Việc phát triển cây công nghiệp tại Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu chạy theo sản lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản. Tình trạng thiếu sân phơi, lò sấy, kho bãi… dẫn đến chất lượng nhiều loại nông sản còn chưa tốt, giá cả thiếu cạnh tranh, nhiều loại khó xuất khẩu hoặc xuất đi bị trả về. Bên cạnh đó, việc phát triển ồ ạt các loại cây công nghiệp đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường.
Lượng nhiều, chất ít
Bán 1 tấn cà phê nhân nhưng anh Phạm Trí Độ (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đak Lak) không vui khi bị đại lý thu mua với giá thấp hơn so với giá thị trường do hạt cà phê của anh không đạt chất lượng. “Làm được hạt cà phê vất vả trăm bề, vậy mà khi mang bán, chủ đại lý chê cà phê bị đen, nên ép giá. Chỉ tính sơ sơ, 1 tấn cà phê bán ra, so với giá thị trường thì tôi lỗ gần 2 triệu đồng”, anh Độ nói.
Sân phơi không đảm bảo khiến chất lượng cà phê tại Tây Nguyên sụt giảm. |
Về lý do cà phê không đạt, anh Độ cho hay, mùa vừa qua, nhân công khan hiếm nên khi thuê được người, gia đình anh phải tổ chức hái triệt, do tỷ lệ trái xanh nhiều nên lượng nhân không đạt. Bên cạnh đó, do thời tiết biến đổi thất thường, mưa liên tục, sân phơi không đủ nên sau khi hái về cứ để cà phê chất đống, ùn ứ dẫn đến hạt cà phê bị ẩm mốc và đen nhân.
Theo ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Phát triển thị trường, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 9-2 (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak), nguồn hàng của công ty được lấy đa số từ người dân thông qua các đại lý thu mua. Trong niên vụ 2016 - 2017 vừa qua, công ty đã xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 100.000 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, lượng hàng của công ty xuất đi cũng bị một số thị trường trả về (khoảng gần 40 tấn), do không đạt chất lượng.
Cà phê không đạt chất lượng, phải bán giá thấp, thậm chí nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về tại Đak Lak cũng là thực trạng chung của cà phê Tây Nguyên và cả nước nói chung. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), việc thu hái cà phê chưa đúng tầm chín dẫn đến khối lượng hạt giảm, chất lượng, phẩm cấp cà phê giảm; quá trình phơi sấy không đảm bảo do tiến hành chủ yếu ở quy mô hộ với sân phơi, máy sấy không đạt yêu cầu dẫn đến hạt bị lên men, hỏng đen.
Việc chế biến cà phê thóc, cà phê nhân xô tại các hộ gia đình theo quy mô nhỏ, công nghệ thủ công còn chiếm tỷ lệ cao, sản phẩm là cà phê nhân xô chất lượng thấp, không đồng đều, thiếu ổn định. Thực tế nói trên lý giải vì sao Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu, chưa chủ động được thị trường, giá cả và điều tiết lượng xuất khẩu qua các năm.
Một nghịch lý khác, hiện 90% sản lượng cà phê Việt Nam là xuất khẩu, nhưng là cà phê nhân. Còn cà phê chế biến - khâu cho giá trị gia tăng cao, từ 70 - 100 triệu đồng/tấn (quy nhân), hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước.
Cạo trọc rừng chiếm đất
Rừng tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) bị phá để trồng cà phê. |
Vào những thời điểm cà phê, hồ tiêu, cao su được giá, người dân Tây Nguyên đổ xô trồng. Không chỉ chặt bỏ các loại cây trồng khác, người dân còn phá rừng lấy đất. Đi qua các nẻo đường rừng ở Tây Nguyên, không khó để chứng kiến cảnh nhiều cánh rừng bị “cạo trọc”, thay vào đó là các rẫy cà phê, hồ tiêu, cao su.
Có mặt tại thôn 6, thị trấn Đức An, huyện Đak Song, tỉnh Đak Nông, đi sâu vào khu vực rừng thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa quản lý. Chỉ đi hơn 2km, trước mắt chúng tôi là hàng trăm hécta hồ tiêu xanh mơn mởn. Nhiều diện tích hồ tiêu đã phủ trụ, cho thu hoạch và cũng không ít những diện tích mới được khai hoang, còn lõm chõm những gốc cây cổ thụ. Qua tìm hiểu, khu vực này thời gian qua “nóng” lên về tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để trồng cây công nghiệp.
Lần theo số điện thoại trên một biển bán đất tại khu vực, chúng tôi đã tiếp xúc được với ông T. Vờ hỏi mua đất, ông T. hồ hởi dẫn chúng tôi ra khu vực 2ha đất trống còn những gốc cây lớn đã bị cưa hạ. “Gia đình tôi khai hoang 2ha đất này vài năm rồi nhưng do không có điều kiện canh tác nên phải bán bớt. Chú yên tâm đi, gia đình tôi làm ở đây từ lâu rồi, chẳng ai đến lấy lại đất đâu”- ông T nói.
Tiếp tục đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng phát hiện nhiều diện tích rừng đã bị lấn chiếm, thay vào đó là hàng loạt rẫy tiêu mới được trồng xanh. Diện tích rừng tại khu vực chỉ còn lại manh mún.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đak Song, cho biết thời điểm năm 2015 - 2016, do giá hồ tiêu tăng cao, đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg nên người dân ồ ạt phát triển diện tích ngay cả trên những vùng đất không phù hợp và đất rừng. Đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của toàn huyện đã đạt 15.099ha, vượt so với quy hoạch. Việc người dân chạy theo “vàng đen” khiến khu vực cũng nóng lên về tình trạng lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích và tình trạng khai thác gỗ để làm trụ tiêu.
Các loại cây công nghiệp cần một lượng nước tưới lớn, nên việc phát triển ồ ạt đã dẫn đến việc khai thác nước ngầm tràn lan, khiến mực nước ngầm tại Tây Nguyên sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Đak Lak, cho biết trong những năm qua, mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tụt mạch nước ngầm do người dân khoan giếng, khai thác nước để phục vụ cho sản xuất cây công nghiệp. Việc khoan giếng một cách tràn lan gây nguy cơ thủng tầng địa chất, tụt mạnh nước ngầm. Bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu khiến lượng mưa hàng năm thấp, thảm thực vật giảm không có khả năng giữ nước cũng khiến mực nước giảm sâu.
Còn theo ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nhiều năm qua, nước ngầm trên địa bàn tụt giảm trầm trọng. Nước ngầm tụt giảm có nhiều nguyên do, trong đó có việc dân phát triển ồ ạt các cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao su, cà phê. Việc phát triển ồ ạt các cây công nghiệp sẽ kéo theo nhu cầu nước, dẫn đến khai thác nguồn nước nước tràn lan, tự phát.
Đánh giá về hệ lụy phát triển ồ ạt các cây công nghiệp, ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết việc phát triển các cây công nghiệp, gây phá vỡ quy hoạch sẽ làm mất cân bằng sinh thái. Khi phát triển ồ ạt dẫn đến lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm môi trường; việc phát triển vượt quy hoạch khiến nhu cầu sử dụng nước tăng cao, bằng mọi biện pháp có thể để khai thác nước tưới cho cây trồng, làm mực nước tụt sâu, cộng với biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng hạn hán, thiếu nước...
Hữu Phúc-Đoàn Kiên-Đông Nguyên/sggp