Tết của những người giữ rừng ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết đến, Xuân về, thời điểm mọi người được tận hưởng niềm vui đoàn tụ bên gia đình. Những người giữ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh lại đón Tết giữa rừng, ngày đêm túc trực bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng nhất của Việt Nam, với diện tích gần 42.000 ha, nằm trên địa bàn ba huyện Mang Yang, Đăk Đoa và Kbang của tỉnh Gia Lai. Đây là cánh rừng nguyên sinh sở hữu nhiều loài gỗ quý hiếm và là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn là địa điểm tiềm năng cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên này, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã xây dựng 9 trạm bảo vệ rừng, với hơn 60 nhân viên chuyên trách và 29 nhóm hộ (thuộc 17 cộng đồng thôn, làng) vùng đệm nhận giao khoán bảo vệ của các địa phương. Lực lượng này đóng vai trò nòng cốt trong tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, như khai thác trái phép, đốt rừng, săn bắn, lấn chiếm đất rừng… Đây là công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm và đòi hỏi sự hy sinh cao.

Một góc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Một góc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Trong khi không khí Tết đang tràn ngập khắp mọi nơi, những người giữ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh lại phải xa nhà, lưu lại giữa rừng sâu để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hơn 10 năm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng, anh Ngô Đức Công, nhân viên Trạm bảo vệ rừng số 1, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mọi người đều được quây quần bên gia đình, đi sắm Tết, chúng tôi vẫn phải bám rừng. Mặc dù rất nhớ nhà và háo hức được về sum họp cùng gia đình những ngày Tết, vì nhiệm vụ cao cả, chúng tôi phải nén lại để bảo vệ rừng. Được sự động viên của gia đình, vợ con, chúng tôi cố gắng gắn bó, bám trạm để hoàn thành tốt công việc.

Anh Nguyễn Văn Hoàn (Trạm phó Trạm bảo vệ rừng số 1, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) chia sẻ, Trạm bảo vệ số 1 quản lý 3 tiểu khu với diện tích lên đến gần 2.000 ha. Vì vậy, anh em rất vất vả mỗi khi đi tuần tra, kiểm tra địa bàn. Đêm đến, các tổ bảo vệ rừng phải ở trong những chiếc lán tạm, chịu đựng cái rét của những ngày đầu Xuân. Để tránh muỗi đốt và cái rét của rừng đêm, anh em phải dùng bếp dã chiến để nấu ăn, sưởi ấm và đuổi muỗi. Công việc bảo vệ rừng luôn phải trực chốt 24/24, không kể ngày đêm, không kể tết hay ngày thường.

Mỗi chuyến đi tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng phải đi qua hàng chục cây số đường rừng, vượt qua những con dốc dựng đứng, những cánh rừng sâu thẳm, nơi có nhiều hiểm nguy rình rập. Họ luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy cơ từ thiên nhiên và con người. Mặc dù đã quen với nhiệm vụ trực Tết giữa rừng, nhưng trong sâu thẳm mỗi người bảo vệ rừng, đâu đó vẫn lắng đọng những nỗi nhớ. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ những ngày Tết sum vầy, ấm áp bên gia đình luôn hiện hữu. Họ ước ao được sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, thăm hỏi bạn bè, người thân. Vì nhiệm vụ cao cả, họ đã gác lại tình cảm riêng.

Để động viên những người giữ rừng, ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, không để các đối tượng lợi dụng những ngày Tết xâm hại rừng. Kế hoạch trực chốt đã được xây dựng, đảm bảo quân số, an toàn cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đơn vị đã động viên, tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ rừng có được một cái Tết ấm cúng, vui vẻ bên đồng đội.

Tết đến, Xuân về, những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, đã gác lại những niềm riêng để gìn giữ những cánh rừng tươi xanh. Cùng với trách nhiệm công việc, tình yêu dành cho những cánh rừng nguyên sinh là niềm tự hào của những người giữ rừng ở Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm