Theo dấu ong đi tìm mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một loại mật ong rừng thơm ngon và mang lại giá trị kinh tế cao nhưng để tìm được nó phải trải qua muôn vàn nhọc nhằn lẫn nguy hiểm.
Đó là loài ong khoái sinh sống trong rừng già mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến cánh thợ săn ở bản Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động, Bắc Giang nhọc công đi tìm.  
“Người rừng” đi lấy lộc
Rừng nguyên sinh Khe Rỗ (huyện Sơn Động) có biết bao kỳ hoa dị thảo, trong đó mật ong khoái được xem là một trong những thứ lộc rừng mà người bản địa nào cũng mong tìm được. Bằng kinh nghiệm từng trải, sự miệt mài lao động, công việc lấy mật ong đã góp phần giúp đồng bào dân tộc nơi đây vơi bớt những khó khăn, đói nghèo.
 
Phát quang bụi rậm tìm tổ ong khoái.
Tuy vậy, với các thợ ong bản địa có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là chỉ lấy mật và không bắt ong chúa, ong thợ để chúng còn duy trì đàn làm tổ và sản xuất mật cho những mùa sau. Họ cũng luôn ý thức được rằng phải yêu rừng, gắn bó với rừng, góp sức bảo vệ, canh gác cho những cánh rừng già thêm bình yên.
Chúng tôi đến Khe Rỗ vào một ngày nắng bỏng rát mà theo giải thích của một người chuyên đi lấy mật ong rừng tên Nghĩa thì đó mới là thời tiết thích hợp nhất để tìm ong khoái. Bởi lẽ tổ ong thường được làm từ bột cây khô. Mùa nắng, ong cần nhiều nước để giữ ẩm cho tổ và làm mát ong con nên chúng thường làm tổ gần khe suối để lấy nước cho tiện.
Hiểu được đặc tính này, nên cứ tìm ong ở khu vực gần suối, khi ong xuống lấy nước thì theo dõi và tìm đến tổ của chúng. Mùa này cứ có nắng là người dân đi rừng, với cánh thợ ong thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà, có người còn ví các anh giờ thành "người rừng". 
Anh Nghĩa giải thích thêm: Đồng bào dân tộc trong vùng xưa nay chủ yếu sinh sống bằng nghề đi rừng lấy lộc, lớp trẻ thời nay thì có khác, một số được học hành hoặc lớn lên đi làm các khu công nghiệp nên cũng ít đi rừng hơn.
“Trong rừng xanh núi thẳm này chỉ cần thông thạo địa hình thì không lo gì đói. Lộc trời đất ban tặng cho con người nhiều lắm, trừ hàng cấm bị kiểm lâm quản lý gắt gao, đồng bào quanh năm vẫn bám rừng kiếm sống. Phụ nữ thì hái nấm, lấy măng, hái rau rừng, đàn ông khỏe chân đi được xa thì săn ong, bắt cua, cá, ốc, ếch hoặc lấy cây thuốc… Nếu chịu khó chí ít cũng kiếm đủ ăn”, người đàn ông 50 tuổi tâm sự.
Hiện xã An Lạc có hơn chục thợ săn ong chuyên nghiệp, riêng bản Nà Ó với 60 nóc nhà, chủ yếu dân tộc Tày, Nùng với 6 thợ ong.
Rừng Khe Rỗ mùa này có muôn loài hoa dại đang đua hương, khoe sắc. Đàn ong khoái cũng theo đó mà kéo nhau về xây tổ và luyện mật. Chúng tôi đi theo cánh thợ săn ong khoái vượt hết ghềnh cao đến đá thấp. Chiếc xe máy cà tàng đi rừng của anh Nghĩa chở tôi vượt đường rừng, thi thoảng gầm xe va vào đá khình khịch và nhẩy chồm lên phía trước, mùi xăng bốc lên khét lẹt.
Vòng vèo mãi cũng đến Vũng Tròn, để xe máy ngay lối mòn bên vệ đường và chúng tôi đi bộ men theo các lối mòn của khe suối. Nghe đâu để đi hết con suối này mất tới hai ngày trời, những lúc như thế thợ ong phải nấu cơm, bắc võng ngủ qua đêm trong rừng.
 
