Sương khói mong manh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Lúc còn sống, mẹ hay nói với anh: “Làm ít thôi con, đủ ăn đủ mặc là hạnh phúc rồi”. Mẹ nuôi anh ăn học bằng gánh bún riêu cua đồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ba giờ sáng mẹ đã dậy chuẩn bị cho nồi bún. 
 

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ


Suốt những năm tuổi thơ, anh thức dậy trong căn nhà không có mẹ. Lớn lên chút, anh đòi theo mẹ mỗi sáng. Mẹ nói anh phải học giỏi mẹ mới cho ra chơi cùng. Lên cấp hai, anh đã thuần thục trong việc nhặt rau, bưng tô cho khách.

Mẹ anh không nhiều tiền nhưng anh không cảm thấy thiếu thốn thứ gì.

Anh không chắc cuộc đời mình cũng chỉ cần đủ ăn đủ mặc là hạnh phúc như lời mẹ nói. Nhưng làm sao để có thật nhiều tiền cho mẹ yên tâm cất nồi bún riêu to đùng lên gác bếp, sống những ngày tuổi già an nhàn là điều đầu tiên anh nghĩ tới. Suốt những năm ra trường đi làm, đồng lương còm cõi đầu tháng nhận chưa đến cuối tháng đã xẹp túi. Mất vài năm ổn định, xấp tiền anh đưa mẹ mỗi tháng mới dày lên thêm chút.

Những lúc thấy anh không khỏe, người gầy rạc đi, mẹ lại nhắc câu nói cũ: “Làm gì thì làm phải biết giữ sức khỏe con ạ. Đủ ăn đủ mặc là hạnh phúc rồi!”. Anh hiểu mẹ xót xa cho anh. Mỗi lần trở về, dù mệt mỏi mấy anh cũng giấu trong lòng. Anh hiểu chỉ cần mình sống an vui, khỏe mạnh cũng đã là món quà tuyệt vời với những người yêu thương mình.

Ngày Linh nhận lời cầu hôn của anh, anh mừng rơi nước mắt. Trong quán quen, máy lạnh, nhạc piano, cà phê thơm phức, Linh chạm nhẹ những ngón tay trắng xinh, thon thả lên bàn tay anh: “Em không phải là một người đòi hỏi vật chất, nhưng em muốn tổ ấm của mình sau này phải đủ đầy”. Anh chưa hiểu lắm. Thật may Linh là cô gái hiện đại và thẳng tính: “Em muốn sau khi kết hôn, có con, mình phải có nhà. An cư mới lập nghiệp được. Con cái mình cũng không phải ra đời trong không gian tạm bợ của nhà thuê”. Anh chăm chú lắng nghe. “Và anh thấy đấy, thành phố này mưa nắng thất thường, bụi ô nhiễm luôn ở mức độ báo động. Khi có con, mình cũng cần xe ô tô cho việc đi lại”…

Anh nghe hết lời Linh trong tiếng piano dìu dặt khúc nhạc đồng quê thanh bình. Buổi nói chuyện của những người yêu nhau nghiêm túc kết thúc bằng bữa ăn nhẹ nhàng với bò nướng, rượu vang trong nhà hàng cạnh quán cà phê quen.

Kiệt - bạn anh trố mắt ngạc nhiên khi nghe yêu cầu từ vợ sắp cưới của anh. Mặc dù anh đã bỏ bớt một số mong muốn khác của Linh, như là cần phải có khoản riêng cố định để gửi ngân hàng phòng khi có việc cần… Nó rú lên như đang bị ai siết cổ: “Đồ giết người chứ yêu đương nỗi gì”.

Anh đã thấy mình sai rồi khi đi nói chuyện riêng tư này, dù sao thì chính mình phải là người quyết định và chịu trách nhiệm. Anh phải gồng mình lên bênh Linh, rằng Linh cũng chỉ mong cầu cho tổ ấm chứ có phải cho cô ấy đâu. Chẳng phải đó là người phụ nữ nhìn xa trông rộng và nghiêm túc tiến xa nên mới thấu đáo như vậy sao? Nếu như người phụ nữ của mình chỉ sống ngày nào biết ngày đó mới là không an toàn chứ?

