Thắp lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
46 em học sinh được trao “Đàn gà khăn quàng đỏ” tạo sinh kế ở Gia Lai đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Có em mồ côi bố mẹ, đêm hôm đi cạo mủ cao su thuê, sáng sớm lại cắp sách tới trường tìm con chữ. Cuộc sống cơ cực, nhiều em bỏ học giữa chừng.
Ăn cơm với muối ớt đi học
Về làng Krol (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) giữa chiều, chứng kiến căn nhà quây bằng các tấm tôn gỉ sét của gia đình em Rơ Mah Dương (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Đinh Núp) lọt thỏm giữa các mái nhà khang trang, chúng tôi không khỏi mủi lòng. Dương là con trai thứ hai trong gia đình bốn anh chị em. Nhà nghèo, chị gái hơn Dương ba tuổi phải bỏ học sớm để sang nhà người thân ở. Căn nhà buồn hơn khi mưa dột tứ phía, mỗi người co ro một góc tránh ướt. Những ngày nắng, cái quạt duy nhất dành cho ông ngoại, Dương cùng bố mẹ và các em bế nhau ra ngoài hiên tìm chút gió. Để có tiền trang trải, 2 giờ sáng bố mẹ Dương dậy sớm đi cạo mủ cao su. Chị Rơ Mah Dúi (32 tuổi, mẹ của Dương) địu con gái một tuổi theo vừa cho bú vừa thu hoạch mủ.

Em Rơ Manh HĐắc (áo trắng) và em gái
Em Rơ Manh HĐắc (áo trắng) và em gái
Dù cố gắng làm nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám khi chị Dúi vay được 30 triệu đồng mua bò giống nhưng vừa lớn cặp bò ngã bệnh chết. “Gia đình chỉ có ít cà phê với cao su. Một bao phân đắt hơn bao gạo nên năm nay mất mùa. Hết gạo phải đi vay, mùa sau có tiền thì trả lại”, chị Dúi dứt lời rồi quay sang nhìn đứa con gái bị cảm đỏ hai cánh mũi.
Cách đó không xa là xã Ia Krieng. Qua rà soát danh sách hộ nghèo, chị Rơ Mah H'Dịu- Bí thư đoàn xã cho biết, địa phương có 5 em được nhận gà giống; có em mất mẹ, em thì ở gia đình đông con, đất ít. “Cuộc sống người dân nơi đây thiệt thòi hơn nơi khác do điều kiện đi lại, việc học hành bị gián đoạn. Làm nông nghiệp được mùa mất giá, được giá lại mất mùa”, chị chia sẻ.
Đợt này, tổng số tiền các nhà hảo tâm gửi chương trình 92 triệu đồng, cụ thể: Cà phê Đoàn Gia 50 triệu đồng, Phòng CSGT tỉnh Gia Lai 12 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Nguyễn Hiệu Gia Lai 10 triệu đồng, anh Bùi Quang Diễn (Chủ Nhà hàng Hươu Sao) 8 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Đại Nam 5 triệu đồng, Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Giao thông An Ninh 5 triệu đồng, cán bộ Thanh tra Sở GTVT tỉnh Gia Lai 2 triệu đồng.
Dưới trời mưa lâm thâm, thanh niên các xã miệt mài tu sửa, gia cố lại chuồng gà cho các em nhỏ. Đến nhà em Rơ Lan Hxia (học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Ia Kla) các nhà hảo tâm ai cũng xúc động trước hoàn cảnh đặc biệt. Bố Hxia mất lúc em còn nhỏ, đợt dịch COVID-19 lại cướp đi người mẹ. Hxia và em gái giờ chỉ biết bám víu vào ông bà nội đã già yếu, lại đông con cháu. Để sinh tồn, 2 giờ sáng Hxia phải dậy đi cạo mủ cao su. Mặt trời hửng nắng em lại đến trường. Có khi vội không kịp tắm, mùi mủ cao su ám khắp người. “Nhà quá khó nên hay bị hết gạo lắm, có khi nhịn đói, nếu ông bà nội biết sẽ đi quanh làng xin gạo. Cả tháng nay em chưa được ăn thịt, chỉ ăn cơm với muối ớt”, Hxia bùi ngùi.
