(GLO)- Rút tiền mặt từ máy ATM để đi mua hàng hoặc mua hàng bằng tiền mặt sẵn có luôn là thói quen của đa phần người dân, mặc dù việc quẹt thẻ thanh toán tiền hàng không còn mấy xa lạ...
Sử dụng thẻ ATM gần chục năm, nhưng chị Mỹ Duyên (một công chức đang công tác tại Pleiku) mới dùng thẻ thanh toán chừng vài lần khi mua hàng và sử dụng dịch vụ. Theo chị, mỗi lần nhận lương đều rút tiền ra để sử dụng cho tiện. Mỗi tháng trên 4 triệu đồng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt như mua nhu yếu phẩm hàng ngày ở chợ, mà ở chợ thì chẳng có máy quẹt thẻ tính tiền. May ra lúc nào đi siêu thị chị mới tự cho mình cái quyền thong thả mua sắm chút xíu, lúc đó mới có cơ hội dùng thẻ để thanh toán. “Phần cũng vì thấy phiền, nhất là dịp mua sắm cao điểm như lễ, Tết, khách hàng rồng rắn xếp hàng mà phải chờ đợi mình ký tá hóa đơn, nhiều khi máy trục trặc nữa, ngại lắm. Nghe đâu có ngân hàng còn thu phí khi khách hàng quẹt thẻ”-chị nói.
Hay như anh Hoàng Hiếu (ở phường Hoa Lư, TP. Pleiku) làm thợ điện cũng chẳng mấy khi dùng thẻ ATM để thanh toán khi mua hàng, mặc dù trong tài khoản thẻ lúc nào cũng còn số dư. Anh cho biết: Nạp thẻ chủ yếu để chuyển khoản và giữ tiền, cần thì rút ra tiêu. Nhiều lúc mua vật tư điện làm cho khách, các món nhỏ lẻ không tiện quẹt thẻ, đưa tiền mặt cho nhanh. Hôm cận Tết vừa rồi có đưa vợ đi mua quần áo ở một cửa hàng lớn trên đường Hùng Vương, khi tính tiền vợ anh đưa thẻ cho người bán, sau khi quẹt thẻ lên máy và nhập mã pin, người bán bảo đợi chút xíu, hai vợ chồng đợi chừng 10 phút, sau đó người bán thông báo máy hỏng không dùng được, thế là phải đến cây ATM rút tiền ra trả. Muốn sử dụng tiện ích ngân hàng nhưng rốt cuộc đâu phải lúc nào muốn là được.
Ở thành phố đã vậy, ở nông thôn đương nhiên còn hạn chế hơn. Nhiều người có thẻ ATM nhưng cũng chưa dùng thẻ thanh toán bao giờ. Chị Thu (công tác tại huyện Chư Sê) cho biết: Ngay cả nhiều giáo viên như chị khi được hỏi về tiện ích của thẻ ATM cũng chỉ biết đơn giản là dùng thẻ để thao tác rút tiền hoặc chuyển khoản, chứ còn quẹt thẻ thanh toán tiền mua hàng còn quá... mới!
Khảo sát nhiều nơi mua bán lớn như cửa hàng điện máy, shop thời trang lớn, nhà hàng, khách sạn... cũng không mấy mặn mà việc này. Vừa không có máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ, vừa chưa tạo được thói quen sử dụng dịch vụ, đã lý giải vì sao việc thanh toán không dùng tiền mặt qua hình thức quẹt thẻ chưa được phổ biến trong dân cư.
Hiện nay, hoạt động hiệu quả chỉ có điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ ATM ở một số siêu thị. Chị Diệu Trinh-phụ trách Marketing Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Trong năm 2014, doanh số khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng tăng trên 30%, hiện chiếm khoảng 8% doanh số bán hàng của toàn siêu thị. Lượng khách hàng sử dụng tăng là do việc phát hành các chương trình thẻ đồng thương hiệu Co.op Mart-Vietcombank, Co.op Mart-BIDV, Co.op Mart-Đông Á với nhiều chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng sử dụng thẻ này.
Khi thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận lợi cho mua bán, kiểm soát lượng tiền lưu thông, góp phần kiểm soát thu nhập, huy động được một khoản tiền nhàn rỗi trong dân cư, giảm lưu thông tiền mặt trên thị trường, hạn chế tiền giả, hạn chế rủi ro cho khách hàng... Đây là bước đi cần thiết trong tiến trình hội nhập. |
Đi đôi với sự phát triển các dịch vụ ngân hàng, công tác thanh toán không dùng tiền mặt từng bước được đẩy mạnh, nhiều phương tiện thanh toán được ra đời như chi trả lương qua tài khoản, mạng lưới chấp nhận thanh toán ngày càng mở rộng thông qua POS, EDC, quen gọi là máy quẹt thẻ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, thời gian qua công tác thanh toán đảm bảo thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng. Hiện trên địa bàn đã có 1.488 đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản (tăng 161 đơn vị so với cuối năm 2013) với 45.377 thẻ (tăng 5.121 thẻ). Toàn tỉnh hiện có 154 máy ATM, 635 POS.
Mặc dù số lượng tài khoản thẻ tăng đáng kể hàng năm, song sử dụng nó để giảm thiểu khối lượng tiền trong lưu thông lại chưa tương xứng. Trên thực tế, phải đến 90% số người sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt sử dụng chi tiêu. Tiện ích chuyển khoản mới chỉ được thực hiện trong cùng hệ thống của từng ngân hàng. Các dịch vụ thanh toán qua thẻ như: trả tiền điện, nước, truyền hình cáp, điện thoại, nộp thuế… ít được sử dụng.
Thảo Nguyên