Tây Nguyên căng sức chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù chưa vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, nhưng hiện nay, tại nhiều khu vực Tây Nguyên, người dân đang phải chống chọi với tình trạng khô hạn do nguồn nước ở các hệ thống ao, hồ, sông suối sụt giảm. Trong khi đó, mùa mưa năm nay được dự báo sẽ đến muộn, nguy cơ hạn hán trên diện rộng ngày càng hiện hữu.
 

 Mực nước nhiều hồ thủy lợi ở Lâm Đồng đang ở mức thấp hơn nhiều so với thiết kế, khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Mực nước nhiều hồ thủy lợi ở Lâm Đồng đang ở mức thấp hơn nhiều so với thiết kế, khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN



Hồ cạn, đồng khô

Nhiều tháng nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không có mưa, nhiều nơi nắng nóng kéo dài khiến cho hồ đập cạn trơ đáy, nông dân khốn khổ tìm nước tưới. Hồ thủy lợi Nông trường Đắk Gằn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) có dung tích 65.000m3, là công trình cung cấp nước tưới ổn định cho 100ha cà phê trong vùng. Tuy nhiên, từ nhiều tuần nay, lòng hồ đã khô, trơ những mảng bùn nứt nẻ. Một số điểm, người dân đào sâu thêm vài mét xuống đáy hồ vốn đã cạn, để bòn chút nước ngầm từ lòng đất chảy ra, tưới cho cây.

Bà Lê Thị Liên (thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn) than thở: “Mọi năm, hồ đảm bảo nước cho chúng tôi tưới đến mùa mưa, nhưng năm nay mới giữa tháng 3 thì hồ đã cạn nước trơ đáy rồi. Giờ chúng tôi chẳng biết lấy nước đâu để tưới, nếu kéo dài cây trồng sẽ chết, giờ chỉ biết cầu trời sớm mưa thôi”.

Ông Nguyễn Bá Chín, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Mil, cho biết, đến đầu tháng 4 mà vẫn chưa có mưa, dự kiến trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.766ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 732 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Ngược về Đắk Lắk, nắng nóng kéo dài cũng khiến cho hàng trăm hécta hoa màu, cây ngắn ngày bị thiếu nước nghiêm trọng. Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Lý Văn Tu (thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) trồng 3 sào lúa (3.000m2) nhưng do khô hạn không thể cứu chữa.

Ông Tu buồn bã kể: “Lúa vừa làm đòng thì thiếu nước, tôi cố gắng bơm nước từ suối vào nhưng được vài lần thì suối cũng cạn, đành ngậm ngùi nhìn ruộng lúa bị thiêu đốt. Hạn năm nay đến sớm, không chỉ cây lúa, ngay cả ngô, sắn tôi trồng trên rẫy cũng héo khô vì nắng”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 260ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn. Ngoài ra, nắng gắt kéo dài đã làm mạch nước ngầm suy giảm dẫn đến thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số địa phương (như huyện Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp). Dự kiến đến giữa tháng 4, nếu không có mưa, toàn tỉnh có khoảng 30.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó diện tích không còn nguồn nước để chống hạn có khả năng bị mất trắng khoảng 2.000ha. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra ở nhiều thôn buôn, kể cả khu vực có công trình cấp nước tập trung do giếng khoan bị cạn. Tương tự, tại Kon Tum, tổng diện tích cây trồng bị hạn là hơn 408ha. Có 7 công trình cấp nước tập trung bị khô hạn, làm ảnh hướng đến 1.436 hộ dân...

Tại Lâm Đồng, hàng ngàn ha cây trồng như cà phê, trà, bơ, sầu riêng... khu vực phía Nam (các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đang khô héo từng ngày vì thiếu nước. Dù đầu tháng 3, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa cục bộ “giải nhiệt” một số nơi nhưng không đủ để giải “cơn khát” đang diễn ra trên diện rộng.

Theo dự báo của Đài KTTV Lâm Đồng, cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh ở mức cao, đặc biệt khu vực các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Trong tháng 2-2020, nhiều hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đã không tích đủ nước và hiện mực nước xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường thiết kế, như hồ Ma Đanh dưới 7,15m, hồ Bô Kabang dưới 4,2m, hồ R’Lôm (Đơn Dương) dưới 2,4m, hồ Ma Póh (Đức Trọng) dưới 5m, hồ số 7 (Lạc Dương) dưới 2,95m… Dự báo trong thời gian tới, nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, trên địa bàn tỉnh có khả năng khoảng 25.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới.


 



“Để ứng phó với tình hình hạn hán, ngành chức năng cần phải xây dựng chương trình lâu dài để phòng chống hạn. Trong đó, ngành chức năng phải có chiến lược quy hoạch lại các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước để cung cấp cho các vùng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhà nước quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng, khôi phục lại diện tích rừng đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước ngầm cho toàn vùng Tây Nguyên. Đối với người dân ở những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán phải chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, có khả năng chống chịu hạn cao hơn, ít tiêu thụ nước hơn và có hiệu quả kinh tế hơn. Người dân phải thay đổi tư duy làm nông, áp dụng khoa học vào sản xuất như sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để sử dụng nguồn nước hợp lý nhất. Người dân cần nâng cao trình độ trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi công nghệ mới, giống mới cho phù hợp”.
 

TS Trần Vinh Quyền

Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên




Quyết liệt chống hạn

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, để hạn chế thiệt hại do hạn gây ra, đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới và sinh hoạt cho nhân dân. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị tiến hành nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, kênh dẫn và bể hút trạm bơm; tăng cường bơm chuyền, bơm bổ sung nhiều đợt để tưới cho diện tích cây trồng khó khăn nguồn nước; đào ao, đắp đập tạm, vận hành trạm bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước phục vụ chống hạn; khoan giếng, bổ sung nối dài đường ống cấp nước đảm bảo nước sinh hoạt.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố và Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh chủ động điều tiết nước hợp lý, quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, không để rò rì làm lãng phí nước; huy động nhân lực tại chỗ để nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy từ đầu mối đến cuối kênh.

Tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để hoàn thành đưa vào sử dụng và chống hạn, nhất là các hồ chứa đang triển khai xây dựng mới, tu sửa nâng cấp theo kế hoạch vốn năm 2020; kiểm tra, tu sửa cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo nguồn nước không bị rò rỉ, thất thoát; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ, đắp bờ giữ nước ở chân ruộng, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm; theo dõi, kiểm tra, xác định cụ thể tình hình khô hạn của từng khu vực, chuẩn bị tốt các điều kiện để chống hạn như máy bơm nước, xăng dầu, đường ống nguồn nước dự kiến bơm chống hạn...

Trong đợt kiểm tra tình hình thực tế tại các huyện chịu ảnh hưởng nặng bởi khô hạn, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định mùa khô năm nay có khả năng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán rất lớn. Do đó, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp cụ thể, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, tăng cường kiểm tra việc điều tiết nước tại các công trình thủy lợi, nạo vét công trình nước tự chảy. Đồng thời vận động, hỗ trợ người dân đào ao, hồ nhỏ để chủ động nguồn nước tưới.


 

Theo ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC - ĐÔNG NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.