Tây Nguyên miền huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Nguyên được biết đến là miền đất huyền thoại, truyền thuyết, sử thi. Bà con các dân tộc được hình thành nhờ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên cùng những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa, sương gió của các tù trưởng, các bậc cao niên trưởng lão. Họ như những mảnh ghép để tạo nên bức tranh toàn cảnh phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những giá trị nhân văn cao cả.

 Sông Sê Rê Pốk dưới ánh nắng chiều.
Sông Sê Rê Pốk dưới ánh nắng chiều.



Huyền thoại về Ya Wâm

Buổi chiều, huyện vùng biên không còn nắng gắt. Bầu trời dịu một màu xanh thẳm, giữa rừng cây xanh rì hòa quyện cùng dòng chảy róc rách, bức tượng màu đen với dòng chữ nữ tù trưởng Ya Wâm và bức tượng màu đồng của vị vua săn voi Khun Su Nốp luôn có sức hút kỳ lạ. Nếu ai một lần đặt chân đến đây hẳn sẽ không thể quên.

Chị H’Kiết (29 tuổi, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) cho hay: Nữ tù trưởng Ya Wâm được biết đến như một hình tượng lý tưởng của người phụ nữ Ê Đê, được tất thảy mọi người kính trọng, nể phục. Ngày nay hình ảnh nữ tù trưởng luôn lung linh, huyền ảo. Tương truyền rằng, nếu chạm tay vào bầu sữa Ya Wâm sẽ có được sự nuôi dạy con cái tốt, khỏe mạnh. Chạm vào bàn tay sẽ được ban sự khéo léo. Vì vậy, các chàng trai, cô gái trong hay ngoài buôn khi đến đây đều chạm tay vào bức tượng này. Bà Ya Wâm trước đây cai quản buôn làng rất nghiêm minh và nhân ái, vì mải mê chăm lo cho dân mà quên lấy chồng. Một huyền thoại hư thực rằng: Có một mối tình tuyệt đẹp giữa nữ tù trưởng với vị vua săn voi dũng mãnh.

Trong nắng chiều vàng óng bên dòng Sê Rê Pốk ầm ào tuôn chảy, gương mặt già Ama Phương (buôn trưởng buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể về chuyện xưa lẫn chuyện nay. Từ nhỏ, ông được cùng các Gru (thợ săn voi) rong ruổi qua những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm, những con suối trong mát cận kề buôn làng. Cuộc sống quyện hòa trong không gian đậm đầy nghĩa tình. Ya Wâm là một phụ nữ đẹp, thông minh, giàu có, bà cai quản cả một vùng đất rộng lớn từ Buôn Đôn đến Ea Súp, Cư Mgar, Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk). Bà có một sức mạnh lạ thường có thể điều khiển được mọi vật, được mọi người kính nể và gọi là Mtao Mniê (vua bà) và so sánh ngang với vua Lửa, vua Nước của người Gia Rai.

Thời đó vẫn tồn tại tình trạng buôn bán nô lệ. Nữ tù trưởng Ya Wâm bị một bộ tộc người Gia Rai bắt làm tù binh. Lúc này, Y Thu K’nul trên cương vị tù trưởng ông tuyệt đối không để cho tình trạng bắt bán nô lệ sang nước khác. Y Thu đã dâng một con bạch tượng quý giá làm lễ vật, kèm theo lời thề kết giao hòa hảo giữa hai bộ tộc (nhận người Gia Rai làm cha mẹ) để chuộc lại nữ nô lệ Ya Wâm. Trả ơn cứu mạng, bà Ya Wâm đã cắt một phần đất trong lãnh địa của mình tặng cho Y Thu. Ông đã đưa người Ê Đê, M’nông… đến vùng đất phong cảnh hữu tình, sông suối hiền hòa này sinh sống đó chính là Bản Đôn ngày nay. Thời Y Thu làm tù trưởng, giữa các làng, các dân tộc không còn xung đột về đất đai, tài sản, nô lệ.


 

 Tượng nữ tù trưởng Ya Wâm.
Tượng nữ tù trưởng Ya Wâm.



Theo bà Lê thị Thanh Hà, quản lý khu du lịch Bản Đôn, dựa vào truyền thuyết ấy khu du lịch đã dựng tượng bà Ya Wâm tại vị trí đẹp nhất, nhằm giới thiệu cho mọi người biết về nữ tù trưởng huyền thoại, người đã và đang được cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trân quý.

Nơi bà Ya Wâm thành lập buôn ở xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar ngày nay người ta không tìm ra hình ảnh về bà, nhưng họ hàng gốc tích vẫn còn. Theo già làng Ma Tuân (buôn Ya Wâm A), trong vườn cà phê của gia đình già có 2 ngôi mộ của 2 người em thuộc họ hàng bà Ya Wâm từ trước đến nay được bà con đồng bào coi giữ. Trên 2 ngôi mộ không có cây to mọc. Đây trở thành nơi lui tới của các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa Ê Đê. Theo những người già trong làng, khi lập buôn bà dạy bà con đánh chiêng, cúng Yàng, làm nương rẫy… khi bà Ya Wâm chết, trong buôn ai cũng nhận là con cháu của bà.

Truyền thuyết tình nhân

Núi Cư Hlăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar) được dân làng coi là một ngọn núi thiêng với nhiều truyền thuyết hấp dẫn, tồn tại từ đời này sang đời khác. Trong đó có một truyền thuyết về thiên tình sử tộc người Ê Đê được bà con xuyên suốt các thế hệ bằng câu chuyện đắm màu huyền thoại.

