Cả ngày thầy Võ Trí Hoàn là một Hiệu trưởng, chiều tối thầy là một nhiếp ảnh gia, còn đêm về thầy lại cặm cụi như một kỹ thuật viên máy tính.
Chiều muộn, khi đàn chim đã mỏi cánh về rừng tìm chốn ngủ, những đàn bò đang đủng đỉnh trở về chuồng sau một ngày rong ruỗi kiếm ăn, thì người dân các buôn làng Chư Mố, xã Chư Mố, Huyện Ia Pa, Tỉnh Gia Lai lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông với hình dáng nhỏ nhắn, lầm lũi, mang bên vai chiếc máy hình cũ kỹ đi tới các gia đình trong làng.
Thoạt đầu, ai không biết cứ tưởng đó là một nhiếp ảnh gia đang tìm kiếm khoảnh khắc để sáng tạo các kiệt tác nghệ thuật.
Mà cũng có thể lắm, vì những hình ảnh mà thầy lưu lại còn hơn thế, nó đã chạm tới đáy lòng của biết bao nhiêu người, nó không vì nghệ thuật mà còn là “ Nghệ thuật vị nhân sinh ”. Đó chính là thầy giáo Võ Trí Hoàn.
Với chiếc máy ảnh trên tay, thầy Võ Trí Hoàn đã đến từng buôn làng, từng nhà học sinh để ghi lại chân thực hoàn cảnh sống của từng em từ đó có nhưng thông tin hữu ích gửi đến các mạnh thường quân kêu gọi giúp đỡ vì thế nhiều học sinh đã được đến trường (ảnh bạn đọc cung cấp).
Sinh năm 1968 trên mãnh đất Can Lộc - Hà Tĩnh, từ nhỏ đã nuôi ước mơ làm thầy giáo (nối tiếp nghề của Cha Mẹ) để mang cái chữ đến với các em học sinh thân yêu.
Và thầy Võ Trí Hoàn đã chọn mãnh đất Tây nguyên làm điểm đến và là miền đất hứa để anh khởi nghiệp và thực hiên mơ ước của mình.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp lớp Toán – Lý tại trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai - Kon Tum, thầy được sự phân công của cấp trên về nhận công tác tại một trường ở ngã ba Đông Dương (Ngọk Hồi, Kon Tum), năm 1995 chuyển công tác về trường Trung học Cơ sở thị trấn Ayun Pa, của huyện Ayupa.
Với lòng yêu nghề mến trẻ, thầy Hoàn đã đem hết lòng nhiệt huyết và những gì lĩnh hội được ở trường Sư phạm để truyền đạt lại cho các em. Được sự dìu dắt thầy, bao thế hệ học trò đã tiến bộ nhanh và thành đạt.
Bằng chính năng lực và sự cố gắng của bản thân anh đã được cấp trên ghi nhận và đề bạt lên làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng.
Năm 2010 thầy được điều động về nhận công tác tại trường trung học cơ sở Nay Der, xã Chư Mố, Huyện Ia Pa, Tỉnh Gia Lai với cương vị là Hiệu trưởng, người giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong nhà trường.
Mới về, nhìn thấy ngôi trường tồi tàn, cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng.
Những hình ảnh chân thực về thầy Võ Trí Hoàn, người nặng lòng với sự nghiệp trồng người trên cao nguyên đất đỏ (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Cả đội ngũ giáo viên cũng như học sinh gần như 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đứng trước muôn vàn khó khăn chồng chất đó thầy Hoàn đã băn khoăn trăn trở thật nhiều.
Lúc này, thầy Hoàn đã tâm sự với nhiều đồng nghiệp rằng: “Cơ sở vật chất, trường lớp như thế này thì làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh chứ chưa nói đến chất lượng dạy học.
Nhìn thấy học trò đến trường xanh xao, rách rưới, lưa thưa, hôm đi hôm nghỉ thấy mà thương vô cùng! ”.
Từ đó thầy đã trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để từng bước giải quyết những khó khăn trước mắt đây?
Nhưng rồi, với tấm lòng yêu nghề mến trẻ, tình thương vô bờ bến, cũng như phẩm chất của một người quản lý, thầy Hoàn đã quyết tâm phải làm, phải khắc phục.
Song song với việc tham mưu với cấp trên để kịp thời xây dựng và sửa chữa thì thầy đã động viên anh em giáo viên trong trường không nên trông chờ và ỷ lại, bản thân tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường phải nỗ lực cố gắng trước đã.
Để làm được điều đó, thầy đã xây dựng mối đoàn kết trong tập thể rất tốt, vừa cương vừa nhu, tùy theo từng trường hợp để tạo sự đồng thuận, đồng lòng của mọi người.
Thầy Hoàn luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, động viên và có hướng giúp anh em tự học, tự nghiên cứu cũng như tham gia các lớp tập huấn, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Hướng dẫn tỉ mỹ cho các thầy cô giáo sử dụng máy tính, kết nối mạng Internet để soạn giảng giáo án điện tử.
Đặc biệt, mỗi đêm về thầy đã mày mò tự học để kiêm luôn vai trò của một nhân viên kỹ thuật công nghệ nhằm mục đích sửa chữa máy tính của trường và hướng dẫn các thầy cô sử dụng máy một cách thành thạo.
Thầy còn nhận sửa máy tính miễn phí cho các giáo viên không chỉ ở trường mà cả các trường khác trong huyện.
