Tây Sơn Thượng-trầm tích dưới "Cổng trời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài tia nắng yếu ớt chưa kịp gây cảm giác trên da thịt đã vội tắt ngấm trong lớp lớp những tảng mây đen màu khói mải miết đuổi nhau về phía thượng nguồn. Trời lất phất mưa. Ngồi trong quán cóc uống rượu với nhà thơ Quốc Thành, tôi cứ có cảm giác như mình đang ở đồng bằng.
Từ ngày Chính phủ ra nghị định công nhận An Khê là thị xã, phố huyện năm nào đã bung ra khỏi cái áo chật chội cũ. Những ngõ thông ra đường Quang Trung trước là những con hẻm nhỏ gập ghềnh bẩn thỉu nay đã được trải nhựa sạch sẽ, phẳng phiu. Rất nhiều căn nhà được nâng cấp, đổi màu. Nhịp sống phố phường dường như đã len vào mỗi ngõ ngách. Đâu cũng thấy dịch vụ, cửa hàng bán buôn. Cả đường phố chính trước chỉ có 4, 5 nhà nghỉ gì đó thì nay đã hơn cả chục. Chỉ từ chi tiết này, tôi đã thấy một tâm thế phố thực sự đang trỗi dậy. “Trước năm 1975, đường Quang Trung đây thế nào?”. Đang mơ màng bên chén rượu, nhà thơ Quốc Thành như bừng tỉnh: “Hồi đó chỉ vỏn vẹn có 2 ngôi nhà xây 2 tầng thôi, so sánh sao được”. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh ở cái quãng lùi xa trước năm 1975 chừng 20 năm nữa: “An Khê cao vút/Núi lạnh rừng buồn/Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây...”.                                                                                                   
 Lễ tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của 3 anh em nhà Tây Sơn và kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tại An Khê trường. Ảnh: internet
Lễ tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của 3 anh em nhà Tây Sơn và kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tại An Khê trường. Ảnh: internet
*
*       *
Theo những cứ liệu lịch sử thì vào những năm cuối thế kỷ XVI đã có những cư dân người Việt lên khai phá đất An Khê, bấy giờ vẫn gọi là ấp Tây Sơn thượng. Chắc hẳn không phải rải rác mà đã quần cư thành xóm làng đông đúc. Chính lớp cư dân tiền phong này đã mở ra một “con đường thương mại” giữa cao nguyên với đồng bằng. Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” đã chép rằng riêng nguồn An Khê, chúa Nguyễn hàng năm thu được 1.500 quan tiền thuế. Đó là nguồn thu lớn của Đàng trong. Như thế rõ ràng là nhánh từ cao nguyên xuống đã góp vào kho đụn chúa Nguyễn một nguồn thu rất đáng kể. Câu ca “Ai về nhắn với nậu nguồn/măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên” chắc hẳn đã ra đời vào thời đó. Đây có thể coi là thời thịnh thứ nhất của đất An Khê.
Chọn đất An Khê để dựng nghiệp, anh em Tây Sơn không chỉ chứng tỏ tài năng quân sự mà còn chứng tỏ con mắt kinh bang tế thế. Trong khoảng chừng 4-5 năm, anh em nhà Tây Sơn đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn công cuộc khẩn hoang, mở rộng con đường buôn bán với cư dân bản địa. Chính anh em Tây Sơn cũng là người đưa văn hóa Việt lên đất cao nguyên với phong tục nhuộm răng, ăn trầu, hát Cầu huê...
Vẫn biết là lịch sử không đi theo con đường của những giả thiết, nhưng cứ giả thiết rằng nếu Hoàng đế Quang Trung không mất sớm khiến nhà Tây Sơn không sụp đổ thì ông sẽ làm gì với mảnh đất dựng cơ đồ của mình? Và lại nữa các tướng lĩnh Tây Sơn thời Quang Toản, sau những thất bại trước Nguyễn Ánh, nếu sớm quay về đất dựng cơ đồ của Tiên đế với một miền cao nguyên mênh mông phía sau thì thời cuộc sẽ ra sao?
Thật khó mà hình dung được bởi giả thiết trước sau vẫn là giả thiết, nhưng thực ra điều ấy cũng không phải là không có cơ sở. Dân gian vùng Tây Sơn thượng đã ghi nhận rằng Võ Văn Dũng-một danh tướng kiệt hiệt của nhà Tây Sơn-sau khi thoát được tay Nguyễn Ánh đã tìm về An Khê nương náu, mưu khôi phục cơ đồ nhà Tây Sơn.Võ Văn Dũng đã cùng 2 con Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Dương lập căn cứ ở hòn Hợi Sơn. Rất tiếc 1 cây không thể chống dậy ngôi nhà đã sập, song có một điều chắc chắn là sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, bằng sự truy diệt gắt gao của Gia Long với những ai liên quan đến Tây Sơn thì đất An Khê đã không còn là nơi giao lưu buôn bán đông đúc nữa. Một phần lớn dân nông, dân buôn đã bỏ về đồng bằng. Thịnh thời thứ hai của đất An Khê chấm dứt.
Lịch sử không theo con đường của những giả thiết nhưng lại chứa trong nó những oái oăm. Là chính chỗ này, trên đất dựng cơ đồ của nhà Tây Sơn, kẻ chiến thắng lại phải lấy làm nơi ẩn náu. Đầu tiên là gia quyến Tiền quân đô thống Nguyễn Văn Thành-một trong những “khai quốc công thần” của Gia Long. Nói đến Nguyễn Văn Thành là nói đến vụ án văn chương oan khốc do Lê Văn Duyệt xúc tác, mà nguyên nhân sâu xa vẫn là lối ứng xử quen thuộc của các vương triều phong kiến “cáo thỏ hết thì chó săn phải nấu”. Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, con trai là Nguyễn Văn Thuyên bị xử trảm. Biến cố này khiến vợ con Nguyễn Văn Thành tìm đến đất An Khê nương náu. Hậu duệ Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Tứ sau này đã có công chiêu tập dân cư khai phá đất hoang, đi tiếp công việc của người trước, được tôn làm Hậu hiền của đất An Khê.
