(GLO)- Những năm gần đây, để giúp người dân sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu…, thị xã An Khê không ngừng chuyển đổi các loại cây trồng và xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ảnh: K.N.B |
Với vụ mùa 2014, toàn thị xã dự kiến gieo trồng trên 5 ngàn ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây mía trên 2.300 ha, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích, cây lương thực có hạt trên 1 ngàn ha, rau đậu các loại cũng trên 1 ngàn ha. Cây mía lâu nay đã khẳng định được vị thế của mình, là loại cây trồng chủ lực, có khả năng thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có giá trị kinh tế cao và ổn định... Để nâng cao năng suất mía, Phòng Kinh tế thị xã An Khê xây dựng dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình canh tác mía theo hướng hiệu quả và bền vững, góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng mía.
Theo đó, những giống mía chất lượng cao như ROC 27, VN84-4137, K88-65,… đã được nhân rộng và đưa vào trồng phổ biến. Các giống mía này thay thế những giống mía cũ năng suất thấp trong tương lai cả trên địa bàn thị xã An Khê và các vùng lân cận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
Cùng với đó, mô hình sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao cũng đang phát triển mạnh và được nhân rộng, tập trung tại các phường An Bình, An Tân, An Phú, Tây Sơn… khoảng vài chục ha. Trước đây, một số hộ dân trồng hoa thương phẩm quy mô nhỏ, mang tính manh mún và sử dụng những giống hoa bản địa nên chất lượng hoa kém, lợi nhuận không cao.
Nhờ được hỗ trợ sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao, trồng hoa theo phương pháp nuôi cấy mô nên hoa An Khê đã phong phú về chủng loại, cung cấp ra thị trường các loại hoa chất lượng cao như: cúc đại đóa, đồng tiền, li li, hồng, cẩm chướng… Từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ, qua các năm, các mô hình trồng hoa theo công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều giống tốt, thu hút nhiều hộ tham gia. Gia đình ông Phan Chứ-tổ 5, phường An Tân cho biết: Từ khi chuyển qua trồng hoa đến nay, kinh tế gia đình ổn định, hàng năm sau khi trừ chi phí, lãi cả trăm triệu đồng.
Ảnh minh họa của Lê Nam |
Ngoài ra, các mô hình trồng rau trong nhà lồng, cây ăn quả như mô hình trồng thanh long ruột đỏ (xã Cửu An), trồng nhãn, chôm chôm tại các xã Song An, Thành An, phường An Tân và mô hình đào ao nuôi cá, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế rất tốt. Ông Nguyễn Xuân Hái (tổ 5, phường An Bình) làm lúa nước, đào ao thả cá và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng.
Theo ông Mang Viên Tý-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình canh tác mía theo hướng hiệu quả và bền vững đã được Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành của tỉnh đánh giá đạt yêu cầu và đã triển khai tại xã Song An, Tú An, Xuân An, Thành An và Cửu An. Việc thay đổi phương thức canh tác, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập từ 20% đến 30% so với trước trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.
Lê Nam