996, làng Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) còn rất thành thạo trong chỉnh sửa, dựng video. Công việc mới mẻ này đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.

Anh Chương chia sẻ: Năm 2019, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai), do không tìm được việc làm phù hợp nên hai vợ chồng anh phải vào các tỉnh miền Nam làm công nhân. Với niềm đam mê, yêu thích quay phim, biên tập, chỉnh sửa video nên ngoài thời gian làm việc tại công ty, anh còn tích cực học hỏi trên mạng internet.

Vừa làm vừa học, khi tích lũy được ít vốn, anh quyết định mua các thiết bị máy tính có cấu hình cao, phần mềm dựng video chuyên dụng kết hợp tham gia các khóa học chỉnh sửa, biên tập video online để theo đuổi niềm đam mê của mình. Nhờ đó, kiến thức và kỹ năng của anh ngày càng được nâng lên.

Anh Ksor Chương. Ảnh: R.P

Anh Ksor Chương. Ảnh: R.P

Theo anh Chương, biên tập video là quá trình chỉnh sửa để tạo ra một sản phẩm mới hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, bao gồm các công đoạn như: cắt ghép các đoạn video, thêm hiệu ứng âm thanh, chỉnh sửa màu sắc, hiệu ứng đặc biệt… Biên tập, chỉnh sửa video là công việc mới và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi người làm phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, cập nhật các xu hướng mới về công nghệ. Từ đó, bản thân mới có thể xây dựng thương hiệu và thu hút nhiều khách hàng.

“Dự án đầu tiên mình nhận là của khách hàng nước ngoài. Họ gửi cho mình một video thô về nội dung tham quan du lịch với thời lượng dài hơn 1 giờ. Để hoàn thành công việc, mình sử dụng phần mềm chỉnh sửa video chuyên dụng, sau đó sáng tạo nội dung âm thanh và đồ họa thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Với sản phẩm này, khách hàng trả cho mình hơn 2 triệu đồng. Hiện nay, mình thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng từ công việc này”-anh Chương chia sẻ.

Không chỉ đam mê công nghệ thông tin, với vai trò là Thôn đội trưởng dân quân, anh Chương thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự cho đoàn viên, thanh niên; theo dõi, rà soát, nắm chắc số lượng thanh niên tại địa phương để tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, tham gia dân quân tự vệ theo quy định. Nhờ vậy, nhận thức của đoàn viên, thanh niên về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng chuyển biến tích cực. Công tác gọi công dân nhập ngũ của địa phương thuận lợi và luôn hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao. Riêng đợt giao quân năm 2023, thôn có 4 thanh niên tham gia nhập ngũ.

Anh Ksor Chương bên bàn làm việc của mình. Ảnh: R'Ô HOK

Anh Ksor Chương bên bàn làm việc của mình. Ảnh: R'Ô HOK

Anh Chương cho hay: Trước đây, trên địa bàn thường xảy ra tình trạng thanh-thiếu niên điều khiển xe máy không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông; chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, nẹt pô. Để ngăn chặn tình trạng này, anh phối hợp công an viên, người có uy tín đến tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ được kéo giảm so với trước.

Ông Lê Văn Cương-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Mua-cho biết: “Anh Ksor Chương là cán bộ, đảng viên có năng lực và trách nhiệm cao trong công việc. Anh luôn tham mưu giúp Chi bộ triển khai tốt các mặt công tác. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn ổn định”. Còn bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn thì đánh giá: “Anh Ksor Chương là cán bộ người dân tộc thiểu số có kiến thức về công nghệ thông tin. Với vai trò là Thôn đội trưởng dân quân, anh Chương thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nhất là việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo trật tự an ninh tại cơ sở. Việc làm của anh Chương được chúng tôi đánh giá cao”.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.