Suýt chết vì… phượt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi phượt là giải quyết cái tôi của mình và rất có nguy cơ 'làm phiền người khác'.
 
Khung cảnh khá đẹp nhưng không đến mức phải bất chấp nguy hiểm để đến. Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Cuối tháng 8 vừa rồi, một nhóm 4 du khách đi phượt bị lạc ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), một người trượt chân ngã xuống vực. Anh Trần Long Khải đang câu cá ở khu vực Mũi Nghê nghe tiếng kêu đã đến cứu nhưng chính anh bị tử nạn.
Đó là một trong nhiều câu chuyện đau lòng của các nhóm phượt thủ bất chấp cảnh báo nguy hiểm. Nhưng chính chúng tôi suýt nữa lặp lại điều này.
Ký ức ngôi làng... dưới nước
Anh em bạn bè lâu ngày gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên đời, và trong những câu chuyện đó, không bao giờ thiếu ký ức về tuổi thơ, về ngôi làng mình sinh ra và lớn lên.
Khi câu chuyện đang rôm rả thì mặt Hùng chùng xuống, đoạn nói như độc thoại:
“Làng của tôi nằm bên bờ thượng nguồn một dòng sông, bây giờ đã thành hồ chứa nước. Những ngọn cây cao nhất trong vườn giờ cũng chìm dưới độ sâu năm chục mét. Mọi người có thể về quê mình, nhà mình, bước qua lối mòn, sờ vào từng viên gạch, sờ vào ký ức của chính mình. Nhưng tôi thì khác. Tôi đi bằng thuyền trên ngôi làng của tôi và tưởng tượng ra, ngày xưa mình từng đi chăn trâu, câu cá, từng đi học ở dưới... lòng hồ. Dù thế, tôi vẫn muốn trở về nơi ấy, đi trên lòng hồ ấy, lòng hồ lưu giữ tuổi thơ tôi”.
Câu chuyện của Hùng khiến chúng tôi quyết định trở về... ký ức của anh.
Mới hết mùa hạn, mưa chưa nhiều nên hồ còn rất cạn. Đứng trên đập ngăn nhìn xuống, hồ sâu hun hút. Nó để lộ ra những ngọn đồi với những vạt cây khô. Nếu hồ đầy nước thì đi từ đập ngăn đến cánh rừng phía tây không xa, nhưng mùa khô thuyền phải chạy theo lạch nước, ngoằn ngoèo mất hơn một giờ.
Từ chỗ thuyền cập bến, đi bộ thêm 40 phút trên đá cuội mới đến cửa một khe nước có bóng cây. Chỗ này ngày xưa Hùng chưa thể đến vì rất xa.
Chúng tôi xếp đá làm nơi nghỉ chân, soạn các thứ mang theo và cùng Hùng ngồi ôn lại... ký ức.
Trời về chiều.
 
Chiếc thuyền chở 6 người chỉ có một cái áo phao
Chuyến đò... bão táp
Không ngờ trời sập tối nhanh đến thế.
Khi chúng tôi lên thuyền quay trở lại thì hoàng hôn bao phủ mặt hồ. Những hàng cây khô vươn lên trong chút ánh chiều còn sót lại như những cánh tay khẳng khiu cố vươn lên để nói một điều gì đó. Cảnh tượng làm cho ai nấy đều bất an.
Chỗ thủng được anh lái thuyền bịt bằng bao giấy bóng bắt đầu bung ra, nước phun lên thành vòi. Người cố gắng trám lại, người dùng hai cái mũ bảo hiểm tát nước, nhưng có vẻ hai bên ngang nhau nên nước không hề cạn.
Lúc đi, nhìn trên thuyền chỉ có một cái áo phao đã cũ. Nhưng trong khi hào hứng, chẳng ai nghĩ đến điều không may. Giờ thì bắt đầu nghĩ.
Ngoài anh Tam lái thuyền và tôi biết bơi khá, trong thuyền còn thêm một người biết bơi vào loại làng nhàng. Ba người phụ nữ thì không.
Có vẻ vì sợ quá nên ai cũng cố trấn tĩnh bằng cách nói to và nói bạo:
- Bây giờ, nếu thuyền chìm, anh Tam chắc sẽ thoát trước, thằng Quang ngoi ngóp có thể hên xui, còn anh, anh sẽ cứu ai?
Tôi cố nói cho hài hước:
- Anh sẽ cứu Hằng vì cô ấy còn có hai con, còn hai đứa chưa có chồng, có việc gì thì cũng chẳng việc gì mà tiếc.
Cả bọn ồ lên phản đối, đưa ra rất nhiều lý lẽ.
