(GLO)- Không ai mong muốn tai nạn lao động xảy ra với chính bản thân hay người thân của mình. Thế nhưng, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động, có trường hợp dẫn đến tử vong.
Ám ảnh tai nạn lao động
Trong Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5-2018), chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Mạnh (thôn Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Anh Mạnh nguyên là bộ đội công binh Đồn 729 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Cách đây 16 năm, khi đang làm nhiệm vụ phát quang hầm hào quân sự thì anh bất ngờ bị một cây le đập mạnh vào mắt trái làm bong võng mạc. Anh nghỉ việc để chữa trị, nhưng do vết thương quá nặng, mắt trái của anh vĩnh viễn không nhìn thấy nữa và phải chịu thương tật 41%. Không còn đủ điều kiện phục vụ trong quân ngũ, anh được Nhà nước giải quyết chế độ tai nạn lao động mỗi tháng 1,05 triệu đồng. Vợ chồng anh giờ làm nông nghiệp, do có ít đất sản xuất, lại đang nuôi 3 con nhỏ và mẹ già nên cuộc sống rất khó khăn.
Hội đồng Bảo hộ Lao động tỉnh thăm anh Hoàng Văn Mạnh. Ảnh: Đ.Y |
Ông Nguyễn Tấn Dũng (thôn Ia Mut, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) trước là công nhân Công ty 72 (Binh đoàn 15). Gần 40 năm nay, do không còn đủ sức khỏe nên ông chỉ ở nhà phụ giúp vợ làm 1 ha cà phê. Ông Dũng nhớ lại: Hôm ấy, khi ông đang cuốc đất khai hoang, một quả mìn phát nổ khiến mắt trái bị mù, mức độ thương tật là 61%. Dù hàng tháng được trợ cấp gần 1,3 triệu đồng nhưng theo ông Dũng, chừng ấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Tiến (tổ 2, phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Trước đây, anh Tiến là công nhân Công ty Hóa chất mỏ Gia Lai. Cách đây 13 năm, khi anh đang làm việc thì bất ngờ một dây chuyền máy công nghiệp bị sập, anh bị một thang máy đè vào lưng làm sụn cột sống, thương tật đến 88%. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, anh không làm được việc gì nặng. Vợ anh Tiến không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh nên gia cảnh càng thêm túng quẫn. Anh Tiến tâm sự: “13 năm nay, vụ tai nạn lao động luôn ám ảnh tôi. Giá như tôi còn khỏe mạnh thì vợ con không khổ thế này”.
Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ Lao động tỉnh, cho biết: Hàng năm, Sở đều chú trọng công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động. Năm 2017, Sở đã tổ chức treo 2.100 băng rôn, phát hàng chục ngàn tờ rơi và các ấn phẩm sách đến người lao động. Bên cạnh đó, còn tổ chức 45 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ, tổ chức hàng chục cuộc mít tinh; mở 112 lớp tập huấn về ATVSLĐ với trên 7.800 người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động trong việc tự bảo vệ mình cũng như phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn lao động, làm 28 người chết, 14 người bị thương; tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 8 vụ tai nạn lao động, làm 8 người chết. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, công tác ATVSLĐ chỉ được thực hiện đầy đủ ở một số doanh nghiệp lớn, còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, chẳng hạn không ký hợp đồng với người lao động nhằm “né” việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Vì vậy, thời gian tới, “Sở sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện công tác ATVSLĐ, nhất là bảo hộ lao động. Yêu cầu chủ sử dụng lao động chăm lo tốt đời sống người lao động; kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; xây dựng nội quy, quy trình vận hành an toàn lao động theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về ATVSLĐ và tuyên dương khen thưởng, nhân rộng những nhân tố tích cực trong công tác này”-bà Thanh nhấn mạnh.
Đinh Yến