(GLO)- Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi lên hồ Kẻ Gỗ thăm đền thờ ông. Cùng đi với chúng tôi có một nhân chứng sống rất quan trọng là ông Đào Văn Tinh-nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Nghệ Tĩnh. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời đi cùng đoàn để cung cấp những tư liệu chính xác nhất về quá trình xây hồ Kẻ Gỗ và đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Bức tượng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong ngôi đền. Ảnh: N.N.P |
Trên đường đi lên hồ Kẻ Gỗ, ông Đào Văn Tinh hỏi tôi:
- Chú có biết ai là người đầu tiên gợi ý xây hồ Kẻ Gỗ không?
Thấy tôi tò mò muốn tìm hiểu, ông trả lời luôn:
- Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cùng thốt lên: Bác Hồ! Ông Tinh kể: “Thật ra thì từ năm 1932 thực dân Pháp đã cho khảo sát xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Từ năm 1934 đến 1936, Pháp bắt đầu tiến hành làm thủy lợi nhưng sau đó phải dừng lại vì chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 15-6-1957, trong chuyến về thăm Hà Tĩnh, khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh, Bác Hồ đã nhắc nhở Hà Tĩnh cần lục lại và nghiên cứu hồ sơ hồ Kẻ Gỗ để khi nào có thời cơ thì tiến hành xây dựng”.
Kẻ Gỗ vốn là tên của một làng Việt cổ ở xã Cẩm Duệ, nay thuộc xã Cẩm Mỹ, cách trung tâm TP. Hà Tĩnh khoảng 20 km về phía Nam. Kẻ Gỗ xưa nằm dọc theo 2 bờ sông Rào Cái (còn gọi là sông Ngàn Mọ). Rào Cái là dòng sông hội tụ của hàng trăm khe suối từ dãy Trường Sơn đổ về. Mùa nắng thì Rào Cái khô trơ đáy, mùa mưa thì chảy quá nhanh, quá mạnh trở thành tai ương cho cả vùng phía Nam Hà Tĩnh. Hôm Bác về thăm còn có ông Trần Đăng Khoa lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ông Khoa đã giao cho Viện Thủy lợi lục tìm hồ sơ thời Pháp. Sau đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhiều lần làm việc với tỉnh Nghệ Tĩnh để bàn việc xây hồ.
Khi chúng tôi đến hồ Kẻ Gỗ thì công trình đường và cầu vào khu đền đang được gấp rút xây dựng. Để nhân dân thuận lợi khi đến dâng hương vãn cảnh đền, năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án đầu tư công trình với số vốn 24,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 7,5 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 14,7 tỷ đồng do Sở Giao thông-Vận tải Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành đúng vào dịp 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư.
Chúng tôi ra đảo Lê Duẩn bằng thuyền máy. Trước mắt chúng tôi là hồ nước khổng lồ với trữ lượng 350 triệu m3 tưới cho gần 17.000 ha cây trồng tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh. Để tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư xây dựng đền thờ cố Tổng Bí thư tại hòn đảo này từ năm 2011 nhân kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (1831-2011). Sau 3 năm xây dựng, đền thờ được khánh thành vào ngày 18-1-2014.
Trên đường vào đền, tôi hỏi:
- Tại sao hòn đảo này lại được gọi là đảo Lê Duẩn?
Ông Đào Văn Tinh trầm tư và nhớ lại:
- Hôm Tổng Bí thư về đây đã cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiện đi khảo sát trên hồ. Hiện nay, tấm ảnh đen trắng đó được trưng bày trong đền thờ cố Tổng Bí thư. Mấy chiếc thuyền máy rẽ sóng tháp tùng Tổng Bí thư đi một vòng quanh hồ lúc về đến hòn đảo gần sát bờ này thì trời đã trưa. Tổng Bí thư bảo lên thăm đảo và mắc chiếc võng bạt dã chiến của quân đội nằm nghỉ dưới bóng mát của những tán cây rì rào nắng xanh.
Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi. Ngày trước, mọi người có thể đi bộ đến ngọn đồi này. Tuy nhiên khi xây hồ Kẻ Gỗ thì ngọn đồi biến thành hòn đảo nhỏ xinh xắn. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đền giống như một đài hoa bát giác. Từ bờ hồ lên đền có một con đường bậc tam cấp được lát bằng những khối đá xứ Thanh vững chãi. Kiến trúc ngôi đền giản dị, mộc mạc với những hàng cột lim chắc chắn. Trong đền có bức tượng bán thân của cố Tổng Bí thư nặng hơn 1 tấn bằng đồng. Ở giữa là bàn thờ Tổng Bí thư, 2 bên thờ các Anh hùng liệt sĩ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ở đây có nhiều bức ảnh tư liệu quý về những lần Tổng Bí thư về thăm. Phía ngoài ngôi đền còn có cây thiên tuế do nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và cây bồ đề do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng.
Ngôi đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhìn từ trên cao. Ảnh: N.N.P |
Chúng tôi trở về Cẩm Duệ và được chị Dung-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, vốn là một cô giáo dạy Lịch sử đưa đi thăm Am Tháp. Tôi hỏi chị Dung:
- Sao người ta gọi đền thờ cố Tổng Bí thư là đền thiêng?
Chị Dung nói:
- Thiêng ở đây là tình cảm thiêng liêng trong lòng mỗi người anh ạ. Những lần về, bao giờ cố Tổng Bí thư cũng dành thời gian trò chuyện với dân làng. Đặc biệt là lần cố Tổng Bí thư về thăm Am Tháp Cẩm Duệ để bái tổ vào ngày 4-4-1979.
Chị Dung kể: Họ Lê Cẩm Duệ vốn là họ Hồ. Ông tổ là Hồ Tiết Tăng sống ở vùng biển Kỳ La. Sau sự kiện Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm (Kỳ La) và Hồ Hán Thương bị bắt ở núi Cao Vọng (Kỳ Hoa), Hồ Tiết Tăng sợ họ Hồ bị liên lụy nên đổi thành họ Lê và chuyển lên vùng đá bạc Kẻ Gỗ sinh được 3 người con là Lê Am, Lê Mậu Tài và một người nữa. Cụ Hồ Tiết Tăng vốn thông thạo địa dư vùng đất này đã hiến kế giúp quân Lê Lợi xây dựng lực lượng nghĩa quân góp sức đánh thắng quân Minh. Vua Lê xét công lao của cụ Hồ Tiết Tăng giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn nên thưởng nhiều tiền bạc và cho 3 người con trai ra Đông Kinh ăn học. Do có công lao đức độ và phục vụ cung đình nên Lê Am được vua ban đặc ân chọn sinh phần (chọn đất để an táng khi còn sống). Lê Am đã dựa vào thuyết phong thủy chọn doi đất cao gần sông Ngàn Mọ. Vua chuẩn y, cấp tiền và ra chiếu dụ cho tổng Mỹ Duệ cùng 14 dòng họ trong xã góp công xây Am Tháp. Toàn bộ ngôi tháp được đúc ghép bằng đá tận ngoài Hải Dương. Huyệt mộ của Lê Am được táng ở Am Tháp này. Sau đó, họ Lê Mỹ Duệ phát triển thành một dòng họ lớn vào hàng vọng tộc, học hành đỗ đạt nhiều người giỏi được bổ nhiệm làm quan trong triều đình nhà Lê. Đến thời nhà Mạc, do cựu thần nhà Lê tên là Lê Mậu làm đến chức trung tế không phụng sự triều Mạc do đó có sự hiềm khích. Sợ nhà Mạc trả thù nên Lê Mậu đã di chuyển vào sinh sống ở làng Bích La Đông (tỉnh Quảng Trị). Đó chính là liệt tổ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Về Cẩm Duệ, chúng tôi còn được cán bộ xã đưa đến thăm ngôi trường mẫu giáo mang tên Lê Duẩn. Ngôi trường này xây dựng hơn 4 tỷ đồng, trong đó ông Lê Kiên Trung-con của cố Tổng Bí thư đóng góp 2 tỷ đồng.
Tạm biệt Cẩm Duệ, trong tôi lại hiện lên hình ảnh bức tượng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đặt trang trọng trong ngôi đền thiêng nơi hồ Kẻ Gỗ. Đôi mắt ông nhìn ra xa nghiêm nghị mà có gì thật gần gũi thân quen. Đôi mắt như chớp chớp với nụ cười khoáng đạt hồn hậu và giọng nói Quảng Trị đặc sệt miền gió Lào cát trắng. Những âm điệu, ngữ điệu ấy là tiếng lòng thân thương chẳng bao giờ quên được.
Nguyễn Ngọc Phú