Tăng cường cán bộ về cơ sở 20 năm nhìn lại - Kỳ 1: Quyết sách kịp thời, đúng đắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Tháng 2-2001, nghe theo lời xúi giục, kích động của bọn phản động FULRO, đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Tây Nguyên-trong đó có Gia Lai-đã tham gia biểu tình, gây rối ở nhiều địa phương để đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị”. Trước tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, nhằm góp phần củng cố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tổ chức lần lượt 3 đợt tăng cường cán bộ các sở, ngành về cơ sở. Trong số này, đáng chú ý là chủ trương tăng cường 33 cán bộ về các xã trọng điểm (từ năm 2002 đến 2004). 20 năm nhìn lại, quyết sách trên được đánh giá là hết sức kịp thời, đúng đắn, vừa góp phần củng cố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, vừa giúp đội ngũ cán bộ trưởng thành từ thực tế.

Tròn 2 thập kỷ đã trôi qua, song từng chi tiết về sự kiện biểu tình, gây rối vào tháng 2-2001 và chủ trương đưa cán bộ về tăng cường tại các xã trọng điểm vẫn còn lưu giữ trong tâm trí ông Phạm Đình Thu-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. “Dù gặp nhiều khó khăn nhưng phần đông số cán bộ này rất trách nhiệm, nhiệt tình, có bản lĩnh, xử lý tình huống hiệu quả để hỗ trợ cho xã. Anh em cũng nắm bắt, báo cáo về tỉnh những bức xúc của người dân để kịp thời tháo gỡ. Chính thực tế sinh động này đã khẳng định năng lực, bản lĩnh của từng cán bộ”-ông Thu nhận định.

Đưa cán bộ về xã trọng điểm

Trong cuộc trò chuyện với P.V Báo Gia Lai, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu không mất nhiều thời gian hồi tưởng các chi tiết liên quan đến sự kiện trên. Thời điểm năm 2002, trong vai trò Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, ông thường xuyên có mặt tại cơ sở để trực tiếp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phòng-chống bạo loạn.

Ông Thu thẳng thắn thừa nhận chính quyền đã bất ngờ, bị động khi các cuộc biểu tình lan rộng ra nhiều xã trên địa bàn các huyện: Ayun Pa cũ (nay là thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện), Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Ia Grai và một phần Pleiku để đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” ở Tây Nguyên. Lý do về mặt chủ quan ông cho rằng, hơn 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thiếu sự đầu tư cơ sở vật chất, điện-đường-trường-trạm; chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào tại chỗ chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Cùng với đó, chính sách đưa lao động địa phương vào làm ở các nông-lâm trường không đạt hiệu quả; tỷ lệ phân hóa giàu nghèo lớn trên cùng một địa bàn… Trước tình hình đó, địch lợi dụng thời cơ kích động, xúi giục biểu tình, gây rối ở các tỉnh Tây Nguyên mà Gia Lai là tâm điểm. “Nếu ta đúng, trúng, tốt hết thì địch không thể có cơ hội kích động”-ông Thu nói.

 Ông Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) tại lễ công bố thành lập xã Ia Drăng năm 2002 (ảnh tư liệu).
Ông Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) tại lễ công bố thành lập xã Ia Drăng năm 2002 (ảnh tư liệu).


Từ quan điểm này, ngay sau đó, Tỉnh ủy tổ chức “xóa nóng” bằng cách cử lực lượng vũ trang cùng cán bộ các sở, ngành của tỉnh tăng cường về các xã trọng điểm để nhanh chóng ổn định tình hình ở cơ sở, mỗi đợt 3-5 tháng. Sau quá trình kiểm tra ở cơ sở, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy khi đó đánh giá: Dù tình hình đã được kiểm soát, xử lý bước đầu nhưng bên trong vẫn bất ổn. Các thành phần quá khích vẫn tiếp tục khống chế cán bộ cấp xã, thôn, khiến chính quyền nhiều nơi tê liệt, nhất là trong điều kiện những lãnh đạo là người địa phương có tâm lý ngại va chạm. Nhiều cán bộ lo lắng đến mức tối đến không dám ngủ ở nhà. Một bộ phận người dân theo lời dụ dỗ của kẻ xấu bán đất đai, nhà cửa bỏ trốn sang Campuchia với “giấc mộng” đổi đời khi quay về làm công dân của “Nhà nước Đề-ga tự trị”.

Do vậy, tại hội nghị thường kỳ cuối tháng 1-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 15-KL/TU về kế hoạch tăng cường cán bộ cơ sở trong thời gian dài hơn (2 năm trở lên). Đây là chủ trương riêng của tỉnh Gia Lai nhằm tạo điểm tựa tinh thần cho cán bộ xã, qua đó củng cố hệ thống chính trị cơ sở, ổn định quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội. Cán bộ tăng cường là những đồng chí có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết xây dựng cơ sở; có quá trình công tác ở địa phương, am hiểu địa bàn, có khả năng tham gia giải quyết tình hình thực tiễn ở cơ sở đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, theo Thông báo số 103-TB/TU ngày 11-3-2002 của Tỉnh ủy, đây phải là những người thuộc diện quy hoạch cán bộ từ trưởng phòng trở lên, là đảng viên.

Nhiệm vụ của cán bộ tăng cường là tham gia xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở, trong đó xây dựng Đảng là then chốt; giúp cấp ủy địa phương xây dựng, củng cố bộ máy HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; nắm tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát hiện kịp thời những vụ việc phát sinh, báo cáo cấp trên và giúp cơ sở giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, tồn đọng. Mặt khác, tham mưu giúp cấp ủy và trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền nhằm vạch trần âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tuyên truyền để quần chúng hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu giúp cấp ủy địa phương tập trung phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng phương án sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từng bước làm chuyển biến tình hình mọi mặt của xã. “Tất cả nhằm củng cố, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, làm rõ âm mưu thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch để giành lại thế trận lòng dân”-ông Thu nói về chủ trương của tỉnh khi đó.

