Thầy giáo làm lúa rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa tháng 5-1978, Tây Nguyên chính thức bước vào mùa mưa. Huyện Ia Grai cũng đã có mấy trận mưa lớn. Đất bắt đầu ẩm. Thời tiết thuận lợi, đồng bào Jrai ở các làng trong xã như Delung, Khớp, Châm, Hlũ… vừa trỉa xong lúa, bắp trên rẫy. Trên cánh đồng Ia Bẽ và Ia Tô, nước cũng loáng mặt, ban đêm ếch nhái oàm oạp kêu vang.
Lúc này, tôi đang là giáo viên Văn tại Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai. Bấy giờ, đời sống giáo viên nói riêng còn rất khó khăn. Lương thực bán theo sổ, hàng tháng, mỗi người được phân phối 13 kg, một nửa trong đó là chất độn. Thế nhưng, thú thực là phần độn hầu như không ai dùng được bởi khoai lang, khoai mì để trong kho lương thực do bảo quản không tốt nên hầu hết đều bị mốc, mua về cho heo ăn heo cũng chê, làm sao độn với cơm được? Vậy là, mỗi bữa ăn mỗi người chỉ được lưng chén cơm. Quanh năm nghe bụng sôi réo cồn cào kêu đói, nhiều khi ăn cơm xong cứ ngỡ mình chưa ăn, sức trai tuổi mới ngoài hai mươi mà… Khẩu phần ít ỏi, đồng lương eo hẹp, lại xa chợ nên chẳng mấy khi chúng tôi được ăn no, nói chi đến ăn ngon!
Sau khu nhà ở giáo viên trên quả đồi giữa thôn 2 và thôn 3 có đám đất rộng chừng hơn sào bỏ trống, đất không tốt lắm, chỉ có mấy đám le và dâu đất cao vượt đầu người, cỏ đuôi chồn mọc lẫn trong lùm bụi. Anh Đỗ Ngọc Khuynh-Chủ tịch Công đoàn nhà trường bàn với tôi và anh Lưu Hồng Sơn-giáo viên Sử Địa cùng nhau ra đó cuốc đất trồng lúa rẫy cải thiện cuộc sống. Chúng tôi bàn rôm rả lắm, nào là chỉ cần tập trung cuốc rồi trỉa lúa lên, mấy tháng sau đã có lúa để dành, khi nào thiếu thì mang đi xát lấy gạo nấu cơm ăn cho đỡ đói… Làm vài hôm là xong chứ mấy! Đất này coi vậy chứ không đến nỗi, ít nhất cũng thu về non tấn…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thế là phân công. Buổi chiều hôm sau, vì không phải lên lớp nên ai vào việc nấy. Tôi xuống thôn 2 vào nhà học sinh mượn 3 cây cuốc. Anh Sơn kiếm rựa chặt mấy bụi le, dâu đất và dọn cỏ. Anh Khuynh nói tiếng Jrai tốt nên đến làng Hlũ xin thịt và mua một ca gạo về nấu cơm ăn để lấy sức cuốc đất (bấy giờ người ta hay dùng ca sắt của Mỹ để đong gạo, mỗi ca khoảng hơn 2 lon sữa bò). Miếng thịt heo hun khói giàn bếp anh Khuynh xin về, chỗ chưa khô đã có giòi, phải đun nước sôi lên rồi thả thịt vào, giòi bị nóng bò ra chết nổi lềnh bềnh trong xoong. Tôi vớt thịt rửa lại kỹ rồi thái miếng nhỏ, sau đó cho thêm bột ngọt, muối, ít đường, ớt vào kho (những thứ này tất nhiên là phải mua cả, trừ ớt). Được một dĩa khá lớn. Cơm cũng vừa chín tới, gạo dẻo thơm lừng. Lâu rồi không được bữa cơm trắng, thịt kho nên chúng tôi nhoáng cái đã vét nồi. Uống nước xong chuẩn bị ra cuốc đất thì trời bỗng kéo mây đen rồi mưa xuống như trút nước. Ai đã từng ở Tây Nguyên những năm này thì biết, mưa rừng đến bất chợt, mưa rất lớn, nhiều người đi đường hay đi làm rẫy không kịp trú ướt như chuột lột, thậm chí không cẩn thận có thể bị nước cuốn đi. Nhà nào ở gần suối càng nguy hiểm hơn, bỗng chốc lũ từ đâu đổ về quét sạch mọi thứ trên dòng chảy... Chúng tôi ngồi nhìn ra khoảng trời trắng xóa trước mặt. Anh Khuynh chép miệng than: “Tiếc ca gạo quá!”. Tôi tính lười, mừng thầm trong bụng vì được ăn no lại không phải ra cuốc đất, còn anh Sơn chẳng nói năng gì, chắc đang ngẫm nghĩ về bữa cơm ngon vừa ăn…
Sau vài lần “lỗi hẹn”, cuối cùng rồi đám đất trống cũng được cuốc xong, tuy không được đẹp cho lắm, chỗ nông, chỗ sâu, lồi lõm. Thực ra, công đoạn cuốc đất rẫy phải được làm từ khoảng tháng 3, lúc này là cao điểm mùa khô Tây Nguyên, đất tuy cứng nhưng dễ vỡ, cuốc lên trở lưỡi đập phát nữa là đất tơi ra ngay. Cuốc xong để đất ải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 thì trỉa là đúng thời vụ. Hôm trỉa lúa, bắt chước đồng bào Jrai, mỗi thầy cầm một cây gỗ dâu đất lớn bằng cổ tay, cao hơn đầu người, đầu nặng phía dưới và được vạt nhọn, tròn, cứ bước tới một bước thì chọc xuống đất một lỗ để trỉa lúa xuống, mỗi hốc chừng 4, 5 hạt. Người bước theo sau để trỉa lúa là mấy cô giáo cấp I chúng tôi đã nhờ từ trước với lời hứa ngọt ngào: Thu hoạch xong sẽ để đấy rồi nấu cơm ăn chung.
Trỉa xong đám lúa rẫy năm đó, chúng tôi về quê nghỉ hè, phó mặc lúa cho trời. May sao đất xấu nên cỏ cũng ít mọc. Sau khai giảng năm học mới, tháng 10 mưa đã ngớt dần, mùa khô đến, chúng tôi huy động thêm mấy em học sinh lớn vốn quen với việc đồng áng cùng nhau gặt lúa bằng liềm. Trước khi làm thì bàn nhau theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, đến khi thu hoạch cả đám lúa rẫy hơn sào chỉ được 2 bao nhỏ, khoảng trên dưới 50 cân. Thế nhưng, chúng tôi cũng rất vui, trồng lúa rẫy mà không chăm sóc, bón phân lại được thế là may rồi. Hôm sau mang đi xát, nấu cơm gạo mới, cả cụm trường chính gần chục giáo viên quây quần bên nồi cơm trắng thơm phức. Chỉ ăn vậy với cá khô kho mà ai nấy xuýt xoa khen lấy khen để như chưa có món cao lương mỹ vị nào bằng.
Năm học sau, anh Khuynh chuyển ra dạy ở Trường Thiếu sinh quân, anh Sơn vào Sài Gòn. Tôi chuyển vào trường nội trú, năm sau nữa thì xuống thị trấn huyện và lập gia đình. Không còn lười như trước, mùa mưa, tôi cũng trỉa lúa, trồng khoai lang, nuôi gà… nhưng làm bài bản hơn nên thu hoạch rất năng suất, cải thiện thêm cho bữa ăn gia đình.
Đã hơn 40 năm qua nhưng tôi không quên bài học đầu tiên về trồng lúa rẫy ngày ấy. Mỗi lần nhớ lại, lòng không khỏi rưng rưng, cảm thương cho đời sống của mình và đồng nghiệp từng có thời thiếu thốn như thế. Nhưng đồng thời lòng cũng không khỏi tự hào vì đã chấp nhận gian khổ để mang con chữ đến cho thế hệ học sinh vùng sâu, vùng xa năm xưa.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

