Tái khởi nghiệp sau dịch: Sống khỏe với túi... biết thở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Túi cũng biết thở ư? Túi được làm từ màng sinh học của nhóm người trẻ khởi nghiệp này là hoàn toàn có. Lớp màng của túi dù không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua.
 
Trần Thị Diễm My, đại diện nhóm khởi nghiệp và sản phẩm túi biết thở THÚY HẰNG
Trần Thị Diễm My, đại diện nhóm khởi nghiệp và sản phẩm túi biết thở THÚY HẰNG
Những chiếc túi mềm, mỏng và có mùi thơm như bánh mì. Buổi cà phê với Trần Thị Diễm My, 29 tuổi, đại diện của nhóm Biostarch, giữa ngày TP.HCM mưa gió nhưng đầy thú vị nhờ câu chuyện về những chiếc túi biết thở.
“Chúng có thể giúp rau củ, trái cây tươi lâu hơn từ 10 - 20 ngày, tùy điều kiện. Do đó, nó sẽ rất phù hợp với việc xuất khẩu nông sản cũng như phân phối nông sản”, My hào hứng. Từ đâu nhóm My nghĩ ra được chiếc túi thần kỳ này?
Covid-19, cái khó ló cái khôn
My cho biết trước tháng 4.2020, công ty khởi nghiệp của cô và những anh chị đi trước tập trung phát triển các sản phẩm nhựa sinh học. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập tới, những khó khăn xảy đến. Trong khó khăn, My và nhiều anh em nghĩ thực tế hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng rau củ quả phải sớm đổ bỏ nhiều sản phẩm vì bảo quản trong túi ni lông thông thường, hơi nước thoát ra bị ứ lại trong túi khiến rau củ nhanh thối, hỏng. Đặc biệt, nhiều xe nông sản của VN chở dưa hấu, thanh long, khi chưa kịp qua cửa khẩu bị hư hỏng nhiều, khiến nông sản Việt bị thất thoát giá trị rất lớn. Vậy mình có thể làm ra những chiếc túi đột biến, sáng tạo hơn không?
Sẵn có thế mạnh là làm chủ công nghệ nano trong sản xuất nhựa sinh học, cộng với điều kiện thuận lợi là ở Việt Nam, nguồn khoai mì (sắn) công nghiệp rất dồi dào, những người trẻ bắt tay vào nghiên cứu. Sau vài tháng, những chiếc túi biết thở đầu tiên ra đời, được dùng thử và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
My cho hay được làm từ nguyên liệu hạt nhựa sinh học, thành phần gồm tinh bột khoai mì (sắn) công nghiệp và nhựa polyethylene (PE), những chiếc túi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sau khi sử dụng, nó sẽ phân hủy sinh học trong 6 tháng tới 2 năm trong môi trường ủ rác thải công nghiệp, giúp môi trường xanh sạch hơn.
“Những chiếc túi được làm từ màng sinh học. Màng không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua. Cấu trúc tinh bột tạo thành các lỗ rỗng giúp đẩy khí ethylene - khí làm quả chín - thoát ra, làm chậm quá trình chín của rau củ, trái cây. Khả năng thấm khí giúp không khí trong túi được tuần hoàn liên tục, giảm nhiệt độ phát sinh từ quá trình rau củ quả hô hấp, nhờ đó tăng thêm được thời gian bảo quản nông sản. Bạn có thể thấy những trái chuối xanh đựng trong túi thông thường sau 8 ngày đã chín rục, thâm đen, còn nếu dùng túi biết thở, với cùng thời gian trên, chuối vẫn đẹp ở mẫu mã và bên trong ngon lành”, My đưa ra những hình ảnh để phân tích thêm.
 
Túi biết thở thân thiện môi trường, giúp bảo quản nông sản lâu hơn ẢNH: DIỄM MY
Túi biết thở thân thiện môi trường, giúp bảo quản nông sản lâu hơn ẢNH: DIỄM MY
Nhắm tới thị trường nước ngoài
My tốt nghiệp ngành tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những anh chị cùng đi hành trình với My trong quá trình làm ra những chiếc túi biết thở tốt nghiệp tại nhiều trường ĐH. Họ đều tâm huyết làm sao có thể cùng nhau mang trí tuệ Việt nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tốt cho cộng đồng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh túi biết thở bảo quản rau quả, họ đang nghiên cứu phát triển thêm dòng túi chuyên dùng để bảo quản thịt, các loại hải sản.
Trong tháng 8 và 9.2020, mỗi tháng nhóm của My bán ra thị trường khoảng 300 kg túi biết thở. Đối tượng nhóm người trẻ nhắm tới không chỉ là những bà nội trợ mua túi về tự bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh ngày thường, mà còn là những cửa hàng rau quả hữu cơ, siêu thị, đối tác xuất khẩu nông sản số lượng lớn.
Mới đây, nhóm của My đã đưa những chiếc túi biết thở tới các khách hàng là các trang trại cần túi đóng gói rau củ quả ở Ấn Độ, Singapore, Mỹ và nhận được những phản hồi tích cực. Đó là những tin vui để My và các cộng sự nỗ lực hơn trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Túi biết thở đi thi khởi nghiệp
Trần Thị Diễm My cho biết những chiếc túi biết thở tuy nhỏ bé nhưng cũng theo cô và đồng đội tới nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong năm 2020, như Start up Wheel; khởi nghiệp do cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức. Gần đây nhất, sản phẩm của nhóm My lọt vào vòng chung kết khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của T.Ư Đoàn.
Theo Thúy Hằng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.