Buổi tâm sự giữa hai người đàn ông kết thúc bằng lời hăm dọa của Kiệt: “Tao chống mắt lên xem mày còn yêu cô ấy được bao lâu”. Anh không muốn đó là lời ám thị, vì anh vẫn yêu Linh và muốn cưới cô ấy làm vợ.

Nhưng đó là phép thử để anh tự rút ra cho mình, sẽ không hé bất cứ điều gì với mẹ. Thằng Kiệt chỉ là bạn bè mà nó còn bất an thay cho anh như vậy, mẹ biết được sẽ lo lắng như thế nào?

2. Sau những năm tháng nỗ lực, anh gom góp mua được căn hộ nhỏ ở trung tâm thành phố. Linh trở về khi anh vừa kê xong bàn thờ để hình ba và mẹ. Cô ấy giật mình khi vừa bước vào đã chạm phải hai tấm hình thờ. Linh chau mày: “Nhất định phải để chỗ đó sao anh?”. Anh cũng có chút phân vân về chỗ để bàn thờ, tiện Linh hỏi vậy, anh cũng muốn nghe ý kiến của Linh: “Em xem chỗ nào hợp hơn, anh có thể di dời được”. Linh nhìn quanh nhà một chút rồi nói: “Ngoài phòng khách nếu không có bàn thờ thì tốt hơn”. “Vậy ý em là để vô phòng ngủ hả?”. Linh giật mình xua tay: “Thôi, thôi, cứ để đó cũng được”.

Kiệt đến thăm căn hộ của anh thì gật gù: “Mày để bàn thờ vầy tao ưng nè!”. Rồi nó thành khẩn thắp nén nhang lên bàn thờ, khấn nguyện gì đó rồi mở tủ lấy lon bia lạnh ra ngửa cổ uống gần cạn. Nó nhắc vụ rủ anh với Linh đi du lịch cùng vợ chồng nó vào kỳ nghỉ sắp tới.

Đêm qua, anh cũng hỏi Linh có muốn đi cùng không? Linh nói anh gửi khách sạn mà Kiệt định ở cho Linh nhưng anh không có. Cô ấy hỏi, vậy khách sạn có hồ bơi không? Anh ôn tồn nói, mình đi biển mà em, ra biển bơi thích hơn chứ. Nhưng Linh nói phải có hồ bơi trong khách sạn cô ấy mới đi cùng. Anh biết Kiệt không ưa gì Linh. Nếu nghe những yêu cầu vượt xa tầm với của vợ chồng Kiệt và cả anh, hiềm khích trong Kiệt sẽ càng lớn thêm. Từ thời sinh viên đến khi ra trường, có chút của cải riêng, hình như cả anh và Kiệt chưa đầu tư cho chuyến đi nào kiểu khách sạn phải có hồ bơi như vậy. Nhất là những thành phố du lịch giá cả thường đắt đỏ hơn, dịch vụ ấy chỉ nằm trong những khách sạn nhiều sao.

Anh nói với Kiệt, mình với Linh không đi cùng dịp này vì chưa sắp xếp được, hai vợ chồng Kiệt đi trước đi. Hình như giọng nói của anh để lộ ra phần gì đó không thật. Anh cũng không phải là người khéo nói dối. Kiệt nhìn anh một chút rồi dốc lon bia uống hết.

Xong, Kiệt mở tủ lạnh trong lúc đi quăng vỏ lon bia. Nó hỏi: “Hai đứa không nấu ăn à? Dù chưa cưới nhưng cũng là vợ chồng rồi, sống sao cho ra gia đình đi chứ?”. Cái thằng, càm ràm y như mẹ anh. Anh định nói lại nó như vậy, nhưng mỗi lần nhắc đến mẹ lại làm anh thêm nhớ, nên thôi.