(GLO)- Ngày 5-5, Sở Y tế tỉnh Gia Lai có Thông báo số 1901/TB-SYT về việc cắt giảm thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị năm 2025.

Gia Lai: Công bố 23 TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Gia Lai: Công bố 23 TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

(GLO)- Ngày 5-5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký ban hành Quyết định số 428/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 23 thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Nghĩa tình nơi biên giới

Nghĩa tình nơi biên giới

(GLO)- Tôi có mấy người bạn thân từ Hà Nội và Quảng Ngãi lên thăm Gia Lai, nguyện vọng của họ là muốn lên biên giới, thăm những người lính Biên phòng. Vậy là mình lại có thêm cái cớ để ngược hướng biên cương.

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

(GLO)- Sau hơn 15 năm thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

(GLO)- Ngày 29-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 2 thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ia Pa: Dấu ấn 22 năm

Ia Pa - Dấu ấn 22 năm

(GLO)- Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Nông thôn làng Thơh Ga B ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Tấn

Chư Pưh: Đổi thay ở làng nông thôn mới Thơh Ga B

(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, diện mạo nông thôn của làng Thơh Ga B (xã Chư Don) đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhờ đó, làng đã được UBND huyện Chư Pưh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

Nghĩa tình với người dân thôn Plei Hek

(GLO)- Ngày 29-4, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Công ty Thiên Phúc Farma, Công ty CPTM Natulife Việt Nam tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà bà con thôn Plei Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-thôn kết nghĩa với Sở Y tế Gia Lai.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.