Truyền thuyết kể rằng, dưới chân núi Cư Hlăm có người con gái vị tù trưởng Ama Lăm đẹp tựa đóa hoa pơ lang khiến bao chàng trai mê đắm, nhưng nàng đem lòng yêu con trai của vị tù trưởng buôn Ama Nhai là kẻ thù truyền kiếp của gia đình.

Ở cái tuổi trên 70 nhưng nhìn già Ama Ruê vẫn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Ánh mắt già sáng ánh lên một nỗi niềm khó diễn tả. Câu chuyện về tình yêu của đôi trai gái được lưu truyền qua trí nhớ và truyền miệng. Đó là một tình yêu đẹp nhất giữa chốn đại ngàn. Chính tình yêu ấy đã xóa bỏ được mối hận thù truyền kiếp của 2 buôn làng.

Trải qua bao thế hệ, họ cũng không nhớ nổi vì sao hai buôn lại thù ghét nhau. Vì muốn cuộc sống buôn làng bình yên, tù trưởng Ama Lăm cố giữ không để xảy ra đẫm máu giữa hai buôn. Ông đã nhắm hỏi chàng trai ở vùng đất của nữ tù trưởng Ya Wâm để làm chồng cho con gái yêu. Chuyện này sẽ làm uy tín của ông tăng lên bởi Ya Wâm được rất nhiều tù trưởng quanh vùng nể phục.

 

 Tượng Vua săn voi
Tượng Vua săn voi



Dù bị cha, mẹ đôi bên ngăn cấm, họ vẫn lén gặp gỡ nhau. Y Nhai không chỉ dùng tiếng đàn goong réo rắt để bày tỏ tình cảm mà chàng còn có cả lời đing năm du dương thủ thỉ bên tai H’Lăm làm nàng say mê quên cả thời gian. Vào một đêm trăng sáng, Y Nhai sà xuống ngồi bên H’Lăm, nắm đôi tay âu yếm đặt lên hai bên má mình. Đôi mắt chìm đắm vào nhau, môi sát bờ môi, hai con tim thổn thức một nhịp. Vòng tay chắc khỏe của chàng từ từ siết chặt. Những cành cây sà xuống kín đáo che chở. Bầy chim bỗng dưng im bặt, nín thở...

Chưa đến mùa ăn năm, uống tháng, hội đồng già làng đã phải tụ tập về ngồi bên chiếc ché rượu quý. Trong căn nhà dài lần đầu tiên trong đời, cái đầu kiêu hãnh của tù trưởng Ama Lăm gục xuống đầu gối, không dám nhìn các già làng. Từng ché rượu cần đã dần nhạt men, hội đồng già làng vẫn chưa tìm ra cách phạt nào phù hợp để tù trưởng không bị mất mặt vì đứa con gái duy nhất lỡ trao thân cho con trai kẻ thù.

Phá tan không gian đè trĩu trong căn nhà dài, già E Mắp, người xử kiện trong buôn trầm đều: Đêm hôm qua các Yang đã báo mộng, mối hận thù giữa hai buôn đến lúc cởi được lời thề. Nhà tù trưởng phải nộp phạt một con trâu, một con heo và ba ghè rượu để cúng ông bà. Còn chuyện trai gái kia, nếu H’Lăm thả chiếc bầu trong mỏ nước trên đỉnh núi trôi tới được suối Ama Nhai ta sẽ cho hai đứa lấy nhau. Nếu không tới thì Yang không ưng, đừng nói thêm lời nào.

Quyết định của hội đồng già làng buôn Ama Lăm khiến cả buôn Ama Nhai vừa mừng vừa lo. Bên đầu suối, mẹ con Y Nhai đôi mắt trũng sâu. Amí thương con trai bởi ngày xưa có nhiều đôi trai gái của hai buôn thương nhau nhưng phải khuất phục tục lệ, nếu không sẽ xảy ra việc đánh nhau giữa trai bạn rồi kéo theo cuộc khiên đao tất cả dân sống ở hai làng. Chính bà ngày xưa cũng rung lòng với một người con trai buôn bên đó nhưng cả hai không đủ dũng cảm để chống lại luật tục, bà phải bắt chồng là con trai của chủ đất buôn Sút, ama của Y Nhai bây giờ.

Tiếng reo mừng của Y Nhai, tiếng kêu hoan hỉ của trai gái trong buôn đổ ra bến nước khi thấy chiếc bầu có sợi dây đỏ làm dấu của H’Lăm. Họ vui mừng vì từ nay oán thù được cởi bỏ, trai gái hai buôn tự do thương nhau.

Nhà H’Lăm đưa cả đàn voi năm con đi rước rể kéo dài suốt từ bến nước Ea Nhai đến tận chân núi Cư Hlăm. Một lễ cưới đông vui chưa từng thấy, các tù trưởng và người quanh vùng đến chia sẻ niềm vui.  Lần đầu tiên có một đám cưới xóa bỏ được mối hận thù truyền kiếp...


Theo cán bộ văn hóa, sở văn hóa thể thao du lịch tỉnh Đắk Lắk: Trên mảnh đất Tây Nguyên có nhiều huyền thoại, sử thi…có những truyền thuyết chỉ nằm trong phạm vi một vùng nhưng mang trong nó là linh hồn của văn hóa của một tộc người.  Đó cũng như một phương tiện truyền tải mỹ tục, bản sắc phong tục, tập quán tới những thế hệ mai sau.


Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.