Hôm qua, anh cũng nói với Linh, hay là hai vợ chồng đi làm về nấu bữa tối ăn cùng, chứ ăn đường riết cũng ngán, mà còn không đảm bảo sức khỏe nữa. Linh nói cô không quen đứng trong gian bếp chật chội, nếu nấu thì anh nấu, cô ấy sẽ về ăn cùng.

Anh chưa từng vào bếp nấu ăn. Từ ngày mẹ mất, anh cũng không còn có mâm cơm nóng chờ sẵn. Thật may, anh đã có căn hộ riêng. Nếu trở về căn nhà ngập tràn hình bóng mẹ, anh không biết mình có đối diện với nỗi trống vắng ấy được không.

Anh không biết Kiệt thực sự quan tâm mình, hay nó chỉ làm cái việc chờ ngày vạch trần sự thật như nó từng dọa. Anh cũng không trách Linh. Cả anh và Linh trước khi về cùng nhà đều không đề cập chuyện nấu nướng này. Nên anh nghĩ nó cũng là chuyện nhỏ thôi. Chẳng lẽ cuộc tình của anh không vượt qua nổi những chuyện nhỏ nhặt như vậy?

Kiệt vẫn không buông tha, nó bảo: “Đừng nói tao nhiều chuyện, vì mẹ mày gửi gắm mày cho tao trước khi mất, chứ tao cũng không có rảnh đâu…”. Rồi Kiệt với lấy áo khoác, cố ý đóng sập cửa thật to trước khi nện những bước đều trên hành lang.

Cuộc gặp của anh với Kiệt thường kết thúc theo cách đó.

3. Ngày giỗ mẹ, anh từ chỗ làm về sớm hơn thường ngày. Định bụng ghé vô cửa hàng tiện lợi mua ít đồ. Rồi anh lại nghĩ, hay là ghé chợ, anh muốn nấu mâm cơm thắp nhang cho mẹ. Là những món ăn mà mẹ hay làm cho anh.

Mới chiều mà bầu trời tối sụp từ sớm. Anh chạm vào điện thoại, thấy có tin nhắn của Kiệt: “Tao đang ở nhà mày, có nấu ít món cúng mẹ!”. Anh rưng rưng khi đọc dòng chữ ở tin nhắn của Kiệt. Anh nhớ những ngày cấp ba, hai thằng vùi đầu thức đêm ôn thi đại học. Khi ấy, mẹ thường pha sữa nóng bỏ chút cà phê hòa tan bưng lên cho hai đứa. Rồi những năm cấp 1, cấp 2, mẹ lúc nào cũng bảo hai đứa ăn thật nhiều để no bụng đến trưa, chứ mẹ đâu có tiền để cho mua quà vặt như chúng bạn. Nên tô bún của anh và thằng Kiệt lúc nào cũng đầy ú ụ. Vài lần mẹ Kiệt ghé trả tiền tháng, mẹ anh gạt đi, bảo mẹ coi Kiệt như con trai, tiền bạc gì.

Khi anh về thì thấy Kiệt đã bày xong mâm cơm cúng mẹ. Vợ Kiệt đon đả cắm bình hoa đặt lên bàn thờ rồi tranh thủ ra tưới mấy khóm hoa ở ban công mà tuần trước Kiệt mang đến trồng. Trời nhuộm tím bởi màu hoàng hôn. Anh thấy mắt mình cay cay, hay là do có làn khói mỏng manh vừa tan loãng trên nền trời, khiến mắt anh mờ đi…

Ba người chụm đầu vào bàn ăn nơi gian bếp nhỏ mà ấm áp. Trước lúc cầm đũa, vợ Kiệt dặn: “Hai người không được kể chuyện cũ đó nha! Mỗi lần kể là làm người ta khóc theo à!”. Anh hiểu vợ Kiệt đang nhắc đến chuyện gì. Kiệt cũng hồ hởi: “Ừ, chuyện gì không vui thì cũng đừng nhắc lại”.

