Thoảng thơm hương vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những mùi hương chỉ cần nhắc đến là bao kỷ niệm ăm ắp đã theo nhau gọi về. Có những mùi hương dù đã từ rất lâu vẫn giăng mắc, níu chân ta, chỉ cần trở về là vấn vít, ấp ôm chẳng nỡ buông lơi. Tôi gọi đó là hương vườn nhà, mùi hương đậm sâu trong tâm hồn, chẳng dễ phôi phai.

Có lẽ chỉ những ai sinh ra từ làng, gắn bó với làng, với đồng quê, rơm rạ, với những ngôi nhà mái ngói rêu phong, mảnh vườn xanh hoa trái… mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của hai chữ “quê nhà”! Và những người con xa quê trở về giữa yêu thương, bình dị nơi vườn nhà, bao giờ cũng xuyến xang, bổi hổi, rưng rưng trước làn hương bốn mùa ấp ủ trong cỏ cây, hoa trái. Những mùi hương trong trẻo nơi vườn nhà như gột rửa, tắm táp cho lòng người, vì thế càng trở nên thanh khiết.

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Thoảng thơm hương vườn là hương trái rộ mùa mà bất kỳ ai nghĩ tới cũng chộn rộn, cũng rạo rực diết da nỗi nhớ. Này là hương chuối tự nhiên, hương mít thơm lừng. Này hương hồng bì hăng hắc, hương nhãn thơm ngọt. Này thì hương khế dìu dịu, hương dứa thanh tao… Những mùi hương đặc trưng nơi vườn nhà càng kể càng nhớ, càng lưu giữ lại càng thêm yêu những dọc dài tuổi thơ diệu vợi một thời.

Thoảng thơm hương vườn là những sắc hoa với mùi hương riêng biệt. Có mùi hương thanh nhã, có mùi hương cá tính nhưng chung quy lại, thế giới hương hoa nơi vườn nhà đều hấp dẫn, quyến rũ. Bên hiên nhà sớm mai, đóa hướng dương ngậm nắng căng tròn, thơm dịu; bông huệ, bông nhài ngào ngạt, ngát hương khi đêm về. Phía góc vườn, những chùm hoa na, hoa nhãn tỏa hương ngòn ngọt. Rồi giàn sử quân tử đương độ rực rỡ nồng nàn phía góc sân. Luống mười giờ đủ màu dọc theo con ngõ, chậu mào gà đỏ rực, khóm hoa lưỡi hổ trước hiên nhà… cũng rủ nhau khoe sắc đưa hương. Mỗi mùi hương là một kỷ niệm gắn với những điều bình dị mà thiêng liêng bên gia đình.

Thoảng thơm hương vườn là những tảo tần của mẹ, là công vun xới của cha để cây trái, lá hoa được chín thơm, tươi tốt. Hương vườn có trong từng thớ đất tơi xốp, mỡ màu ngai ngái mỗi lần cha mẹ vun trồng. Hương vườn đựng trong từng chiếc rổ tre mẹ sai chị em tôi đem biếu xóm giềng, gọi là thức quà thơm thảo từ “cây nhà lá vườn”. Hương vườn phảng phất trong nồi canh mướp mẹ nấu, trong đĩa rau lang chị luộc, trong rổ rau sống tập tàng: húng quế, tía tô, dấp cá, giá đỗ, dưa leo… Hương vườn thoảng thơm một thời mẹ gánh gồng xuôi ngược để chị em tôi được ăn học nên người.

Thoảng thơm hương vườn như “hữu xạ tự nhiên hương” đã bao lần gọi mời lũ chim sâu, chim sẻ rủ nhau về làm tổ, bầy ong về góp mật. Một ngày, mẹ gọi điện vào báo tin vui: “Vườn nhà tự nhiên có đàn ong mật ở đâu bay về làm tổ”. Cha mua bọng về cho lũ ong vào an trú, che chắn cẩn thận và đặt ngay ở góc vườn. Thấm thoát, chẳng mấy chốc mà ong cho mật. Từ một bọng ong, sau gần hai năm, cha đã nhân ra thành bảy bọng… Mật ong quay được mỗi tháng, phần mẹ dâng cúng ông bà, phần đem biếu họ hàng, phần đem bán, và cũng để dành uống tăng cường sức khỏe.

Hương vườn, đâu đâu cũng ngập tràn tình yêu thương của mẹ, nơi những bữa cơm nhà thêm tròn vị với những món ăn từ rau quả sạch, nơi cháu con tề tựu sum họp, lưu giữ những khoảng trời yêu thương với lòng biết ơn sâu sắc. Thật rất đúng khi ai đó đã nói rằng, vườn nhà chính là sự hòa quyện đầy ắp của những hương thơm tháng ngày, của bốn mùa ẩn giấu trong từng nhành cây, vòm lá.

Hương vườn là kết tinh của những mùi hương ngọt ngào nhất từ đồng quê, vườn nhà chắt chiu, chưng cất mà thành. Đó không chỉ là hương của đất trời mà còn là hương của cội nguồn, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Bởi thế, hương vườn dù có khi chỉ thoảng thơm, xa ngái vẫn đủ sức giăng mắc, níu giữ trong mỗi bước chân người ở, người đi!

 

LÊ THỊ XUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.