Là người đã gắn bó với xã Ia Kla nhiều năm, chị Lý Thị Hồng (giáo viên Tổng phụ trách đội, Trường THCS Lý Tự Trọng) thấu hiểu sự khó khăn của người dân địa phương. Dẫn chúng tôi đến nhà em Rơ Mah H’Đắc (lớp 8), cô nói: “Một mình H’Đắc phải nuôi hai đứa em. Khổ lắm, bố mẹ em đều bị bệnh hiểm nghèo rồi mất. Trong làng, Hxia và H’Đắc hoàn cảnh giống nhau. Cả hai đòi nghỉ học mãi, nhà trường cũng miễn học phí, lo sách cho các em. Giờ có đàn gà sẽ là nguồn vốn giúp cải thiện cuộc sống, đệm bước các em tới trường”.

Em Rơ Mah Dương (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ và các em
Em Rơ Mah Dương (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ và các em
Gia đình em Kpăh Đơ Men (10 tuổi) là hộ nghèo của thị trấn Nhơn Hoà (huyện Chư Pưh). Nhà em chỉ có mảnh đất vườn vài trăm mét vuông trồng mít, chuối đem ra chợ bán. Bố bị tật ở chân nên không thể làm nặng, mọi việc đè lên vai mẹ Men. Căn nhà cấp bốn được nhà nước làm cho cũng chẳng có gì ngoài chiếc ti vi cũ nhập nhoè như tương lai của em.
“Hơi ấm” của nhà hảo tâm
Tại lễ trao gà cuối tuần qua cho các em nhỏ khó khăn, anh Đỗ Duy Nam - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai cho biết, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Gia Lai” năm nay được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chiến sỹ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” do Trung ương Đoàn phát động. Chương trình càng ý nghĩa hơn khi các em sắp bước vào năm học mới, đây là nguồn động viên tinh thần to lớn từ các tấm lòng nhân ái tiếp sức các em trên con đường học tập cũng như trong cuộc sống.
“Mỗi đàn gà giống khoảng 15 con, mỗi con chừng nửa ký (kg) đều đã được tiêm phòng bệnh dịch. Phần quà có thể không lớn về mặt vật chất nhưng là sự sẻ chia của xã hội, nhà trường, giúp các em hoàn cảnh khó khăn vươn lên”, anh Nam nhấn mạnh.
Theo nhà báo Tuấn Nguyễn - Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, hưởng ứng Ngày Chiến sỹ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” do Trung ương Đoàn phát động, văn phòng (trực tiếp là nhà báo Lê Tiền - thường trú tại Gia Lai và Kon Tum) đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, tham gia chương trình “Đàn gà khăn quàng đỏ” năm 2022 của Tỉnh Đoàn Gia Lai với tổng số tiền 92 triệu đồng.
Tại buổi lễ trao 25 đàn gà ở huyện Đức Cơ cuối tuần qua, ngoài hỗ trợ 10 triệu đồng trong chương trình “Đàn gà khăn quàng đỏ”, Công ty TNHH MTV Nguyễn Hiệu Gia Lai tặng thêm 10 triệu đồng để mua sách cho các em ở địa phương này, đồng thời tặng 5 triệu đồng cho 3 em nhỏ mồ côi cả cha và mẹ do tai nạn giao thông.
Ông Siu Thil - Phó Bí thư Huyện ủy Đức Cơ chia sẻ, địa phương là huyện biên giới với hàng nghìn em nhỏ hoàn cảnh khó khăn. Thay mặt chính quyền, ông Thil cảm ơn các tổ chức, cá nhân tài trợ đã quan tâm, trao tặng nhiều suất quà giúp đỡ các em thiếu nhi bớt thiệt thòi, có sinh kế để cải thiện cuộc sống. Ông cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc liên quan theo dõi, thường xuyên báo cáo kết quả của mô hình về Huyện ủy và Tỉnh Đoàn.
Năm 2021, thông qua báo Tiền Phong, các nhà hảo tâm đã ủng hộ 53 triệu đồng hỗ trợ 25 em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ở huyện Kbang, Gia Lai. Chị Đinh Thị Toại, Bí thư Huyện Đoàn Kbang cho biết: “Quá trình nuôi không tránh khỏi thiệt hại. Đàn chết ít nhất 3 con, đàn chết nhiều một nửa, tức khoảng 10 con. Gà chết đều do thời tiết lạnh. Số gà giống còn lại giờ đã đẻ trứng, nở con”.
Theo Tiền Lê (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.