Từ vũng nước, anh Nghĩa đã phát hiện tổ ong khoái.
Vừa đi “người rừng” Cam Văn Nghĩa vừa tìm kiếm ong ở các khe nước. Nắng mỗi lúc một gay gắt hơn, đi được đoạn dài người ai cũng ướt sũng mồ hôi mà bước chân dân bản địa cứ thoăn thoắt trèo qua những tảng đá lớn bám rong rêu trơn tuột.
Với anh Nghĩa, chỉ cần nhìn thấy ong lấy nước là có thể tìm ra tổ của chúng. Dù vậy theo anh, công việc tìm ong cũng lắm may rủi, có hôm tìm được vài tổ thì việc kiếm bạc triệu không phải là khó nhưng cũng có khi đi mỏi chân chẳng được gì. Đó là chưa kể đàn ong rừng rất hung dữ, không may bị chúng đốt thì nguy, rồi có khi gặp rắn rết, mưa lũ bất ngờ, muỗi đốt, vắt rừng, gai đâm, té ngã là chuyện thường.
Qua bụi cây rậm rạp, những người săn ong chỉ cho tôi biết nơi cất giấu xoong nồi, thì ra đi đến đâu các anh cũng mang theo chúng, hễ đói là có thể bắc bếp thổi cơm ngay giữa rừng. Cũng có khi đi xa, không mang theo xoong nồi được thì chặt cây giang, cây nứa nấu cơm lam để qua cơn đói.
Tôi tỏ ra nể phục khả năng đi rừng của anh Nghĩa, còn anh lại dí dỏm nói: “Sung sướng gì đâu, mưa nắng người ta ở nhà nghỉ ngơi còn mình cứ lang thang như mèo hoang trong rừng. Cánh thợ săn ong chúng tôi vẫn kháo vui với nhau rằng: “Trên rừng con ong ở, dưới bản có mấy thằng dở đi tìm ong. Ngẫm chẳng sai, suốt ngày vào rừng ngó nghiêng, chui luồn như khỉ, lếch thếch chẳng giống ai”. Biết anh nói đùa vậy thôi bởi thực ra nghề săn ong tuy vất vả nhưng cũng mang lại nhiều thu nhập.  
Thợ ong điêu luyện
Anh Nghĩa bảo: Giống ong khoái không phải chỗ nào cũng xuống lấy nước mà kén chọn lắm, dọc suối Khe Rỗ chỉ có một số điểm ong thích lấy nước. Kiên nhẫn chờ hồi lâu, cuối cùng cũng thấy ong xuất hiện, đây mới chỉ là bước đầu, muốn tiếp cận tổ ong cần khá nhiều thời gian.
Đợi ong mải mê hút nước, anh Nghĩa dùng cành que nhỏ chấm một ít kem đánh răng vào gáy ong, sau khi ong về tổ phun nước xong, chỉ vài phút là quay lại, nhờ đó biết được chúng ở cách bao xa. Tổ ở gần ong bay cả đi lẫn về hết chừng 2 phút, còn xa hơn mất khoảng 5 phút (bán kính từ tổ đến chỗ lấy nước xa lắm cũng chỉ từ 3km đổ lại).
Khi đã no nước, ong bay theo vòng xoáy ốc lên cao quá ngọn cây rồi lộn đi, lộn lại mấy vòng mới chịu rơi xuống tổ, có con lấp vào bụi cây một lúc mới bay về nhằm đánh lạc hướng ai theo dõi chúng. Mắt thợ ong phải tinh và căng lên mà nhìn, có khi phải trèo lên cây mới tìm được hướng bay.
 
Thành quả sau một chuyến đi rừng.
Khi đã xác định được tổ ong trong một phạm vi tương đối thì cứ trực chỉ hướng đó mà tiếp cận đàn ong. Ong thường làm tổ trên ngọn cây, trong bụi rậm hoặc ghềnh đá. Thấy tổ ong trên một thân cây gù cao quá đầu người, anh Nghĩa chặt tổ kiến rồi châm lửa hun cho ong bén khói và bay toán loạn, đàn ong vỡ tổ bay ra đen kịt, kêu ù ù như tiếng sấm xa, một lúc lâu sẽ tự tan để lộ sáp và mật vàng ươm.
Ngắm tổ ong, anh Nghĩa ước nặng 5kg, rồi phân tích: Ong khoái to, có nọc độc và dữ dằn hơn ong nuôi, khi xâm phạm đến tổ của chúng mà lượng khói hun không đủ mạnh để xua chúng đi thì cả đàn sẽ nhao vào đốt đến kỳ cùng. Sau khi ong bay hết, thợ săn ong dùng dao gọt phấn ong để riêng nhằm tránh lẫn vào mật sẽ làm mật bị chua và hỏng, nhộng ong gói vào túi mang về ngâm rượu hoặc chế biến các món ăn, để nguyên cả bọng mật đem bán cho thương lái.
Anh Nghĩa tâm sự: Từ đầu mùa nắng đến nay, anh lấy được khoảng 1 tạ (cả mật lẫn sáp) với giá 250 nghìn đồng/kg như hiện nay thì quả thực đó là một khoản tiền không nhỏ với đồng bào dân tộc. Nghe nói mật ong khoái tốt hơn nhiều mật ong nuôi, tuy giá cao gấp đôi, có lúc gấp ba mật ong nuôi nhưng vẫn không đủ cung cấp. Chỉ cần thông báo có mật ong rừng là dân buôn từ Quảng Ninh, Hải Phòng đã chờ sẵn ở cửa rừng thu mua.
Nhờ nghề săn ong khoái, anh Nghĩa đã dành dụm được chút vốn liếng để dựng căn nhà mới và tính đến chuyện cưới vợ cho con trai lớn. Anh xởi lởi đem mấy miếng sáp ong đầy mật, vàng rực mời tôi thưởng thức thành quả của một chặng đường dài, chưa hiểu bổ béo đến đâu nhưng thực sự độ sánh quyện và thơm ngon thì quả thật hơn hẳn mật ong nuôi.
Phạm Thị Ngoan (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.