Với lối ứng xử khắt khe và đố kỵ của nhà Nguyễn, nạn nhân không chỉ một Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Một vị quan khác của triều Nguyễn là Trần Văn Thiều từng là An sát Nghệ An, Tả phó Đô ngự sử, Tuần phủ Nam-Ngãi đời vua Tự Đức cũng bị mắc tội và lại tìm đất An Khê nương náu. Giai thoại dân gian kể rằng khi trốn chạy, ông đã tình cờ lạc vào một khe nước. Lạch khe rậm rạp đã cứu ông thoát sự tróc nã của quân Nguyễn. Để ghi nhớ khe nước đã cứu mình, ông đặt tên cho nó là An Khê (Suối Lành). Địa danh An Khê có từ đây. Trần Văn Thiều cũng là người có công chiêu tập dân khai khẩn đất hoang, được tôn làm tiền hiền.
Chọn đất An Khê làm nơi nương náu có 1 dòng họ lớn. Xuyên suốt từ thời Lê sơ đến Nguyễn, triều đại nào dòng họ này cũng có người làm quan-ấy là dòng họ Nguyễn Cảnh. Theo gia phả hiện còn ở An Khê thì dòng họ này đã có 365 người đỗ từ bậc cử nhân trở lên. Đặc biệt nổi bật là cha con Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị. Nguyễn Cảnh Chân theo Giản Định Đế thời hậu Trần khởi nghĩa chống giặc Minh. Nghe lời gièm, Giản Định Đế đã giết ông. Thù nhà nợ nước, Nguyễn Cảnh Dị theo phò Trần Trùng Quang tiếp tục sự nghiệp của cha. Ông được Trần Trùng Quang cho giữ chức Thái bảo, lập công lớn trong trận Hạ Hồng (Ninh Giang), sau thế yếu ông bị Trương Phụ bắt. Dụ hàng nhiều lần nhưng ông không khuất phục, Phụ đã moi gan ông... Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dòng họ này là tác giả của bộ Hoan châu ký-một bộ tiểu thuyết được coi là cổ nhất Việt Nam. Thời Tây Sơn, dòng họ này đã góp cho phong trào nông dân khởi nghĩa một tướng lĩnh tài ba là Nguyễn Cảnh Diệm. Nguyễn Cảnh Diệm bị Nguyễn Ánh bắt giết, con cháu bị truy nã đã chọn đất An Khê làm chốn nương thân. Hậu duệ của tướng quân Nguyễn Cảnh Diệm ở An Khê hiện còn 4 gia đình.
Như thế là không kể thế lực chiến thắng hay người chiến bại, gặp cơn quốc biến đều chọn An Khê làm chốn nương thân. Hội tụ ở đất An Khê có đủ hậu duệ của các danh tướng Tây Sơn: Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, dòng họ Nguyễn Cảnh; Khai quốc công thần nhà Nguyễn-Nguyễn Văn Thành... Và tôi xiết bao ngạc nhiên khi mới đây lại có thêm thông tin rằng hậu duệ của Nguyễn Hữu Cảnh-bậc Khai quốc công thần thứ nhất của nhà Nguyễn, người có công khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long, lập nên Sài Gòn-Gia Định cũng có người lưu lạc lên đất An Khê. Điều gì đã làm cho mảnh đất An Khê nên cơ duyên tụ hội này?
Nói rằng đây là miền đất xưa hoang dã, dễ mai danh ẩn tích là chỉ mới nhìn bằng con mắt trực giác. Lịch sử vẫn thường chọn cho mình những mạch nguồn, những địa thế tâm linh... Và theo lối suy nghĩ của tôi thì An Khê là mảnh đất chứa trong nó những tâm linh của lịch sử. Mà không chỉ trong quá khứ đâu. Người đảng viên Cộng sản đầu tiên của Gia Lai chẳng phải là Đỗ Trạc-người con của đất An Khê đó sao? “Hậu Điện Biên Phủ” là trận Đak Pơ cũng đã diễn ra trên phạm vi đất An Khê. Những tên lính Mỹ đến Việt Nam đầu tiên cũng đáp xuống đất An Khê để rồi sau đó chúng cũng là một trong những kẻ vùi xác đầu tiên trong trận huyết chiến Plei Me lịch sử.
Và vẫn theo lối nghĩ của tôi thì thị xã An Khê ra đời cũng như là một sự tất yếu của mạch nguồn lịch sử. Trên vùng đất Tây Nguyên chắc không một thị xã nào chứa đựng trong mình nhiều trầm tích lịch sử như thế. Cách nay chừng vài năm, tôi từng có một bài báo bày tỏ bức xúc trước sự xuống cấp, hoang phế của Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Lẽ tự nhiên, nay nghe khu di tích được quy hoạch và đã được thông qua thì rất lấy làm mừng. Điều này tất nhiên chẳng phải riêng tôi. An Khê không thể chối bỏ nguồn lực của lịch sử. Thị xã An Khê phải là thị xã mang đậm chất “Văn”. Chất “Văn” ấy đã có trong tâm linh của lịch sử. Thời đại mới, lịch sử lại đang chọn đặt An Khê ở một tầm cao hơn, khác biệt hơn.
Và như thế, thịnh thời thứ ba của đất An Khê đã và sẽ đến cũng là điều không còn gì bàn cãi!
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...