Cấp bách ứng phó hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù chưa bước vào giai đoạn đỉnh điểm mùa khô hạn tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng hiện nay, nhiều hồ và đập thủy lợi trên địa bàn đã sụt giảm nguồn nước khá lớn so mức trung bình hằng năm, nhiều hồ chứa đã ở mực nước chết. Mùa mưa năm nay được dự báo đến muộn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra trên diện rộng, ở mức độ khốc liệt.

 

Nhiều ao hồ nhỏ tại tỉnh Lâm Đồng đã cạn kiệt nguồn nước.
Nhiều ao hồ nhỏ tại tỉnh Lâm Đồng đã cạn kiệt nguồn nước.



Hạn hán tiếp tục gay gắt

Giữa cái nắng khá gắt, dẫn chúng tôi thăm đồng lúa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) Ma Vương Nai Huyền cho biết, nếu không có phương án điều tiết nước tưới phù hợp, cánh đồng hơn 60 ha này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gần giữa trưa, nhưng nhiều cán bộ khuyến nông của xã Tà Hine cùng người dân vẫn tất bật khơi mương để dẫn dòng nước về đồng. Đang canh trực khu vực trạm bơm, anh K’Tiến cho biết: “Vụ mùa này, gia đình mình canh tác 2.000 m2 lúa, cùng với 1 ha cà-phê. Để phục vụ nước tưới cà-phê, mình đào thêm ao để chủ động nguồn nước; còn ruộng lúa, may nhờ chính quyền hỗ trợ tăng cường máy bơm, không thì vụ này coi như mất trắng”. Còn anh Phạm Lê Phú, thôn Tà Hine, xã Tà Hine lo lắng: “Nắng nóng kéo dài, chúng tôi phải tưới tiết kiệm. Do thiếu nước, nguy cơ vườn cà-phê sẽ bị ảnh hưởng rất cao”.

Rời Đức Trọng, chúng tôi đến huyện Đơn Dương. Nắng nóng phả xuống cánh đồng tại thôn R’Lơm, xã Tu Tra. Nhiều nhà nông vẫn chưa thể gieo trồng vì phải chờ nguồn nước dẫn về đồng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Đơn Dương là địa phương có nhiều nhất số hồ chứa, hiện mực nước đang dưới mức bình thường (từ 2 đến 7 m). Mực nước tại các hồ đang sụt giảm nhanh, dự báo sẽ xảy ra hạn hán cục bộ tại nhiều nơi trong huyện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện vùng sản xuất cây công nghiệp đã bị ảnh hưởng. Nếu nắng nóng kéo dài hơn một tháng nữa, nguy cơ tác động đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân rất nghiêm trọng.

Không chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, với lượng nước đang tích tại 21 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn khoảng 33%, vụ đông xuân và hè thu năm nay ở Ninh Thuận cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng. Vùng hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải có dung tích thiết kế 800 nghìn mét khối nước, cung cấp nước cho hơn 200 ha nho, hành, tỏi... đã trơ đáy nhiều tháng. Nhiều hộ dân phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào ao, khoan giếng lấy nước, tuy nhiên, việc khoan trúng mạch nước ngầm ngày càng khan hiếm. Nhiều nông dân phải mua nước từ ngoài làng chở vào rẫy tưới cho cây. Thiếu nước, cây trồng cho năng suất thấp hoặc chết khô, nhiều nông dân tính đến chuyện bỏ đất hoang đi tìm việc khác để mưu sinh.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Hiện nay, tại ba huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên có hơn 2.300 ha đất canh tác nguy cơ thiếu nước tưới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ, mùa khô năm nay có khả năng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán rất lớn. Do đó, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp cụ thể, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; tăng cường kiểm tra việc điều tiết nước tại các công trình thủy lợi, nạo vét công trình nước tự chảy; vận động, hỗ trợ nhân dân đào ao, hồ nhỏ để chủ động nguồn nước tưới.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xác định phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và cháy rừng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân... Tỉnh chỉ đạo tạm dừng các hoạt động sản xuất chưa thật sự cần thiết để tiết kiệm nước. Đồng thời có phương án hỗ trợ cho người dân vùng hạn, nhất là hỗ trợ gạo, nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trước mắt, Ninh Thuận tập trung nguồn nước tại các hồ chứa cung cấp nước tưới cho cây lúa, cây màu và cây trồng lâu năm. Tạm dừng sản xuất 30 ha cây màu ở hồ chứa nước Sông Biêu do không bảo đảm nguồn nước.

Hạn hán tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Các giải pháp trước mắt đã được triển khai để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, về lâu dài, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các địa phương cần theo dõi, dự báo, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, hạn hán để thông tin kịp thời, triển khai ứng phó phù hợp với từng giai đoạn. Các ngành chức năng cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước... Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng cần có chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến sử dụng tiết kiệm nước, rà soát, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn, phòng lũ... Xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 phù hợp thông tin dự báo khí tượng - thủy văn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực.

 

Từ tháng 2 đến tháng 7-2020, tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so trung bình nhiều năm cùng kỳ 25 đến 80%, một số sông thiếu hụt hơn 90%. Từ tháng 3 đến tháng 5, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi, khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 6 đến tháng 8, khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ tương đương mùa khô năm 2019. Nguồn nước ngầm phục vụ công tác chống hạn hiện cũng đang sụt giảm nghiêm trọng.
 

Hoàng Đức Cường
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn

 

Theo Tuấn Ngọc, Nguyễn Trung và Văn Bảo (nhandan)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.