(GLO)- Trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam, Chu Văn An là bậc danh sư muôn đời. Mặc dù đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng ông từ chối làm quan, về nhà mở trường dạy học. Trong thời gian được mời làm việc tại Quốc Tử Giám, Chu Văn An đã có nhiều cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh những học trò xuất sắc như: Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… ông còn trực tiếp giảng dạy cho các hoàng tử. Nhiều người trong số đó sau này lên ngôi vua. Sinh thời, thầy Chu luôn hết lòng thương yêu nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò. Đặc biệt, ông luôn quan niệm: “Muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”.
Ảnh nguồn internet |
Đã 7 thế kỷ trôi qua nhưng tư tưởng và quan niệm của Chu Văn An về nghề dạy học vẫn còn nguyên giá trị. Kế thừa tư tưởng của các thế hệ nhà giáo tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Trong khi đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã dành cho các thầy-cô giáo sự trân trọng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Quán triệt một cách thấu đáo lời dạy của tiền nhân và hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn ngành Giáo dục phát động, những năm qua, các thế hệ nhà giáo trong cả nước đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả đạo đức lẫn tài năng nhằm hoàn thành sứ mệnh “trồng người” cao quý. Chỉ trong phạm vi tỉnh Gia Lai cũng đã có đến hàng trăm tấm gương sáng về tinh thần sáng tạo trong giảng dạy, về lòng tận tụy với nghề và dành hết tâm sức cho học sinh thân yêu. Đó là thầy giáo trẻ Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa) luôn biết vượt qua khó khăn của bản thân và gia đình để vận động, hỗ trợ những học sinh nghèo vùng sâu đến lớp. Hay như câu chuyện cảm động về cô giáo khuyết tật Rmah HBlao ở ngôi làng nhỏ Chao Pông thuộc xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Dù bị khuyết tật, học hành dở dang, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không có đồng lương hay phụ cấp nào nhưng cô giáo “ngoài biên chế” ấy vẫn duy trì một lớp học miễn phí trong nhiều năm liền với tình thương yêu của một người chị, người mẹ, người thầy. Trong sự nghiệp “trồng người” gian nan nhưng vô cùng cao quý có rất nhiều tấm gương rất đáng để tôn vinh, học tập!
Thực tế công việc dạy học khiến mọi người trở nên trân quý những tấm lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai đất nước. Ngược lại, thực trạng giáo dục hiện nay cũng đã làm xói mòn niềm tin của xã hội vào một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục. Bên cạnh những thầy-cô giáo chấp nhận cuộc sống thanh nhàn cùng đồng lương ít ỏi thì vẫn còn đó những kẻ lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bằng cách ép học sinh học thêm vô tội vạ; gian lận trong kiểm tra, thi cử; nhận chạy lớp, chạy trường; xà xẻo ngân sách xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị dạy học... Bên cạnh những người ngày đêm dày công nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo nhằm mang đến cho người học một lượng kiến thức văn-thể-mỹ dày dặn thì vẫn có không ít kẻ lười nhác học tập, nghiên cứu, xem nghề nghiệp như phương tiện kiếm tiền, không chịu trách nhiệm với “sản phẩm” do mình tạo ra. Bên cạnh những người thầy thực tâm, thực tài, thực học, thực dạy... thì cũng khối kẻ lu loa rỗng tuếch, danh hão, làm tổn hại đến uy tín nghề giáo, làm xói mòn tinh hoa giáo dục Việt Nam...
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” nếu “thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Tuy cách xa nhau đến 7 thế kỷ nhưng hai bậc hiền tài của đất nước lại gặp nhau trong tư tưởng, quan niệm về nghề dạy học. Đó là điều đáng để chúng ta suy ngẫm, đặc biệt trong thời điểm ngày tôn vinh nhà giáo đang đến gần!
Duy Lê