Tay đấm Trương Đình Hoàng - điều chưa kể - Kỳ 1: Từ 'cu quậy' đến nhà vô địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hành trình khổ luyện của tay đấm duy nhất trong lịch sử võ thuật Việt Nam đã hạ các võ sĩ từ cường quốc võ thuật Thái Lan, Hàn Quốc để đoạt hai đai vô địch WBA châu Á và Đông Á cùng nhiều huy chương SEA Games, quốc gia.
Ngày nhỏ, Hoàng hay dùng quả đấm để bảo vệ em gái - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại
Ngày nhỏ, Hoàng hay dùng quả đấm để bảo vệ em gái - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại
Những câu chuyện chưa kể về "cu quậy" từ nương rẫy cà phê Buôn Ma Thuột đến vinh quang võ đài, và lan tỏa lối sống trẻ, khỏe, sẵn sàng đối mặt thử thách để đi đến cùng khát vọng...
"Thằng Hoàng hay bênh đứa yếu, bảo vệ tụi nhỏ ở xa trường nên tui mới cho học võ. Chứ nó ngỗ ngược, bạ đâu đánh đó thì chắc gì tôi cho tập.
Người cha Trương Đình Đế
Nhiều tháng kể từ khi Trương Đình Hoàng hạ đo ván đối thủ người Thái Lan Yuttana Wongda trong trận đấm tranh đai WBA châu Á hạng siêu trung (76kg), người ta vẫn nhắc "tay đấm vàng" Việt Nam này. Thế nhưng, hiếm ai biết "cu quậy" - một cái tên do người dân xã Ea Phê (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đặt cho anh.
Nỗi sợ của người mẹ
Từ TP.HCM, tôi lần theo địa chỉ trên mạng tìm đến phòng tập boxing biển hiệu Trương Đình Hoàng trên đường Phan Trọng Tuệ, TP Buôn Ma Thuột. Căn nhà riêng có gian tập luyện khá rộng này cũng là nơi ở của vợ chồng tay đấm Trương Đình Hoàng cùng hai người con nhỏ. Một cậu bé trong xóm cười hãnh diện chỉ nhà "người nổi tiếng của xóm". Từ cổng đã nghe những tiếng đấm huỳnh huỵch vọng ra.
Vắt mình trên dây đấu đài, anh Cao Văn Nguyên, cựu võ sĩ đang làm việc tại phòng tập, nở nụ cười thân thiện. Khi nghe hỏi thăm về chiếc đai WBA châu Á mà Hoàng vừa đoạt, Nguyên khoe ngay: "Đấy, chiếc đai mà anh Hoàng theo đuổi mãi mới có được". Anh vừa nói vừa chỉ tay đến góc tủ, nơi treo hàng trăm tấm huy chương, cúp và đai mà Hoàng đã đạt được. Nhưng đó là câu chuyện hiện tại...
Tay đấm vàng Trương Đình Hoàng chào đời ở một thôn nghèo thuần nông xã Ea Phê (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cách đây 30 năm. Với mọi người, Hoàng sớm được coi là "cậu nhóc siêu quậy" với cá tính mạnh mẽ, suốt ngày chạy chơi khắp nơi rồi trở về với khuôn mặt sưng tấy, quần áo lấm lem. Giữa rừng núi đại ngàn Ea Phê, để bảo vệ cô em gái kém mình 5 tuổi hay đơn giản chỉ để "phân tài cao thấp" thường được Hoàng cùng nhóm bạn giải quyết bằng nắm đấm. Sớm va chạm, cậu chẳng biết sợ hãi trước sức mạnh là gì, dù đối phương to con lực lưỡng hoặc nhóm đông.
Nhiều thầy cô ở Trường THCS Ea Phê (Krông Pắk) lúc ấy đều tỏ ra không vui trước cậu học trò cá tính mạnh mẽ này. Thế nhưng, người bố - ông Trương Đình Đế - dường như đoán biết sở thích và tương lai cậu con nên cho theo học ở một võ đường trong xã. Việc ấy với Hoàng như thêm lần "khai sinh" ra anh.
Mỗi lần đến võ đường là mỗi lần hứng thú nên cậu bé tập luyện rất chuyên tâm. Võ thuật cũng mang lại sự cân bằng khiến cậu chăm chú học hành hơn. Kết quả học tập ở trường khá dần lên khiến bà Trần Thị Kim Tân, mẹ Hoàng, vui vẻ hẳn. Nhưng niềm vui không lâu chợt một ngày tắt ngấm khi họ nhận cuộc điện thoại báo tin Hoàng nhập viện cấp cứu. Đó là buổi sáng giữa tháng 9-2004, Hoàng bị một nhóm đánh hội đồng ngay tại sân trường. Cậu bị đánh lén bằng khúc gỗ lớn vào đầu với vết rách dài, gây co giật, bất tỉnh, máu me đầm đìa... Mọi người hồi ấy cứ nghĩ Hoàng đã chết.
Đó cũng là lý do cho đến nay bà Tân chẳng bao giờ dám xem con trai đấu đài. "Thằng Hoàng lúc đó bị đánh toác đầu, ngất xỉu. Đến phòng cấp cứu bệnh viện, tôi bàng hoàng không nhìn ra mặt con. Thật khủng khiếp!" - người mẹ kể trong trạng thái còn sợ hãi như việc mới xảy ra hôm qua.