Có những buổi tối, thầy đã quên bữa ăn vì hướng dẫn cho mọi người về những phần mềm và ứng dụng mới trong giáo dục để đồng nghiệp tiếp cận và vận dụng kịp thời phục vụ giảng dạy.
Hoặc thậm chí, thức đến 2-3 giờ sáng để sửa xong máy cho các thầy cô có để sử dụng.
Có thể nói rằng, nhờ việc quản lý và chỉ đạo chặt chẽ của thầy Hoàn - miệng nói, tay làm chứ không chỉ là bằng cách chỉ đạo suông.
Nhờ sự nhiệt tình của thầy Hoàn, nhiều em nhỏ nhận được quà từ các mạnh thường quân trong nước và ngoại quốc (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Thầy đã tự tay sửa chữa hệ thống điện, nước của trường nếu bị hư hỏng mà không cần phải kêu thợ.
Vì thế mà đội ngũ giáo viên – Nhân viên của trường từ đó, noi gương thầy luôn làm việc với tinh thần năng động, hăng hái tự giác, đoàn kết và đạt hiệu quả cao.
Trường lớp sau một thời gian dài cố gắng thì cũng đã tạm ổn, nếu không nói là khang trang.
Tuy từ khi thầy giữ chức vụ quản lý, mặc dù có nhiều thành tích nhưng thầy vẫn có những thiệt thòi. Tuy nhiên, hơn ai hết, thầy Hoàn không quan trọng điều đó.
Hình như, với thầy lúc này, làm sao để học sinh đi học đều, được học trong mái trường khang trang là điều thầy mãn nguyện.
Và, chính đội ngũ nhà trường,chính quyền địa phương cũng như phụ huynh học sinh luôn ghi nhận công lao mà thầy đã đóng góp.
Ở trường thầy hay được đồng nghiệp gọi với cái tên trìu mến là “Con ong chăm chỉ”, bởi vì trong một ngày thầy giữ rất nhiều vai trò và vị trí khác nhau.
Cả ngày thầy là một Hiệu trưởng, chiều tối thầy là một nhiếp ảnh gia, còn đêm về thầy lại là một kỹ thuật viên máy tính.
Còn nữa, những ngày nghỉ cuối tuần thầy lại là một tình nguyện viên thiện nguyện. Vì thế, nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao thầy lại có đủ sức để làm nhiều việc như vậy.
Có lẽ, không cần câu trả lời thì nhiều người cũng hiểu được rằng đó chính là sức mạnh của lòng nhân ái, tình thương yêu học sinh đã tạo động lực để anh làm việc bền bỉ mà không mỏi mệt.
Như vậy, sau một thời gian nhận công tác tại mái trường này, thầy đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, như cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ.
Giờ đây, điều khiến thầy băn khoăn nhất và cũng là vấn đề cấp thiết mà ngành giáo dục cả tỉnh Gia Lai đang quan tâm đó là vấn đề duy trì sĩ số học sinh.
Điều này đã khiến thầy Hoàn trăn trở bao đêm để tìm ra giải pháp hữu ích nhất.
Và rồi, cứ sau mỗi ngày làm việc thầy lại một mình lầm lũi tìm đến các buôn làng để tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của người dân tộc Jrai nơi đây, về điều kiện, hoàn cảnh sống, đặc biệt tới nhà của những học sinh thường xuyên nghỉ học hay có nguy cơ bỏ học, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bấy giờ Thầy Hoàn đã dần hiểu được cuộc sống của các em nơi đây còn nhiều khó khăn, nhiều em dù chỉ mới là học sinh lớp 7, lớp 8 nhưng đã là lao động chính trong nhà.
Các em phải theo bố mẹ vào nương rẫy để làm việc kiếm sống qua ngày.
Hoặc bên cạnh đó có những gia đình phụ huynh đau ốm nặng mà không có tiền để tới bệnh việc chữa trị, đành nằm ở nhà đợi chết.
Thầy đã vô cùng xót xa. Thế rồi, tại nơi đây, bằng chiếc máy hình cũ kỹ của mình, thầy đã lưu lại những hình ảnh quan trọng, để từ đó thầy về trường vận động Cán bộ - Giáo viên và nhân viên trong trường, đóng góp để giúp đỡ các em.
Tiếp theo là thầy đứng ra kêu gọi người thân, bạn bè rồi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài huyện, thậm chí là ngoài tỉnh, và nước ngoài gửi về.
Lúc đầu chỉ là cuốn vở, cây bút, cái quần cái áo, rồi đến bao gạo, thùng mì gói sau đó tăng dần lên là những chiếc xe đạp và cả bằng tiền mặt.
Và cho đến nay, bằng uy tín và tấm lòng “ tương thân tương ái” mà thầy đã tạo được tiếng tăm để rồi các nhà hảo tâm, các tổ chức và cá nhân ủng hộ ngày càng nhiều.
Đã tạo cơ hội cho học sinh không chỉ riêng trường thầy mà cả các trường khác trên địa bàn tỉnh Gia lai được đến trường từ nguồn quỹ từ thiện do thầy sáng lập ra và quỹ đó có tên gọi là “Nhóm từ thiện Ảnh đẹp Ayunpa” mà thầy và một vài người nữa làm đại diện.
Cũng từ đây, rất nhiều bệnh nhân là phụ huynh, học sinh được điều trị và phẫu thuật.
Người dân tin yêu thầy như tin yêu chính những người già làng trưởng bản của họ vậy.
Nguyễn Thị Mận (Giáo Dục VN)