(GLO)- Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu tăng cao, các đại lý thường lợi dụng sự chủ quan của nông dân để bán những sản phẩm phân bón, thuốc BVTV hết hạn sử dụng, không nhãn mác… dẫn đến cây trồng bị chết hoặc giảm năng suất, trong khi cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác thanh-kiểm tra những mặt hàng này.
Gia Lai là tỉnh có diện tích cây trồng hàng năm khá lớn, trong đó các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê gần 80.000 ha, hồ tiêu khoảng 13.000 ha và trên 100.000 ha cao su, chưa kể diện tích cây ngắn ngày như lúa nước, mía, bắp và rau đậu các loại… Đây được xem là một trong những thị trường béo bở để các công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV giới thiệu và đưa sản phẩm của mình đến tay người nông dân.
Ảnh: Minh Quang |
Vì vậy, sự ra đời của hàng trăm cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại các huyện, thị xã, thành phố cung cấp sản phẩm phục vụ cho người nông dân cũng là điều dễ hiểu. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng năm các cơ quan chức năng đều tổ chức các đợt thanh-kiểm tra các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV nhằm giúp nông dân lựa chọn những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng tạo ra những mùa vàng bội thu.
Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các phòng và cơ quan chức năng tiến hành thanh-kiểm tra 51 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện 26/51 cơ sở vi phạm với những nội dung chủ yếu như hồ sơ kinh doanh nhãn mác các loại hàng hóa; kinh doanh hàng hết hạn sử dụng; công bố sản phẩm hợp quy… Đặc biệt, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 6 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 31 triệu đồng về các lỗi vi phạm như: kinh doanh thuốc BVTV hết hạn sử dụng, thuốc BVTV trên nhãn có nội dung không đúng với giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV so với danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã cảnh cáo 6 cơ sở và buộc 6 cơ sở khác phải viết cam kết không vi phạm và hiện đang thụ lý hồ sơ của 2 cơ sở chờ kết quả xử lý.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Công tác thanh-kiểm tra các mặt hàng vật tư nông-lâm nghiệp được ngành rất quan tâm và thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra trước và trong mỗi vụ sản xuất nhằm ngăn chặn những mặt hàng kém chất lượng giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thanh-kiểm tra hiện gặp không ít khó khăn, như các cơ sở kinh doanh thường né tránh, đóng cửa không chịu hợp tác khi biết tin có đoàn kiểm tra đến làm việc.
Không những vậy, kinh phí, phương tiện và con người để phục vụ công tác thanh-kiểm tra những mặt hàng này còn hạn chế... Bên cạnh đó, Nghị định số 47/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và PTNT ra đời ngày 14-5-2015 nên chưa triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai thanh-kiểm tra lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống cây trồng và phân bón. Đặc biệt, sẽ tổ chức lấy một số mẫu phân bón để kiểm định chất lượng… giúp nông dân lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất chất lượng cao. Tăng cường quản lý chặt chẽ các mặt hàng vật tư nông nghiệp không để những sản phẩm kém chất lượng đến tay người nông dân là biện pháp quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng.
Nguyễn Diệp