Anh đọc được từng ý nghĩ của Kiệt.

Ngày Linh rời đi, Kiệt ngồi nhậu hết đêm với anh. Nói rằng không phải Kiệt ghét bỏ gì Linh. Cô ấy tốt tính, thẳng thắn nhưng mỗi người ở mỗi tầng mây khác nhau, mà nếu khác tầng, có cố gắng gần lại rồi cũng sẽ trở về đúng vị trí của mình. Cũng may anh với Linh chưa đăng ký kết hôn, mọi thứ cũng nhẹ nhàng hơn. Con người đến tuổi nào đó cứ nghĩ mình đã sành sỏi đời, đã đủ nếm trải và chín chắn, nhưng không, đến cuối đời vẫn lầm lạc là chuyện bình thường. Kiệt nói rằng sớm thôi, sẽ có người con gái khác đến sưởi ấm căn phòng này.

Tối đó, anh mơ thấy có bàn tay phụ nữ ấm áp nắm lấy tay mình, thủ thỉ: “Nhớ phải ăn uống, nghỉ ngơi cho khỏe, chỉ cần làm đủ ăn đủ mặc là hạnh phúc rồi!”. Lúc anh choàng tỉnh, thấy bàn tay mẹ nắm lấy tay mình trong căn nhà trọ cũ năm xưa.

Ngoài cửa, lớp sương vừa tan ra, như làn khói mong manh…

Theo LA THỊ ÁNH HƯỜNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

(GLO)- Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn nửa thế kỷ trước có gì thú vị? Triển lãm ảnh “Ký ức Pleiku” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 24-1 đến 21-2 đưa người xem bước vào chuyến du hành trở về Pleiku xưa, thêm cơ sở so sánh với sự phát triển không ngừng của đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên.

Cỏ xanh về phía cũ

Cỏ xanh về phía cũ

(GLO)- Bài thơ “Cỏ xanh về phía cũ” của Vân Phi như một bức tranh ký ức trầm lắng về mái ấm gia đình, nơi thời gian dường như lặng lẽ quay trở lại qua những hình ảnh quen thuộc, giản dị thấm đượm tình cảm và ký ức sâu sắc khiến người ta thổn thức.

Người gùi hơ’mon về đâu

Người gùi hơ’mon về đâu

(GLO)- Bài thơ Người gùi hơ’mon về đâu của Vân Phi mở ra không gian đẫm hơi men rượu cần, tiếng hát lẫn trong gió khuya và những ký ức chảy trôi theo thời gian, mơ hồ giữa hiện thực và quá khứ. Tất cả như gợi lên sự tiếc nuối, khắc khoải về một giá trị của truyền thống đang dần phai nhạt.

Nhịp xoang

Nhịp xoang

(GLO)- Bài thơ "Nhịp xoang" của Nguyễn Đình Phê mang đậm hơi thở văn hóa Tây Nguyên, tái hiện không khí lễ hội cồng chiêng rộn ràng, nơi con người hòa cùng thiên nhiên và thần linh. Bài thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp văn hóa mà còn truyền tải tinh thần đoàn kết, gắn bó bền chặt.

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

(GLO)- Bài thơ "Lời hẹn" của Sơn Trần không chỉ mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là những hẹn ước, kỳ vọng về sự trở về, đoàn tụ, gắn kết. Hình ảnh trong thơ vừa thực tế, vừa thi vị, mang đến cho người đọc cảm nhận ấm áp về tình yêu quê hương, về sự đổi thay tươi đẹp của đất trời vào xuân.

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

(GLO)- "Xuân dậy thì" của tác giả Vân Phi mang đến những xúc cảm thanh tân về mùa xuân và tình yêu, đưa chúng ta vào không gian tràn đầy sức sống của một buổi sáng quê hương. Mùa xuân được nhen lên trên từng chồi non lộc biếc, và mùa xuân cũng bắt đầu khi tình yêu có những hồi đáp ngọt ngào...