30 tuổi, sự nghiệp võ thuật của Hoàng đã rất đáng nể - Ảnh: CÔNG TRIỆU
30 tuổi, sự nghiệp võ thuật của Hoàng đã rất đáng nể - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hái cà phê và... boxing
Vụ việc xong xuôi, Hoàng được chuyển lên TP Buôn Ma Thuột để trọ học. Mãi sau này Hoàng mới biết môi trường mới là nơi duy nhất mà mẹ cậu có thể đảm bảo con trai mình sẽ không bị một trận đòn như thế nữa. Xa nhà, ít bạn, ngoài thời gian tại trường, Hoàng tiếp tục theo tập ở một lớp võ cổ truyền trong phố. Sớm bộc lộ năng khiếu, cậu lọt vào "mắt xanh" của võ sĩ Nguyễn Đình Viên - huấn luyện viên đội tuyển wushu tỉnh Đắk Lắk lúc ấy. Hoàng vượt qua kỳ thi tuyển chọn rồi sớm trở thành tuyển thủ của đội wushu tỉnh nhà ở nội dung tán thủ.
Đầu năm 2005, chàng võ sĩ trẻ được tham dự giải vô địch cúp các câu lạc bộ (CLB) trẻ toàn quốc diễn ra tại TP Cần Thơ. Với đứa trẻ tuổi 15 còn hiếu thắng như Hoàng, trong đầu cậu chỉ tâm niệm một điều "mình phải cố gắng thi đấu thật tốt, biết đâu có cơ hội thể hiện mình trước các chuyên gia và được thi đấu ở nhiều giải nữa". Nhưng mọi thứ không như ý muốn, Hoàng thất thủ trước đối thủ mạnh rồi ngậm ngùi tay trắng ra về.
Giải vô địch wushu trẻ toàn quốc diễn ra tại TP.HCM sau đó không lâu là cơ hội tiếp theo để Hoàng quyết tâm khẳng định lại mình. Cũng thật khó, những kinh nghiệm "đánh đấm" lúc nhỏ làm sao có thể giúp cậu hạ gục được những đối thủ đều dày dạn kinh nghiệm. Chỉ sau một vài hiệp đấu, cậu tiếp tục rời sàn tay trắng. "Hồi đó ở nhà toàn đi hái cà phê với bố mẹ, tập luyện không bài bản nên không thể trụ nổi trước mấy đối thủ quá chuyên nghiệp" - Hoàng nhớ lại.
Sau thất bại ở hai giải đấu, Hoàng trở về nhà, lại làm nông cùng gia đình. Đội nắng hái cà phê mà trong lòng Hoàng vẫn khao khát thi đấu. Cho đến cuối năm 2006, anh tình cờ đọc bản tin trên báo về đợt tuyển chọn của CLB boxing trẻ tỉnh Đắk Lắk. Hoàng khăn gói lên Trung tâm Huấn luyện thể thao Đắk Lắk, rồi được tuyển vào đội tuyển boxing trẻ của tỉnh nhà. Niềm vui nối tiếp khi hơn 1 tháng sau, Hoàng được chọn lên tuyển boxing trẻ toàn quốc. Anh khăn gói lên đường về Đà Nẵng tập luyện mà lòng hừng hực khí thế.
Xuất phát điểm khá muộn nhưng sự dày dạn được gọt giũa từ những trận đấu suốt tuổi thơ đã giúp Hoàng trở thành trường hợp đặc biệt trong mắt ban huấn luyện. Tập luyện tại Đà Nẵng, tay đấm này thượng đài ở các sân chơi lớn hơn. Đó là giải vô địch cúp các CLB quốc gia diễn ra tại Nghệ An vào đầu năm 2007. Một giải đấu mà Hoàng phải đụng độ rất nhiều võ sĩ đàn anh tên tuổi, và anh hạ đối thủ từng đoạt huy chương bạc Đại hội TDTT toàn quốc để giành lấy tấm huy chương bạc đầu tiên.
Bốn tháng sau, niềm vui của anh lại tiếp tục với tấm huy chương vàng giải vô địch các CLB trẻ toàn quốc tại TP Quảng Ngãi. Cái tên Trương Đình Hoàng bắt đầu khẳng định vị thế trong giới võ đài.
Hoàng "có máu" võ thuật trong người
"Không cùng bộ môn nhưng tôi theo dõi rất kỹ quá trình tập luyện và thi đấu của tay đấm boxing Trương Đình Hoàng. Đặc biệt là khi anh giành được huy chương vàng SEA Games, rồi chiến thắng áp đảo trước đối thủ người Hàn Quốc Lee Gyu Huyn trong trận tranh đai WBA Đông Á và tiếp tục hạ knock-out đối thủ Thái Lan Yuttana Wongda trong trận tranh đai WBA châu Á hạng siêu trung (76kg) để trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên giữ 2 đai vô địch WBA Đông Á và WBA châu Á. Phải khẳng định Hoàng "có máu" võ thuật trong người, nhưng hơn hết là sự kiên trì tập luyện để được đi đến cùng đam mê của anh" - Trần Văn Hùng, huyền đai đệ tứ đẳng taekwondo, chia sẻ.
QUỐC MINH
"Tuổi vừa mới lớn đã đạt được khá nhiều danh hiệu khiến tôi ngạo nghễ mà quên luôn cả việc tập luyện. Kết quả là trận thua trước một đối thủ yếu hơn. Sự tự tin khiến tôi tự knock-out chính mình...".
>> Kỳ tới: Knock-out... chính mình
Theo CÔNG TRIỆU (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.