“Lửa thử vàng”

Tháng 4-2002, 33 cán bộ của tỉnh “ra quân” tăng cường về các xã trọng điểm trên địa bàn 4 huyện: Ayun Pa (cũ), Chư Sê, Đak Đoa và Chư Prông. Đón đợi họ là những khó khăn, thậm chí hiểm nguy chưa biết trước.

Người được phân công về “nằm vùng” ở xã Ia Broăi (huyện Ayun Pa), quê hương của đối tượng cầm đầu tổ chức phản động FULRO Ksor Kơk là ông Nguyễn Thanh Bình-nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi đó là Trưởng phòng Văn hóa-Xã hội. Với những người non kinh nghiệm, nơi này là đất dữ. Tuy nhiên, ở tuổi hơn 40, ông Bình đã có nhiều trải nghiệm sống nên có sự điềm tĩnh nhất định. Nhắc nhớ lại những ngày đầu tăng cường, ông kể: Ông được xã bố trí 1 phòng ngay tại trụ sở, ban ngày là nơi làm việc, tối đến làm chỗ ngủ nghỉ. Đường sá đều là đường đất, một vài buôn ở vùng trũng nên rất dễ sạt lở vào mùa mưa, khi đó, từ trung tâm xã xuống buôn chỉ có cách lội bộ. Tuy nhiên, do những năm 1975-1976 từng công tác ở Ban Định canh-định cư của tỉnh, từng xuống làm việc nhiều nơi còn khó khổ hơn Ia Broăi rất nhiều nên những vấn đề trên không khiến ông quá bận tâm. Cái khó nhất lúc bấy giờ là sự dò xét của người dân đối với cán bộ từ nơi khác về. Ông Bình kể về một kỷ niệm khó quên: “Có lần, tôi ghé nhà Chủ tịch UBND xã ngồi uống rượu. Lúc này, em út của Ksor Kơk là Ksor Nhơk cũng ghé chơi. Uống được vài cang rượu ghè, Nhơk mượn rượu lớn tiếng hoạnh họe tôi. Thay vì tỏ thái độ, đứng lên bỏ về, tôi kiên nhẫn ngồi giải thích để cho Nhơk hiểu vì sao mình có mặt tại đây; về chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác dân tộc, tôn giáo. Sau đó, Nhơk biết sai, chủ động xin lỗi. Vài ngày sau, anh ta còn làm 1 con heo cùng ghè rượu mời mọi người đến chứng kiến và bắt tay hòa giải”.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh trò chuyện với P.V về thời kỳ tăng cường làm Bí thư là Ia Drăng (huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh trò chuyện với P.V về thời gian tăng cường làm Bí thư xã Ia Drăng (huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên


“Bí thư từ trên trời rơi xuống” là lối ví von của người dân xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) khi nói về ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vào thời điểm ông được bố trí về làm Bí thư Đảng ủy xã năm 2002, ngay khi xã này vừa thành lập. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho hay, về mặt tâm lý, khi ấy họ mong chờ lãnh đạo xã sẽ là cán bộ tại chỗ chứ không phải là một người từ tỉnh về. Trong khi thật ra, trong số cán bộ tăng cường, ông là người khá dày dặn kinh nghiệm do từng tham gia “xóa nóng” đợt đầu tại xã Trang (huyện Đak Đoa) từ tháng 4 đến tháng 11-2001 và tăng cường 3 tháng ở xã Ia Boòng trước khi về Ia Drăng. “Chính vì “không ưng” nên người dân và cán bộ hưu trí tại chỗ luôn để ý, dò xét xem mình có làm được việc hay không. Có lần, tôi đang tổ chức họp ở xã thì thấy một cụ hưu trí đến đứng ngay cửa sổ quan sát. Lần khác, một cán bộ về hưu của Công ty Cao su Chư Prông nói khích trong buổi giao lưu: “Anh uống rượu như vầy thì có làm Bí thư nổi không?”. Tôi trả lời: “Do tửu lượng có hạn nên xin phép uống ít, còn có làm được việc hay không thì qua thời gian bác sẽ thấy”.

Thêm một khó khăn khác của ông Mạnh và nhiều cán bộ tăng cường khi đó là cơ sở vật chất ở địa phương còn rất tạm bợ. Do xã Ia Drăng vừa thành lập nên trong khi chờ xây dựng trụ sở, xã đành mượn tạm nhà kho của đội sản xuất thuộc Công ty Cao su Chư Prông để làm việc. Có đợt mưa lớn, cả khu làm việc nước ngập lênh láng.

Xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh), một điểm nóng trong vụ biểu tình, gây rối năm 2001 đang chuyển mình với nhiều khởi sắc. Ảnh: Phương Duyên
Xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh)-một điểm nóng trong vụ biểu tình, gây rối năm 2001 đang chuyển mình với nhiều khởi sắc. Ảnh: Phương Duyên


Ông Nay Kỳ Hiệp-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, khi đó tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) cũng chưa quên những ngày đầu có mặt tại xã trọng điểm. “Công an của Bộ tăng cường về xã đề nghị tôi không được đi vào làng một mình, vì trong danh sách “trừ khử” cán bộ của các đối tượng phản động mà họ nắm được thì tôi đứng hàng đầu. Trong khi đó, cán bộ tăng cường chúng tôi không có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào. Do vậy, mỗi lần xuống làng vận động, chúng tôi đều phải đi thành tốp và luôn có Công an, chính quyền xã đi cùng”-ông Nay Kỳ Hiệp hồi tưởng.
 

 PHƯƠNG DUYÊN - PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.