Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng blockchain

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, cần làm rõ các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain phát triển, làm tiền đề cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.
Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Sáng 29/9, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội (Hà Nội), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”.

Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Kinh tế, Pháp luật, Tài chính-Ngân sách, Tư pháp, Quốc phòng-An ninh, Đối ngoại...

Tại Hội thảo, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã trình bày tham luận về các vấn đề trọng tâm của công nghệ blockchain, các ưu thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng thực tiễn của công nghệ này như dịch vụ tài chính, quản lý danh tính, chuỗi cung ứng và giao dịch tài chính.

Đặc biệt, trong Hội thảo dành riêng cho các nhà lập pháp lần này, các lãnh đạo và chuyên gia đại diện cho Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain, kinh nghiệm tiếp cận và quản lý tài sản số từ các quốc gia, nền kinh tế lớn đồng thời nêu rõ thách thức và cơ hội đối với các nhà lập pháp Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.

Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu ý kiến.

Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu ý kiến.

Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành quy định quản lý tài sản số như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore... nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng.

“Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng”, ông Huây nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị, việc thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ, đồng thời đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như: tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản số dưới góc độ Bộ Luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.

Tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng XIII.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.