(GLO)- Thành lập cách đây hơn 2 năm, Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp ở xã Nghĩa An (huyện Kbang, Gia Lai) là nơi tập hợp những bạn trẻ có cùng chí hướng phát triển kinh tế. Qua thực tiễn hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi cho những thanh niên nông thôn có khát vọng khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Hoàng Anh-Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa An, cho biết: Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp được thành lập cuối năm 2015 với 4 thành viên. Trong đó, anh Hoàng Anh là tổ trưởng có trách nhiệm tìm kiếm các công trình; thiết kế, lập dự toán cho các phần việc, công trình. Các thành viên còn lại mỗi người phụ trách từng lĩnh vực thi công như điện, nhôm, sắt…
Các thành viên trong Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp thi công hệ thống điện đường. Ảnh: H.Đ.T |
Theo anh Hoàng Anh, trước đây, 3 thành viên trong tổ hợp tác đều có cơ sở riêng. Do khách hàng thì ít nên nhiều lúc họ phải cạnh tranh nhau nhưng hiệu quả vẫn không cao. Trước thực tế ấy, anh đến gặp từng người và đưa ra kế hoạch hợp tác để cùng nhau khởi nghiệp. Thấy ý tưởng hay, các anh Hoàng Đình Hùng, Lê Quốc Đạt, Huỳnh Văn Linh liền đồng ý. Vậy là Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp ra đời.
Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp xã Nghĩa An là mô hình liên kết làm ăn mang tính tự nguyện giữa các cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của chính những người tham gia. Các cá nhân tham gia tổ hợp tác cùng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc và cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm. Tổ hợp tác hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các thành viên. Do các thành viên tham gia tổ hợp tác có trình độ, hoàn cảnh và mục đích tương đối giống nhau nên việc hợp tác giữa họ nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
Ngay khi thành lập, tổ hợp tác đã đặt phương châm uy tín, chất lượng và hiệu quả lên hàng đầu. Vì vậy, khách hàng trong và ngoài xã đều tìm đến tổ hợp tác để đặt hàng thi công công trình. Bên cạnh đó, UBND xã Nghĩa An cũng đã giao cho tổ thiết kế và thi công nhiều công trình dân sinh trên địa bàn xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Anh Hoàng Anh cho biết, trong năm 2017, Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp đã nhận thi công 7 công trình cho xã Nghĩa An với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Các công trình này gồm: làm mái nhà và mái hiên cho hộ nghèo; làm biển báo giao thông; lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở các tuyến đường; thi công nhà để xe của Trung tâm Văn hóa xã… Ngoài ra, tổ còn nhận thi công các công trình về điện chiếu sáng, khung nhà sắt, cửa, tường rào… của các hộ dân trong và ngoài xã với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thủ-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An đánh giá rất cao về mô hình Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp. Theo ông Thủ, thời gian qua, tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả khá tốt. Thông qua mô hình, các thành viên đã phát huy được đam mê, chí thú làm ăn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, các công trình mà tổ nhận thi công theo hợp đồng với xã đều đạt chất lượng cao và giá thành chỉ bằng 50% so với thị trường. Các công trình này đã góp phần giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay, việc tập hợp thanh niên trên địa bàn xã Nghĩa An tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, sắp tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các mô hình hiệu quả tương tự như Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp để nhân rộng. Đồng thời, Đoàn Thanh niên xã sẽ có những điều chỉnh trong quá trình phát triển các mô hình để đảm bảo phù hợp với đặc điểm của địa phương, tập hợp được đúng các đối tượng thanh niên chí thú làm ăn, có niềm đam mê làm giàu nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào phát triển kinh tế trong thanh niên.
Hà Đức Thành