Tây Nguyên mùa gieo chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt khó khăn, giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn kiên trì bám bản, bám trường để dạy chữ cho trẻ em.
Vượt khó khăn, giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn kiên trì bám bản, bám trường để dạy chữ cho trẻ em.
Băng qua những con đường nhão nhoẹt bùn đất sau trận mưa rừng, hay phải lội bộ hàng chục km băng rừng, vượt suối để đến điểm trường cách biệt…, đó là những cuộc hành trình gian nan để cõng con chữ của các giáo viên ở các khu vực vùng khó khăn tại Tây Nguyên đến với học sinh vùng sâu vùng xa...
Vượt khó đến trường
Đường vào điểm trường tiểu học Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) mùa này vô cùng trắc trở. Từ trung tâm xã để đến điểm trường toàn đường đất đỏ, núi cao nối rừng dày. Những con dốc núi bình thường lỗi lõm, gồ ghề thì sau trận mưa rừng bỗng trơn trượt, ướt át. Rạng sáng khi màn sương còn giăng kín, cái lạnh vùng núi cao càng thêm se sắt bởi trận mưa đêm qua.
Trên hành trình cùng đi, chúng tôi may mắn gặp một nhóm giáo viên của trường tiểu học Ea Rớt đang vào trường dạy học. Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên nhà trường kể, phần lớn các giáo viên hiện đang dạy tại trường đều có tuổi đời rất trẻ. Hằng ngày sau giờ lên lớp, buổi tối thầy cô còn tình nguyện ở lại dạy thêm con chữ, bài học đạo đức cho các em con đồng bào dân tộc thiểu số.
5 năm về trước, cô Trang vừa ra trường đã tình nguyện xin lên khu vực trường tiểu học Ea Rớt để gieo chữ. Thời gian đầu ngôi trường đơn sơ chỉ là những tấm ván ghép lại, gió lùa thông thốc. Khi mà cuộc sống của người dân địa phương còn lắm cơ cực, học sinh đến trường còn hạn chế, Trang thời gian đó phải ở lại trường để động viên các em đến lớp. “Nhiệm vụ mình đã được giao gắn bó với vùng đất này, thì phải làm cho tốt. Mang con chữ đến với học sinh, cũng như mang niềm vui đến với xã hội, là niềm tự hào của nghề giáo” - Trang chia sẻ.
Câu chuyện tạm ngắt quãng bởi con đường sỏi đá bỗng chốc chuyển qua đất nhão nhoẹt. Một giáo viên trong đoàn đi trước dặn: “Mọi người đi theo vết xe cũ để tránh sa lầy". Thật khác với những tay lái vùng xuôi như chúng tôi, các giáo viên trong đoàn điều khiển xe máy thành thạo, mềm mại để vượt qua con đường đất lầy lội.
Bản thân Trang, hằng ngày cô phải vượt qua 3 huyện với chiều dài gần 50km. Gia đình rồi công việc đè nặng nên không thể bên trọng bên khinh. Nhiều năm rồi cô phải linh động sắp xếp chuyện con cái, việc nhà cho chồng rồi đến trường. “Đường sá xa xôi không sợ bằng đường lầy lội. Mùa mưa, đường đất luôn rình rập nguy hiểm cho các giáo viên như chúng tôi” – Trang nói và diễn giải: "Niềm đam mê trong công việc và tình yêu đối với các em học sinh nghèo đã giúp các thầy cô trong trường có thêm động lực mỗi ngày đến trường".
Đoàn chúng tôi đến điểm Trường tiểu học Ea Rớt khi tiết học đầu tuần sắp bắt đầu. Đặt chân tới trường, các thầy cô nhanh chóng thay bộ trang phục lấm lem trên hành trình đến lớp để kịp lên bục giảng. Nhìn lớp học rôm rả tiếng cười đùa của học sinh, cô Trần Thị Duyên cười vui: "Đó là cả một hành trình mà thầy cô nỗ lực giữ chân các em đến lớp đấy. Trước đây, cứ đến đầu năm học là học sinh đến trường cứ giảm dần. Nguyên nhân là do các em cùng cha mẹ lên nương rẫy, đi làm giúp đỡ gia đình… Trước tình trạng này, thầy cô chúng tôi trong dịp hè đã vào tận thôn, buôn để trò chuyện, động viên để cha mẹ cho các em đến trường”.
