Nghị lực của Liễu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lớn lên trên đôi nạng gỗ do sốt bại liệt từ nhỏ, chị Lê Thị Bích Liễu (SN 1986, thôn 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) khiến nhiều người khâm phục khi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn với tấm bằng loại giỏi. Nhiều năm không gặp, đồng môn Khoa Ngữ văn khiến tôi bất ngờ hơn khi chị không chỉ giữ vững tinh thần nỗ lực học tập mà còn rất thành công trong kinh doanh.

Vượt lên chính mình

Hơn 10 năm trước, khi ra trường với tấm bằng loại giỏi, chị Lê Thị Bích Liễu được một đơn vị kinh doanh ở Pleiku nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm khá tốt. Chị làm việc tại một nhà xuất bản, sau đó chuyển sang phòng kinh doanh phụ trách nhà sách của doanh nghiệp này. Sau 6 năm gắn bó, chị lập gia đình rồi nghỉ việc. Chị Liễu chia sẻ: “Sự khởi đầu này có ý nghĩa rất lớn với tôi. Việc doanh nghiệp sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc khiến tôi tự tin về bản thân mình hơn. 6 năm làm việc ở đây giúp tôi có được một số kinh nghiệm trước khi ra kinh doanh riêng”.

Chị Lê Thị Bích Liễu bên cửa hàng Baby Love của mình. Ảnh: M.C

Chị Lê Thị Bích Liễu bên cửa hàng Baby Love của mình. Ảnh: M.C

Năm 2014, chị Liễu khởi sự kinh doanh với mặt hàng gối ôm dành cho bà bầu, bán chủ yếu trên trang web. Gầy dựng và có một lượng khách hàng tương đối ổn định thì năm 2018 xảy ra sự cố: Trang web bị hack và chị mất quyền kiểm soát “cửa hàng online”. “Mất trang web giống như mất đi cửa hàng kinh doanh vậy. Nhưng may mắn là tôi có sẵn 1 “tệp” khách hàng là các mẹ trong độ tuổi sinh đẻ. Tôi bàn với chồng mở cửa hàng bán các mặt hàng dành cho bà bầu, sản phẩm chăm sóc mẹ và bé. Chồng chở tôi đi hết các khu chợ ở TP. Hồ Chí Minh để lấy hàng. Nhưng hồi đó chưa có con, tôi không có nhiều kinh nghiệm. Một tiểu thương ở khu chợ bỏ sỉ thấy tôi chống nạng, di chuyển khó khăn nên động lòng trắc ẩn. Chị chỉ vẽ tôi việc nên hay không nên lấy mặt hàng nào, cùng kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh mặt hàng dành cho mẹ và bé. Đó chính là quý nhân trên con đường khởi sự kinh doanh của tôi”-chị Liễu kể.

Để tiết kiệm chi phí vận hàng của shop Baby Love (327 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku), vợ chồng chị Liễu xoay xở mọi việc. Mỗi khi chồng đi ship hàng, khách hàng chính là người giúp chị lấy những mặt hàng nặng, để ở trên cao như nôi, cũi cho em bé. Chị chia sẻ: Nhiều khách hàng chẳng nề hà gì, họ giúp rất nhiệt tình. Tôi nhớ có lần, khi có khách tới mua hàng thì gặp mưa to. Trong chốc lát, cửa hàng tôi nước trên máng xối xuống hàng hóa lênh láng. Tôi loay hoay không biết phải làm sao thì người chồng xắn tay áo lấy áo mưa, bạt che đồ đạc giúp. Bây giờ, vợ chồng anh chị ấy đã sinh bé thứ 2 và trở thành khách hàng thân thiết của Baby Love.

Biết ơn những gì dù là nhỏ nhất, chị Liễu cũng trả ơn đời bằng nhiều cách. Suốt 9 năm bán hàng cho mẹ và bé, chị gặp không ít người mẹ sắp đến ngày sinh vẫn chưa đủ tiền mua những thứ thiết yếu. Đối với những trường hợp như vậy, chị chỉ lấy giá vốn, thậm chí tặng thêm một số đồ dùng.