Nụ cười Tây Nguyên

Nụ cười Tây Nguyên

(GLO)- Đi tìm nụ cười Tây Nguyên chính là tìm đến cái đẹp nguyên sơ. Nó ẩn sâu trong đôi mắt, nó hé nhìn qua đôi tay trong vũ điệu, nó giấu mình sau chiếc gùi đầy ắp lúa, bắp và nó cũng chân tình, e ấp khi nói lời thương. Nụ cười ấy hồn hậu, sâu lắng và tự nhiên như núi rừng, sông suối.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

(GLO)- Bài thơ "Khảo cổ An Khê" như một cách "phượt" về quá khứ, về những dấu tích cổ xưa của Nguyễn Thanh Mừng. Để rồi, ở đó, tác giả lại tự "khảo cổ chính mình", khát khao tìm lại những giá trị thuần khiết, giản dị của con người và văn hóa dân tộc.

Thơ Nguyễn Đức Nam: Đừng buồn nhé, em!

Thơ Nguyễn Đức Nam: Đừng buồn nhé, em!

(GLO)- Bài thơ “Đừng buồn nhé, em!” của Nguyễn Đức Nam phản ánh một thông điệp sâu sắc về thời gian, sự thay đổi và sự chấp nhận trong cuộc sống. Tác giả dùng hình ảnh dòng sông để minh họa cho những chu kỳ trong đời người và những thăng trầm mà mỗi người phải trải qua.

Thơ Lê Vi Thủy: Mùa em

Thơ Lê Vi Thủy: Mùa em

(GLO)- Mùa xuân không chỉ đơn thuần là thời gian mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của tình yêu thương, sự đoàn tụ và những ước nguyện hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Lê Vi Thủy gửi gắm đầy nhẹ nhàng, tinh tế trong bài thơ "Mùa em". Mời các bạn cùng đọc.

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

(GLO)- Bài thơ "Gọi xuân" của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng mang đậm không khí của mùa đông, song cũng là lời mời gọi, khắc khoải của mùa xuân. Từng câu thơ như một niềm khát khao về sự thay đổi, hồi sinh và tươi mới...

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

(GLO)- Mùa xuân vừa đến, cho ta cái cớ để nhìn lại chặng đường dài mình đã đi qua. Thêm một tuổi là thêm nhiều những hạnh ngộ và chia ly, nguyện ước và mong chờ. Nhưng chừng nào còn tha thiết với đời là ta còn “tuổi ngọc”. Bài thơ của tác giả Lữ Hồng dưới đây như thay lời muốn nói...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

(GLO)- Bài thơ "Quê ngoại" của Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ là lời tỏ bày tình cảm quê hương mà còn là một thông điệp sâu sắc về sự gắn bó với cội nguồn. Quê hương dù có xa hay gần, luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, là điểm tựa để chúng ta tìm về trong những lúc lạc lõng nhất.

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

(GLO)- "Hoa vô thường" của Lê Từ Hiển mang đậm dấu ấn của sự chiêm nghiệm về cuộc đời, sự vô thường của thời gian qua những biến chuyển của thiên nhiên. Mỗi câu thơ như một khoảnh khắc dịu dàng, mà ở đó, tác giả lặng lẽ nhìn nhận và đón nhận mọi biến động của đời sống...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

(GLO)- Với "Giếng xưa", tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh đã khắc họa bức tranh đầy khắc khoải, suy tư về cuộc đời. Khi thời gian lặng lẽ trôi qua, mỗi hình ảnh đều như một lời tâm sự rất riêng tư nhưng cũng thật gần gũi và đầy cảm xúc.

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

(GLO)- Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người phố núi Pleiku, UBND thành phố phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Khát vọng vươn lên” năm 2025 trên các ấn phẩm của Báo Gia Lai. Ban tổ chức bắt đầu nhận bài từ ngày 20-1.