Kinh doanh cá Koi nhiều tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kinh doanh cá Koi là ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng đầy rủi ro, được cảnh báo là không phù hợp với những startup muốn đi lên từ đôi bàn tay trắng

Theo những "tên tuổi" lớn trong ngành cá Koi Việt Nam, cần phải có đủ 3 yếu tố là đam mê, điều kiện kinh tế, kiến thức chuyên môn thì mới có thể trụ lại và phát triển trong ngành này. Trong đó, đam mê là yếu tố quyết định bởi so với nhiều loại cá cảnh khác, loài cá được mệnh danh là "quốc ngư của Nhật Bản" này khó chăm sóc hơn rất nhiều.

"Học phí" đắt đỏ

Một trong những người tiên phong trong ngành kinh doanh cá Koi tại Việt Nam là anh Lê Hữu Thanh (SN 1986, ngụ TP HCM). Chủ trại cá Koi Kingdom tại TP Thủ Đức, TP HCM này chính là con trai của "vua cá Koi" Lê Hữu Dũng.

Năm 1998, anh Thanh lần đầu tiên mua được con cá Koi Tancho trị giá 25 triệu đồng. "Lúc đó, tại Việt Nam chưa có thức ăn chuyên dụng cho cá Koi. Tôi phải nhịn ăn để mua tôm, nghêu cho cá ăn. Năm 2006, tôi ra Hà Nội học đại học ngành thủy sản. Thời gian này, tôi gửi thư điện tử đến nhiều trại cá Koi ở Nhật để hỏi mua cá nhưng đều bị từ chối vì họ "không quan tâm" thị trường Việt Nam" - anh nhớ lại.

Vợ chồng anh Lê Hữu Thanh đang kinh doanh trại cá Koi Kingdom tại TP Thủ Đức, TP HCM

Vợ chồng anh Lê Hữu Thanh đang kinh doanh trại cá Koi Kingdom tại TP Thủ Đức, TP HCM

Với quyết tâm theo đuổi ngành cá Koi, anh Thanh sang Thái Lan tìm mua và nhập về lô cá đầu tiên 16 con, trị giá 38.000 USD. Mua được cá rồi, làm sao chăm sóc và nhân giống thành công lại là cả quá trình.

"Tôi mất khoảng 3 năm để học kinh nghiệm chăm sóc cá bột để cá không chết hàng loạt. Ngay cả cá mới nhập về, nếu không cẩn thận là thiệt hại tiền tỉ ngay. Bản thân tôi cũng từng bị sự cố khiến toàn bộ 3 lô cá Koi nhập từ Singapore về chết sạch, tổn thất khoảng 500.000 USD" - anh Thanh tiếc rẻ.

Sau nhiều năm miệt mài với kiến thức chuyên môn kết hợp kinh nghiệm từ những lần thất bại lẫn học hỏi từ các đối tác nước ngoài, anh Thanh đã gặt hái thành công. Koi Kingdom đang là đại lý độc quyền của một số trại cá Koi thuần Nhật Bản. Vợ chồng anh Thanh hiện sở hữu 2 trại nuôi diện tích lớn (1.500 m2 và 1 ha) tại TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, TP HCM. Koi Kingdom còn là nhà cung cấp thức ăn, thuốc cho cá; thi công, thiết kế hệ thống nuôi cá Koi và thủy cung…

"Hiện nay, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc khởi nghiệp và thoát nghèo từ kinh doanh cá Koi. Tuy nhiên, đây là loài cá cảnh đẳng cấp, giá nhập cao và rủi ro nhiều nên người kinh doanh bắt buộc phải có số vốn ban đầu nhất định. Nói cách khác, đây không phải là lĩnh vực phù hợp để thoát nghèo" - anh Thanh thẳng thắn.

Sơ sẩy là mất trắng

Theo giới kinh doanh cá Koi, giá trị của loài cá này chủ yếu đến từ yếu tố "phong thủy" và ý nghĩa "cá chép hóa rồng". Ngoài ra, loài cá cảnh này cũng thể hiện "đẳng cấp" của người chơi vì dám chi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu 1 con cá đẹp.

Chủ một doanh nghiệp cá Koi tại TP HCM tiết lộ: "Kinh doanh cá Koi là ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng đầy rủi ro. Nuôi cá Koi tương tự việc giữ bom nổ chậm trong nhà. Lý do là loài cá này khi nuôi ở Việt Nam rất dễ chết, đôi khi chết không rõ nguyên nhân, chỉ cần sơ sẩy là có thể mất trắng cả hồ cá trị giá hàng tỉ đồng".

Để có thêm sân chơi cho những người nuôi và kinh doanh cá Koi, cuối năm 2022, CLB Cá Koi TP HCM ra đời. CLB này quy tụ các cơ sở kinh doanh cá Koi hàng đầu, lâu đời nhất tại TP HCM cũng như cả nước.

Ông Nguyễn Anh Việt, Phó Chủ tịch CLB Cá Koi TP HCM, cho biết tiềm năng thị trường ngày càng lớn mạnh và mở rộng qua số lượng cá Koi nhập trực tiếp từ Nhật Bản tăng đều hằng năm. Phía Nhật Bản cũng nhận thấy được tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam nên tháng 11-2022 đã mời đại diện Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh về cá Koi - sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-11-2023 tại TP Niigata. Hội nghị này có sự tham gia của các nhà kinh doanh cá Koi thế giới và tham tán đại sứ quán các nước nhằm định hướng phát triển ngành kinh doanh cá Koi.

Theo ông Việt, dù đã phát triển rất mạnh so với khoảng 20 năm trước nhưng ngành kinh doanh cá Koi tại Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất ra những con cá đạt tiêu chuẩn Nhật. Cá Koi vốn có nguồn gốc từ Nhật. Điều kiện tự nhiên tại nước này mới có thể giúp cá Koi phát triển một cách tốt nhất và đạt chuẩn nhất.

"Đến nay, các cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chỉ có thể nhập cá Koi Nhật về bán lại, chưa thể tạo ra giống cá Koi đạt chuẩn" - ông Việt khẳng định. Hiện nay, gần 10 đơn vị được cấp quyền nhập khẩu trực tiếp cá Koi từ các trại nuôi ở Nhật, chuyên nhập cá về bán lại trong nước hoặc bán cho một số trại ở Lào, Myanmar, Campuchia…

Giá tiền tỉ

Tại thị trường Việt Nam, có những con cá Koi được "hét" giá hàng tỉ đồng. Lý giải điều này, ông Nguyễn Anh Việt cho biết cá Koi "cực phẩm" không có giá nhất định mà sẽ theo thỏa thuận giữa người bán với người mua".

Có những trường hợp người bán và người mua bắt tay nâng giá khống lên để đánh bóng thương hiệu, nhưng điều này hiếm xảy ra. Thông thường, tùy theo kích cỡ, phẩm chất cá và thương hiệu của các trại nuôi ở Nhật mà người kinh doanh ước lượng và định giá cá Koi" - ông Việt giải thích.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.