Tăng gia sản xuất, một thời...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau ngày giải phóng miền Nam, cơ chế bao cấp rất nặng nề, đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thiếu đói; đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng không hơn gì. Các ngành dân chính Đảng mỗi người được cung cấp 13 kg lương thực/tháng, các lực lượng vũ trang 21-22 kg nhưng 50-60% trong số đó không phải là gạo.
Vì vậy việc tự cấp tự túc, tăng gia sản xuất, đặc biệt là lúa gạo trong từng cơ quan, đơn vị được phát động thành phong trào. Nhà nhà, người người trồng lang, nuôi heo; có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, công ty, cửa hàng mậu dịch quốc doanh... làm cả việc khai hoang, trồng cây lương thực. Bất cứ ở đâu có đất là trồng trọt, ngay cả trên vỉa hè đường phố của thị trấn, thị xã, khuôn viên nơi làm việc; chỗ nào có thể là làm chuồng nuôi heo, gà, vịt...
Phong trào tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm ấy diễn ra hầu khắp cả nước
Phong trào tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm ấy diễn ra hầu khắp cả nước (ảnh internet)
Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (cũ) được xã An Phú (thị xã Pleiku bấy giờ) ưu ái giao chừng 1 ha đất trồng lúa 2 vụ ở phía Bắc cánh đồng An Mỹ. Cánh đồng An Mỹ ngày ấy được coi là một trong những vựa lúa của Gia Lai-Kon Tum, rộng gần 300 ha, nguồn nước tự nhiên khá dồi dào nên bà con hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở đây gieo cấy được 2 vụ, năng suất bình quân đạt 4-5 tấn lúa/ha/vụ. Tuy nhiên, vùng đất ruộng mà xã giao cho Văn phòng Tỉnh ủy canh tác không mấy hiệu quả. Cũng cày bừa, gieo cấy, bón phân chăm sóc “bài bản như ai”, song cây lúa chẳng phát triển, mỗi vụ thu hoạch tính ra được chừng vài tấn, nếu tính toán chi ly thì lỗ nặng. Ngoài lúc “cao điểm” ra, hàng tháng thường xuyên có 2 nhân viên là đoàn viên thanh niên ngày đêm chăm sóc, bảo vệ; mỗi lần thay người có ô tô đưa đón. Tại đây có một căn nhà mái tôn, vách ván khá khang trang sạch sẽ; tuy thế, ít ai muốn mình đi làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất đặc biệt này, dù mỗi đợt chỉ một tuần. 
Tăng gia sản xuất, góp phần tự túc lương thực được coi là một trong những nhiệm vụ được ghi trong nghị quyết của cấp ủy Đảng và Đoàn thanh niên cơ quan, hàng năm có báo cáo, kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng những người tích cực, phê bình nghiêm túc những người không hoàn thành công việc được giao. Một lần, người viết bài này nêu ý kiến về tính hiệu quả của việc làm... kinh tế theo kiểu “tự sản tự tiêu” này trong cuộc họp cấp ủy cơ quan thì liền bị phê phán quyết liệt, nêu cả quan điểm lao động là vinh quang. Tôi biết ngoài mình ra, nhiều người không phải vì lười lao động mà không đồng tình với cách sản xuất tự cung tự cấp này, nhưng không thể phản đối. Nói cho công bằng, dù hiệu quả kém, song hàng năm mỗi cán bộ, nhân viên cũng được “phân phối” thêm một phần lương thực gồm có gạo và khoai lang (tận dụng những chỗ đất không thể cấy lúa, chúng tôi trồng khoai lang, khoai môn...). Nói chuyện trồng khoai lang, chúng tôi làm cũng rất công phu. Dùng xe Zin 3 cầu, xe Gaz 69 của cơ quan chở anh chị em đoàn viên thanh niên đi hàng trăm cây số chặt cây cúc quỳ, lên tận trại chăn nuôi heo giống “cấp hai” thị xã Kon Tum, Nông trường bò Hà Tam để... xin phân về bón lót. Mà lạ thay, trồng khoai lang bón lót cây cúc quỳ khoai lại rất tốt và không có sùng, không bị nhiễm bất cứ một loại sâu bệnh nào.
Sau lần tôi bị phê phán về phát biểu “tính hiệu quả trong sản xuất tự túc lương thực”, chú Nguyễn Hồng Minh-Bí thư Đảng bộ cơ quan, Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum-gặp riêng và giải thích cho tôi hiểu về chủ trương phong trào này. Ông bảo, đại thể: Đất nước sau chiến tranh vẫn còn thù trong giặc ngoài, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, dân còn đói. Mỗi chúng ta, mỗi cơ quan, đơn vị sắp xếp nhân sự, thay nhau vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn vừa tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, làm tốt chuyện đó là góp phần giải quyết bớt khó khăn chung của đất nước mà lại cải thiện một phần nhỏ đời sống của chính cán bộ, nhân viên trong từng cơ quan, ấy là điều nên làm. Còn tính toán chi ly thì ai cũng biết là không hiệu quả. “Cậu là Đảng ủy viên, Bí thư chi đoàn mà tư tưởng không thông, thiếu gương mẫu thì làm sao lãnh đạo đoàn viên thanh niên?”-chú nói.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì phong trào tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm ấy diễn ra hầu khắp cả nước, từ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và kéo dài cho đến tận gần cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Đó cũng là một giai đoạn lịch sử của đất nước, một thời kỳ khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu do hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài nhiều thập niên của ngoại bang để lại. Thiết nghĩ, thế hệ hôm nay càng biết và hiểu về lịch sử càng nên ra sức học tập, rèn luyện, đem công sức của mình phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Và hãy tự hào rằng mình là người dân của đất Việt, nơi có truyền thống lịch sử anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã ngàn đời nay!
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.