Sau 7 năm thuê nhà mở cửa hàng, tháng 2-2021, chị Liễu chính thức đứng tên sở hữu căn nhà; đồng thời, xây mới lại khang trang hơn để tiện kinh doanh. Chị còn thuê thêm 2 nhân viên phụ giúp công việc. Ngoài ra, cửa hàng còn có thêm “bác xe ôm” Nguyễn Đình Tân (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) gắn bó suốt 6 năm qua. Ông Tân cho biết, thời điểm dịch bệnh, có ngày ông ship 30-40 đơn hàng khắp thành phố. Ông nói vui, nếu ông là khách hàng cũng sẽ lựa chọn tới đây vì giá cả hợp lý và được tư vấn tận tình. “Chị Liễu là một phụ nữ rất ý chí, nghị lực. Chỉ có thể nói, chị rất chăm chút, cẩn thận trong công việc dù sức khỏe không được như mọi người”-ông Tân bày tỏ.

Không ngừng học tập

Câu chuyện của chúng tôi phải tạm dừng không ít lần để chị Liễu tư vấn cho khách. Cách nói chuyện duyên dáng cùng kiến thức chuyên sâu mà chị không ngừng học hỏi trong nhiều năm khiến khách hàng cảm thấy tin tưởng. Chị đã học 4 khóa về dinh dưỡng nhi khoa, căn bản, nâng cao, thai sản… Chưa kể các khóa học chuyên sâu về sản phẩm của các nhãn hàng, tự học riêng qua các kênh trực tuyến. “Tôi học nhiều lắm, và càng học càng yêu thích. Mọi kiến thức đều hữu ích, dù phục vụ bán hàng hay chỉ cho chính bản thân mình. Hơn nữa, các sản phẩm phong phú, ra mới liên tục, bắt mình không ngừng tìm hiểu, học tập. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng, dùng kiến thức cô đọng nói cái họ muốn và cần nghe”-chị Liễu tâm sự.

Chị Lê Thị Bích Liễu (bìa phải) tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Minh Châu

Chị Lê Thị Bích Liễu (bìa phải) tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Minh Châu

Chị Liễu cũng thường xuyên thực hiện những buổi livestream, làm video cung cấp kiến thức căn bản cho mẹ bầu, mẹ sau sinh. Các bài viết của chị trên các nền tảng số chú trọng sự cô đọng, súc tích. “Nhiều mẹ sau sinh không chỉ mua hàng mà còn nhắn tin, gọi điện tâm sự về sự mệt mỏi, stress cùng những vấn đề gặp phải sau sinh. Chỉ cần mình lắng nghe thôi cũng khiến các mẹ cảm thấy được an ủi. Tôi cũng chia sẻ thêm câu chuyện của bản thân với các mẹ. Tôi có 2 đứa con, nhưng chưa bao giờ có thể ẵm con trên đôi tay, đi lại ru con như một người mẹ bình thường. Tôi cũng từng rất buồn vì điều đó. Nhưng mình có thể chăm con theo cách phù hợp hơn, miễn sao tìm thấy được hạnh phúc cùng với sự yêu thương trong việc chăm con, làm mẹ. Câu chuyện của tôi cũng giúp ích cho nhiều bà mẹ, họ thấy đồng cảm và đã vượt qua giai đoạn nhạy cảm, khó khăn sau sinh”-chị Liễu chia sẻ.

Từng là người phụ nữ nhút nhát, thiếu tự tin, chị Liễu luyện tập nụ cười, vui vẻ, lạc quan để mọi người không có cảm giác thương hại. Được làm công việc mình thích, tư vấn giúp các mẹ bầu, nụ cười tự nhiên đã đến với chị. “Tôi bán hàng rất vui, không phải vì đạt doanh thu cao, mà được thấy những nụ cười của khách hàng khi quay trở lại. Các công ty, nhãn hàng thường mời đi nói chuyện, chia sẻ tại các hội nghị khách hàng, tôi vẫn mặc cảm vì sợ hình ảnh của mình ảnh hưởng tới sự kiện của họ. Nhưng khi tôi mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, những kiến thức tích lũy được, mọi người lắng nghe rất chăm chú. Tôi tin rằng, phụ nữ đủ kiến thức, đủ tự tin thì sẽ bước qua mọi rào cản, truyền được năng lượng sống tích cực đến mọi người. Tôi làm được, mọi người chắc cũng làm được”-chị Liễu đúc kết.

Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

“Nhiều người hỏi nay làm gì, mình nói ở nhà bán bánh kem online. Ngay lập tức, nhiều người quen và bạn bè ngạc nhiên: “Học cho đã rồi đi bán bánh”. Họ đâu biết rằng nghề bánh cho mình thu nhập gấp 10 lần thời còn làm ở góc văn phòng”, chị Hoài Thương nói.