Thầy cô là bạn cũng là cha mẹ…
Câu chuyện tại xã Cư Bui không phải là riêng biệt nhưng qua đó cũng nói lên được những khó khăn, vất vả của các thầy cô ở Tây Nguyên trên chặng đường mang kiến thức đến với học sinh vùng khó khăn. Trong dịp đầu năm học mới, chúng tôi may mắn được đến dự một buổi khai giảng của học sinh tại trường tiểu học Vừ A Dính thuộc xã vùng sâu Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông).
Thật kỳ lạ là dù trước đó, trời đổ mưa như trút nước nhưng đến sáng ngày khai giảng, nắng bỗng hửng sáng cả bầu trời. Những người địa phương nói vui, nắng lên xua cái lạnh lẽo nơi núi rừng trắc trở, để con đường đến trường của học sinh, thầy cô nơi đây bớt cheo leo, nhọc nhằn.
Gặp chúng tôi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính Hoàng Văn Quyết không giấu được xúc động bởi năm nay, học sinh nhà trường được học với cơ sở khang trang, có chiếc trống trường mới toanh. Nhìn ngôi trường mới nằm giữa núi rừng Đắk Ngo ít ai biết, trường Tiểu học Vừ A Dính chỉ mới bước sang tuổi thứ 2. Ngày khai giảng năm nay cũng thêm đặc biệt hơn bởi trước đó, suốt các tháng hè, nhiều thầy cô tình nguyện cắm bản làm công tác dân vận và sửa chữa ngôi trường để kịp ngày học sinh đến lớp.
“Tân Lập và Đoàn Kết là hai bản nghèo nhất tỉnh Đắk Nông với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc gieo chữ ở nơi cheo leo này vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, không một chiếc xe máy nào đi được trên con đường nối liền hai bản. Các giáo viên vào bản chẳng may gặp trời mưa là không còn đường ra” - thầy Quyết chia sẻ.
Thầy Quyết kể, vào ngày khai giảng năm ngoái, vì cuộc sống khó khăn cộng thêm đường sá xa xôi nên học sinh đến trường rất ít. Từ thực tế đó nên năm nay, thầy cô đã vào tận các thôn buôn để động viên, đưa đón các em đến trường. Bởi thế nên khi trời còn chưa sáng, người dân địa phương đã nghe râm ran tiếng nói chuyện giữa thầy cô điểm trường Đoàn Kết cùng Trưởng bản Tráng A Dơ và Bí thư chi bộ Lê Văn Cần. Câu chuyện của họ xoay quanh chủ đề năm học mới hay những lo toan, trăn trở của các thầy cô nơi vùng sâu trắc trở…
“Năm nay trời mưa nhiều quá, nên học sinh “ngại” đến trường, chúng em thống nhất với cán bộ thôn là sẽ đến từng nhà vận động các em đi khai giảng” - cô Tạ Thị Thúy Lành, 24 tuổi kể. Đã 2 năm gắn bó với mái trường vùng sâu này nên cô Lành thấu hiểu khó khăn, vất vả của học sinh vùng sâu. “Lý ra chúng em phải tập trung ở điểm trường chính để chuẩn bị khai giảng nhưng vì sợ học sinh không đến nên thầy cô phải vào tận nhà, xin phép cha mẹ để sáng cùng đi với các em đến trường”, cô Lành cho hay.
Cách Đắk Ngo không xa nhưng việc động viên học sinh tại xã Quảng Trực cũng nhọc nhằn chẳng kém. Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng trường mần non Hoa Ngọc Lan - kể, những ngày cuối năm là thời điểm nhiều hộ dân vào rừng sâu, nương rẫy sản xuất. Khi đi, họ thường đưa theo con cái đi cùng. Khi vào đến nơi sản xuất, gặp những trận mưa lớn kéo dài, hoặc đường giao thông bị sạt lở… là họ ở lại trong đó vài tuần lễ, thậm chí cả tháng trời. Do vậy, từ đầu tháng 8 (trước thời điểm khai giảng 1 tháng) giáo viên của trường lắp ủng, vượt qua những con đường khó khăn để tiếp cận các hộ, vận động họ đưa con em mình đi học đúng thời hạn. "Nhiều trường học khác bắt đầu công việc giảng dạy từ tháng 9, nhưng công tác chuẩn bị của giáo viên ở Quảng Trực phải được chuẩn bị trước cả tháng trời”, cô Thủy nói.
Lộc Bình (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.