Lúc đó trời đã tối hẳn. Một chiếc thuyền máy đi đánh cá lao vút sang trước mũi thuyền chúng tôi, chỉ cách nhau trong tích tắc. Cảnh y như phim Quá nhanh quá nguy hiểm.
Người lái thuyền có vẻ bất an, anh điều khiển thế nào làm chiếc thuyền đi với tốc độ cao lao vào vách dựng đứng, đuôi thuyền chìm xuống, nước tràn vào.
Hai người dùng mũ bảo hiểm tát nước trong nỗ lực bất thành. Anh Tam hết sức luống cuống cứ đứng sau đuôi thuyền ngập nước tìm cách nổ máy. Tôi nhảy lên bờ, hét Quang lên theo. Hai anh em cố dùng một trăm năm mươi phần trăm sức lực để đẩy thuyền ra. Có đẩy được thuyền ra thì đuôi thuyền mới nổi lên, may ra nó sẽ không chìm.
Nhưng thế đứng lúc đó rất khó. Vách đồi (vốn chìm dưới nước) dựng đứng. Hai anh em vừa đẩy vừa cố bám để không trượt chân. Tôi hét lớn:
- Khi nào anh hô thì tất cả nhảy lên bờ, bám vào gốc cây khô.
Ơn trời, chiếc thuyền bắt đầu nhích ra và... đuôi thuyền nổi lên.
Tát cạn bớt nước thì thuyền bắt đầu chạy. Trời tối om. Tam lấy đèn pin trao tôi đứng trước mũi thuyền để soi đường. Tôi bảo, sao lạ rứa Tam, không soi, mình nhìn mặt nước, nhìn vách núi hai bên cứ thế chạy vào giữa chứ soi đèn càng loạn lên. Tam không nghe, có lẽ anh ta đang luống cuống.
Nguy hiểm
Định thần rồi, hỏi:
- Tam, thế mày đã lái thuyền đi trên hồ này nhiều chưa?
Tam thật thà:
- Em đi nhiều nhưng toàn... vợ em lái.
Trời đất!
Tam 33 tuổi, học xong lớp ba thì bỏ, giờ đã một vợ 3 con. Vợ chồng Tam sống trong một ngôi nhà trước có rất nhiều miếu thờ. Hỏi mới biết, dân vùng này thế, nhà có ai mất đều lập một cái miếu. Hèn gì khi dừng mua nước, cái nhà bán tạp hóa trước có cả chục cái miếu xếp thành hai hàng.
Lúc ngồi ở dưới một thác nước nhỏ, có cái hồ nước trong, thấy trời âm u, tôi đã dặn, giả như có nước đổ về, vì có thể có mưa đầu nguồn, ở đây sẽ sinh lũ quét. Lúc đó chúng ta trèo lên vách núi phía này (chỉ tay), cố gắng lên đến đỉnh đồi.
Trước đó, tôi đã âm thầm lấy điện thoại, cho vào chiếc bao cao su, nay nhét thêm cái bật lửa vào đó rồi buộc dây cao su thật chắc.
Kinh nghiệm này có từ những đợt đi tác nghiệp và cứu trợ bão lụt, sau này, tôi vẫn nói lại với phóng viên và sinh viên báo chí. Không chỉ điện thoại mà cả máy ảnh. Nếu ống kính dài thì phân ra, dùng một bao cao su bọc thân máy, một cái bọc ống kính. Bao cao su co giãn tốt, chỉ cần cẩn thận nống ra từ từ, sẽ vừa.
Hầu hết nghe chuyện này đều cả cười, còn cự lại, bảo có bao cao su trong túi xách chắc “vợ nó làm thịt”. Tôi bảo, cứ nói cho rõ ràng, vợ chứ có phải yêu quái đâu mà làm thịt đứa có lý như ta?
Giả sử có lũ quét, leo lên đồi, dừng bật lửa, đốt đống củi, thế nào cũng có người đến cứu.
*
Tôi viết lại câu chuyện này để muốn nói với những người thích phượt hay đơn giản là rủ nhau đi chơi đâu đó thì chớ chủ quan, nhất là đi trên sông nước. Bọn tôi đã rất ân hận khi đến hồ, người bảo vệ đã ngăn không cho đi nhưng cả bọn cứ tìm cách nói dối để anh ta tin và đi. Tôi cố tình không viết địa điểm hồ nước này vì sợ liên lụy đến anh ấy.
Người Nhật tổng kết văn hóa của mình chỉ bằng một câu: “Không làm phiền người khác”. Đi phượt là giải quyết cái tôi của mình và rất có nguy cơ “làm phiền người khác”.
Nguyễn Thế Thịnh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.